Bà Đỗ Hoàng Yến, Cục Trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Bộ Tư pháp thông tin như trên tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp sáu tháng đầu năm 2019 do Bộ Tư pháp tổ chức, chiều 12-7.
Bà Đỗ Hoàng Yến, Cục Trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Bộ Tư pháp, phát biểu tại hội nghị trực tuyến chiều 12-7. Ảnh: K.P
Theo Bộ Tư pháp, Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019) bãi bỏ các quy định có liên quan đến quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trình Chính phủ ban hành danh mục các quy hoạch hết hiệu lực, trong đó có quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng.
Bà Yến lưu ý về điều kiện, thủ tục thành lập Văn phòng công chứng, Bộ Tư pháp cho rằng việc thành lập Văn phòng công chứng phải tuân theo các tiêu chí do UBND cấp tỉnh ban hành và các quy định tại Luật Công chứng. Điều này nhằm bảo đảm thành lập Văn phòng công chứng uy tín, chất lượng vì hoạt động công chứng là dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm; việc công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch liên quan chặt chẽ đến quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, trật tự an toàn xã hội. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng chính sách phát triển nghề công chứng để trình Chính phủ xem xét, ban hành quy định pháp luật liên quan đến việc này.
“Chúng ta không ngăn cản quyền tự do thành lập Văn phòng công chứng nhưng cần phải có đủ điều kiện thành lập, chính sách phát triển nghề công chứng một cách phù hợp với thực tiễn, tránh tùy tiện, tràn lan, kém chất lượng” - Bà Yến khẳng định.