Tình hình dịch sởi đang bùng phát làm nhiều người chết tại Hà Nội. Ở miền Nam bệnh nhân sởi cũng tăng lên từng ngày. Nhiều người không điều trị bệnh tại bệnh viện mà tìm đến thảo dược (cây mùi) để tắm và chữa bệnh sởi. Nhưng theo các nghiên cứu từ Tây y cho đến Đông y đều cho thấy hạt mùi và cây mùi không có tác dụng điều trị bệnh sởi.
Đừng nhầm lẫn bài thuốc chữa đậu mùa với sởi
Trong dân gian có ghi nhận một phương thuốc đơn giản từ lá rau mùi để phòng ngừa bệnh đậu mùa. Vì hai bệnh này khác nhau nên mọi người đừng nhầm lẫn mà áp dụng cho bệnh sởi. Tuy nhiên, phương thuốc dùng cây mùi để phòng ngừa bệnh thủy đậu cũng chưa được kiểm chứng khoa học.
Kết quả nghiên cứu thành phần hoạt chất của hạt mùi chỉ thấy phần lớn là các tinh dầu, vitamin A, B và Fe. Hạt mùi có vị cay, tính ấm, Đông y dùng làm thuốc bổ tì vị, kích thích tiêu hóa, chống đầy hơi, làm mạnh dạ dày, lợi tiểu, hạ sốt, giải cảm, chữa ho, ngạt mũi. Như vậy hạt mùi hoặc cây mùi đều không liên quan đến bệnh sởi (do virus). Do đó tạm thời chưa đủ bằng chứng kết luận hạt mùi có tác dụng phòng sởi hoặc điều trị sởi.
Các bà mẹ cũng cần chú ý là tinh dầu có nhiều trong lá và hạt rau mùi lại có tính gây kích ứng da, vì vậy không nên bôi lên da hoặc tắm cho trẻ đang lên sởi nhiều lần ở dạng nước hoặc cồn đều không tốt và không dùng rau mùi cho các trẻ bị hen phế quản hoặc viêm phổi mạn tính.
Khi trẻ mắc bệnh sởi thì nên tắm trẻ bằng nước ấm, có thể pha ít muối biển để giảm ngứa.
Y học truyền thống cũng có những biện pháp để phòng ngừa biến chứng do sởi gây ra nhưng chỉ là hỗ trợ nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể trẻ cũng như tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, phương pháp điều trị tự nhiên cũng đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc làm giảm các triệu chứng của bệnh sởi. Ở nhiều nước trên thế giới các thầy thuốc cũng kết hợp việc dùng thảo dược và vi lượng đồng căn để áp dụng cho trẻ em trong giai đoạn phát sởi. Được ghi chép trong dược điển những cây cỏ như Echinacea purpurea (cúc tím), Astragalus membranaceous (hoàng kỳ) là những thảo dược đã được chứng minh là có tính kháng virus cao và giúp tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch.
Dinh dưỡng cho bệnh nhân sởi
Tác dụng kháng khuẩn có hoàng cầm, hoàng liên, ngưu bàng, kim ngân hoa, diếp cá, liên kiều, tri mẫu… Kháng virus: hoàng cầm, hoàng liên, liên kiều, ngưu bàng… Sinh tân dịch: mạch môn, thiên môn, sa sâm, sắn dây… Giải độc, lợi tiểu: cam thảo, mộc thông, mã đề, râu bắp...
Y học cổ truyền cũng nhấn mạnh đến tác dụng thanh nhiệt thải độc của xuyên tâm liên, đặc biệt cho các bệnh kèm theo sốt ở đường hô hấp, tai mũi họng, đường tiết niệu, viêm ruột và dạ dày, lị cấp tính, bệnh viêm da, viêm họng, thanh quản và mụn nhọt. Nhưng các thuốc này thường rất đắng nên việc bào chế từ cây và lá xuyên tâm liên ở dạng viên nang cũng là một việc cần khuyến khích.
Tóm lại lời khuyên của các chuyên gia có thể giúp các bà mẹ trẻ yên tâm khi có dịch sởi là nên tắm trẻ bằng nước ấm, có thể pha ít muối biển để giảm ngứa. Nếu trẻ gãi làm trầy xước da, có thể bôi dầu ôliu cho giảm ngứa và giảm dị ứng. Nghệ rất có lợi trong việc điều trị bệnh sởi, trộn bột nghệ với một vài giọt mật ong và nước cốt của một vài lá mướp đắng cho trẻ uống. Bột rễ cam thảo với mật ong hoặc vài giọt dầu hạnh nhân giảm ho cho trẻ. Uống nhiều nước khoáng, nước ấm pha chanh và mật ong.
Nên xay nhuyễn các loại rau củ như cà rốt, rau diếp xoăn, cải xoong, đậu Hà Lan, rau diếp, đậu bắp, bí đỏ, rau bina, củ cải, bí, rong biển, khoai lang, các loại ngũ cốc, ăn các loại quả như quả mơ, bơ, mâm xôi, chanh, quýt, xoài, cam, dưa hấu, đu đủ, đào, lê, nho… để trẻ được hấp thu đầy đủ các chất cần thiết cho cơ thể. Nếu được có thể cho trẻ uống thêm các loại trà giải nhiệt như trà hoa cúc, hoa kim ngân sài đất, nước mát, mã đề, râu bắp, thuốc giòi để góp phần thải độc. Nên uống nước cam tươi (ngày hai lần) hoặc uống nước lúa mạch (ngày hai lần) hoặc nước chanh tươi (ngày 3-4 lần).
DS LÊ KIM PHỤNG
Không nên tự ý mua thuốc điều trị bệnh sởi Không nên điều trị bệnh sởi bằng thuốc kháng sinh vì không có hiệu quả và điều trị Tây y đơn giản là dùng các thuốc đối phó để hạ sốt như acetaminophen hoặc ibuprofen. Một quan niệm sai lầm phổ biến là các bà mẹ thường tự ý dùng các loại thuốc OTC (thuốc không kê đơn) và nghĩ là an toàn cho con của họ nhưng hãy chắc chắn một điều là nó sẽ mang lại những tác dụng phụ rất nguy hiểm. Cũng không nên dùng aspirin cho trẻ trong giai đoạn này, lời khuyên của các chuyên gia vẫn là để trẻ nghỉ ngơi tại giường, theo dõi sốt, áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh và uống nhiều nước vẫn là điều trị tốt nhất. Nếu sốt cao không hạ thì cần đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. |