Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 2326/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Tri thức dân gian phở Nam Định".
Theo hồ sơ di sản, Tri thức dân gian phở Nam Định của tỉnh Nam Định được đánh giá đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của di sản phi vật thể quốc gia với tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Theo Quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Phở là món ăn phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, được nhiều người ưa chuộng không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Trải qua thời gian, phở đã trở thành niềm tự hào của người Nam Định; khẳng định được giá trị thương hiệu ẩm thực với những nét độc đáo thể hiện trong tất cả các khâu từ chuẩn bị, lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm; phương thức làm ra sợi phở đặc trưng; công đoạn chế biến, hoàn thiện một bát phở ngon đảm bảo hương vị, chất lượng dinh dưỡng...
Việc "phở Nam Định" được đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia loại hình tri thức dân gian là tín hiệu mừng, từ đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Tri thức dân gian được hiểu theo nghĩa rộng đó là các truyền thống lâu đời, kinh nghiệm, thực tiễn sống của một cộng đồng liên quan đến môi trường tự nhiên, xã hội, đời sống, tư duy, ẩm thực... của cộng đồng đó.
Đây cũng là cơ sở bước đầu để Chính phủ đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, công nhận ghi danh "phở Nam Định" vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Từ đó, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của di sản; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản văn hoá ẩm thực “phở Nam Định”; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với di sản; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, của các tổ chức hội, hiệp hội ẩm thực và cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ các giá trị tri thức dân gian về thương hiệu, sản phẩm ẩm thực đặc sắc của vùng đất và người Nam Định.
Tri thức dân gian phở Hà Nội cũng là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Cùng với phở Nam Định, trong ngày 9-8, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cũng đã ký ban hành quyết định đưa Tri thức dân gian phở Hà Nội vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Theo hồ sơ Hà Nội đề xuất, chủ thể của món phở là những cá nhân, gia đình trực tiếp thực hành và nắm giữ những tri thức, kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết chế biến phở; được trao truyền qua nhiều thế hệ thể hiện yếu tố tiếp nối bản sắc và thương hiệu được ghi nhận.
Những cửa hàng phở tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên. Những thương hiệu phở gia truyền (có hơn 2 đời làm phở) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, quận Hai Bà Trưng.
Nhiều sử liệu ghi chép lại món phở tại Hà Nội được ra đời vào đầu thế kỉ XX. Từ năm 1907 đến 1910, phở vốn là một loại quà rong, được gánh đi rong và rao bán khắp phố phường tại Hà Nội.
Về nguồn gốc ra đời của món phở đến nay còn nhiều quan điểm điểm khác nhau với ba giả thuyết phổ biến: Phở bắt nguồn từ món pot-au-feu của Pháp; phở có nguồn gốc từ món Ngưu nhục phấn của người Hoa; phở có nguồn gốc từ món bún xáo thịt trâu của người Việt.