Sáng 18-6, Hội nhà báo Việt Nam phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), các nhà báo, họa sĩ tổ chức triển lãm tranh 99 nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2024).
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM bày tỏ niềm vui khi tham dự triển lãm tranh của tám tác giả là những người làm báo.
"Tôi đã xem một số tác phẩm trước giờ khai mạc triển lãm. Mặc dù tôi là người ngoại đạo, không quá hiểu về lĩnh vực này nhưng khi xem qua các tác phẩm trưng bày tại đây, tôi thực sự ấn tượng. Có thể nói, đây là những tác phẩm mang giá trị sâu về nghệ thuật" – ông Nguyễn Hồ Hải chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt cho Thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Hồ Hải gửi lời chúc mừng, tri ân đến các phóng viên, biên tập viên những người chiến sĩ cầm bút trên mặt trận tư tưởng văn hóa của thành phố, đất nước đã góp phần chung cho sự phát triển về kinh tế văn hóa xã hội của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
"TP.HCM đang cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của nhiệm kỳ này, để có kết quả thiết thực nhằm chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Tôi tha thiết mong muốn tất cả các mặt trận, mọi người hãy chung tay đồng hành, hỗ trợ cùng thành phố, để thành phố chúng ta có những kết quả tốt nhất, đặc biệt là kết quả của việc chăm lo đời sống cho nhân dân" - ông Nguyễn Hồ Hải nói thêm.
Triển lãm tranh 99 trưng bày 130 tác phẩm với nhiều chủ đề khác nhau như tĩnh vật, phong cảnh, chân dung, trừu tượng, sinh hoạt đời thường... với các chất liệu sơn dầu, acrylic, màu nước, lụa, bút sắt.
Triển lãm tranh 99 có sự góp mặt của tám họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên công tác ở nhiều đơn vị khác nhau: họa sĩ Ngô Thành Nhân, họa sĩ Nguyễn Nghiêm, nhà báo Nguyễn Tiến Lễ, nhà báo Vũ Kim Sơn, nhà báo Đỗ Hương, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hồng Nga, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nhà báo Tiểu Tân.
Theo ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, triển lãm tranh 99 gồm những nhà báo và những cộng tác viên của các báo, ngoài việc cầm bút cầm máy ảnh, còn có cùng một sở thích, đam mê cháy bỏng là cầm cọ vẽ.
"Hầu hết họ đến với hội họa khá muộn màng, có những nhà báo chỉ mới thật sự sáng tác hai, ba năm trở lại đây khi đã nghỉ hưu hoặc khi được bạn bè động viên, khuyến khích.
Trong đó, có hai người cao tuổi nhất đã 75 tuổi, nghỉ hưu hơn 10 năm nay. Người trẻ nhất mới 30 tuổi là nữ phóng viên Tiểu Tân của báo Sài Gòn Giải Phóng vừa hoàn thành chuyến đi công tác từ Trường Sa trở về.
Nhiều người trong số các tác giả còn chưa dám nhận mình là họa sĩ mà chỉ là người có duyên nợ với hội họa, yêu thích thế giới sắc màu, muốn nhờ nét vẽ để nói lên những điều mà con chữ chưa thể nói hết. Nhờ vậy, tranh của nhóm 99 rất đa dạng, phong phú, hồn hậu và rất đời" - ông Trần Trọng Dũng chia sẻ.
Nhà báo Nguyễn Tiến Lễ, đại diện nhóm triển lãm tranh cho biết với 130 tranh này, số tiền từ những bức tranh bán tranh được sẽ dùng để hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam; tham gia đóng góp xây dựng phòng đọc cho trẻ em tại một trường tiểu học ở Gia Lai…
“Đây là những hoạt động nhỏ nhưng thể hiện tấm lòng của những người làm báo đối với xã hội” - nhà báo Nguyễn Tiến Lễ bày tỏ.
“Các tác phẩm được thực hiện sau khi tôi bị tai biến. Ba năm nay tôi vẽ được hơn 3.000 bức chân dung bằng mọi chất liệu… Tại triển lãm, tôi chọn ra 25 bức tranh để đem đến triển lãm” – nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ.
Triển lãm kéo dài từ 18-6 đến 24-6 tại trụ sở của cơ quan TTXVN, TP.HCM.