Ngày 9-12, TAND huyện Ea Súp (Đắk Lắk) xét xử sơ thẩm vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 165 BLHS năm 1999 đối với bị cáo Nguyễn Hữu Quảng, cựu Chủ tịch xã Ya Tờ Mốt.
Bị cáo Nguyễn Hữu Quảng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại phiên sơ thẩm. Ảnh: VŨ LONG |
Bị cáo đề nghị HĐXX tạm hoãn phiên tòa. Lý do, một số luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo vắng mặt và có đơn đề nghị hoãn.
Đồng thời, bị cáo đề nghị triệu tập nhiều nhân chứng liên quan. Bị cáo đề nghị triệu tập thêm giám đốc và bà Nguyễn Thị Hồng (nguyên Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Ea Súp), đại diện phòng tài chính - kế hoạch UBND huyện Ea Súp, giám định viên, điều tra viên, một số thành viên trong đoàn tiêu hủy cúm gia cầm tại xã Ya Tờ Mốt. Việc triệu tập này là để làm rõ một số vấn đề có trong hồ sơ vụ án.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX tạm hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi liên quan cho bị cáo. Đồng thời, đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX triệu tập một số nhân chứng liên quan, trong đó có Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Ea Súp, đại diện phòng tài chính - kế hoạch và hơn 100 người làm chứng…
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa, sẽ mở lại vào ngày 29-12 này.
Theo cáo trạng, trong các năm 2014, 2015 ông Quảng (thời điểm này là Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt) đã không thực hiện đúng, thực hiện không đầy đủ theo quy định của pháp luật về chi tiêu ngân sách; cố ý chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc thanh toán sai quy định, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 129 triệu đồng.
Tổng số tiền chi này được cơ quan điều tra thống kê tại 19 phiếu chi, kèm theo chứng từ gốc. Trong đó, có chín chứng từ do Lại Thị Mây (nguyên kế toán UBND xã Ya Tờ Mốt) trực tiếp lập, đề nghị thanh toán gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 75 triệu đồng.
Tuy nhiên, hành vi của Mây gây ra dưới 100 triệu đồng nên chưa có đủ căn cứ để xử lý.
Đối với trách nhiệm của bà Đào Thị Hon (nguyên nguyên kế toán trưởng UBND xã Ya Tờ Mốt) liên quan đến 22 bộ chứng từ khống, chi sai. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định không có chữ ký, bút tích của bà Hon thể hiện vai trò là kế toán trưởng. Mặt khác, năm 2014, 2015 bà Hon không được giao nhiệm vụ thanh toán nguồn ngân ngân sách chi thường xuyên và đang thời gian nghỉ sinh.
Cá nhân bà Nguyễn Thị Quế, cán bộ văn phòng kiêm thủ quỹ UBND xã Ya Tờ Mốt có trách nhiệm liên đới. Bà Quế là người ký đề xuất chi tiền, người đề nghị thanh toán tại các chứng từ (do Lại Thị Mây lập khống) vi phạm khoản 5 Điều 19 Luật Kế toán.
Như PLO đã đưa tin, vụ án nói trên cơ quan điều tra đã ban hành tới năm bản kết luận điều tra và năm bản cáo trạng truy tố bị cáo Quảng. Mỗi kết luận và cáo trạng đều cho ra số tiền gây thiệt hại khác nhau. Vụ án kéo dài hơn năm năm qua.
Cụ thể, ông Quảng từng bị khởi tố vì đã lập khống, duyệt, ký chi thanh toán các chứng từ không đúng quy định, gây thiệt hại hơn 333 triệu đồng (năm 2018 và 2019).
Sau đó, VKSND huyện Ea Súp đã rút truy cứu trách nhiệm của bị cáo đối với khoản tiền hơn 141 triệu đồng tiền xuất toán năm 2012 để truy tố bị cáo theo khoản 1 Điều 165 BLHS. TAND huyện Ea Súp tuyên phạt bị cáo Quảng 18 tháng tù.
Cuối năm 2020, tại cấp phúc thẩm, TAND tỉnh Đắk Lắk chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Cáo trạng kết luận ông Quảng gây thiệt hại hơn 184 triệu đồng.
Đại diện VKSND tỉnh cho rằng vụ án còn nhiều điểm chưa được làm rõ, cần hủy án để điều tra lại, trong đó, cần làm rõ số tiền trên 184 triệu đồng, xem xét trách nhiệm của kế toán, thủ quỹ UBND xã Ya Tờ Mốt...
Cựu chủ tịch xã kêu oan
Trao đổi với PV, bị cáo Nguyễn Hữu Quảng cho rằng cáo trạng của VKSND huyện Ea Súp quy kết ông là oan sai và bỏ lọt hành vi của kế toán và thủ quỹ UBND xã Ya Tờ Mốt.
Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng cáo trang truy tố bị cáo gây thiệt hại cho nhà nước hơn 129 triệu đồng thể hiện ở 19 chứng từ chi là không có căn cứ.
“Trong số 19 chứng từ chi này, Kho bạc Nhà nước huyện Ea Súp không xác định được 13 chứng từ chi tương đương 82,4 triệu đồng. Nghĩa là, số tiền này chưa gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Như vậy, nếu theo như kết quả điều tra thì bị cáo Quảng chỉ gây thiệt hại hơn 47 triệu đồng. Hành vi này chỉ đủ căn cứ xem xét xử lý về mặt hành chính, không đủ yếu tố phạm tội như cáo trạng nêu” – luật sư phân tích.