|
Ở Đồng Chó Ngáp khan hiếm thịt heo, thịt bò, nên thức ăn phổ biến là tôm, cua - Ảnh: V.TR. |
Và chỉ ở đó mới có chuyện dân xếp hàng mua vàng hay xách vỏ lãi chở những bao tiền đi gửi ngân hàng.
Nơi đó là ấp Nhà Lầu 1 và ấp Nhà Lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu).
Chuyện vui ở xứ nhà lầu
Trong lúc đang đi tham quan một vòng kênh xáng Nhà Lầu, ông Võ Văn Út - bí thư Huyện ủy Hồng Dân - quay sang nói với chúng tôi rằng cũng vì địa danh hành chính ở đây là Nhà Lầu mà nhiều thanh niên ở xứ này suýt bị đánh bỏ mạng khi đi chơi xứ khác.
Số là có một nhóm thanh niên ấp Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2 đi Giá Rai ăn đám cưới. Khi ngồi bàn thì nhóm thanh niên địa phương chào hỏi, làm quen. Khi bên kia hỏi bên này ở đâu tới, “Nhà Lầu” - một thanh niên ở ấp Nhà Lầu đáp.
Nhóm thanh niên ở Giá Rai tưởng mấy người này đang khoe của nên tỏ ra khó chịu, dù vậy họ cũng kiềm chế hỏi lại: “Tui hỏi thiệt là quê các anh ở đâu?”.
Một người gằn giọng: “Tui cũng nói thiệt là tui ở Nhà Lầu”. Một thanh niên ở Giá Rai đứng phắt dậy lớn tiếng: “Mấy anh giàu có, ở nhà lầu thì kệ cha mấy anh chứ khoe làm gì. Bây giờ mấy anh muốn gì đây?”.
Nhóm thanh niên ở ấp Nhà Lầu hoảng hồn đứng lên giãi bày: “Mấy anh hiểu lầm rồi. Tụi tui ở ấp Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A.
Tại chính quyền đặt tên ấp như vậy chứ tụi tui đâu có khoe của”. Mấy người lớn tuổi ở Giá Rai biết có ấp Nhà Lầu thiệt nên bước qua phụ giải thích. Nhờ vậy mà tiệc cưới được diễn ra suôn sẻ, hai bên bắt tay giảng hòa ăn uống vui vẻ.
Tên ấp là Nhà Lầu có từ khi nào và tại sao người ta đặt tên như vậy? Theo ông Nguyễn Hồng Thái (bí thư xã Ninh Thạnh Lợi A), tên gọi “Nhà Lầu” có từ trước năm 1945. Hồi ấy tại vùng này có một căn nhà gác gỗ khá to của ông Cả Trí, giống như nhà lầu bây giờ.
Ông là người ở địa phương khác đến khai hoang, lập nghiệp. Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945, ông và chính quyền địa phương đã tháo dỡ ngôi nhà lấy gỗ cắm xuống dòng kênh Phó Sinh - Cạnh Đền để chặn tàu của Pháp.
Từ “nhà lầu” được người dân gọi riết thành quen miệng nên năm 1976 chính quyền sử dụng tên này để đặt cho đơn vị hành chính của hai ấp. Con kênh chạy xuyên qua hai ấp Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2 cũng được đặt tên là kênh xáng Nhà Lầu.
Thế nhưng suốt nhiều năm sau giải phóng vùng đất này chỉ toàn nhà tranh vách lá chứ chẳng có ngôi nhà lầu nào. Đất bị nhiễm phèn và nhiễm mặn khiến năng suất lúa rất thấp. Người dân chỉ mơ ước đủ ăn đủ mặc mà ít ai dám nghĩ đến có căn nhà tường chứ đừng nói tới nhà lầu.
Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi nhanh chóng sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo đào kênh Quản Lộ Phụng Hiệp dẫn nước ngọt từ thượng nguồn sông Hậu vào rửa phèn cho đồng chó ngáp, làm ngọt hóa vùng bán đảo Cà Mau. Điện lưới quốc gia cũng được dẫn về làm cho vùng đất này thoát khỏi cảnh khuất nẻo. Rồi nhà tường kiên cố mọc lên như nấm sau mưa.
|
Một góc thanh bình ven kênh xáng Nhà Lầu - Ảnh: V.TR. |
Những tỉ phú tôm
Nếu như giống lúa một bụi đỏ độc đáo giúp người dân đồng chó ngáp sống được thì con tôm sú đã giúp họ trở thành tỉ phú. Một trong những người đầu tiên đưa con tôm đến đồng chó ngáp là ông Nguyễn Hồng Nguyên (Năm Nguyên) ở ấp Nhà Lầu 1. Nghe đồn nông dân ở miệt Cà Mau nhờ nuôi tôm mà làm giàu, mua xe, cất nhà lầu, ông Năm Nguyên rủ anh em trong gia đình đi học nghề.
Học xong, họ trở về đồng chó ngáp mướn đất đào ao thả nuôi tôm. Nhưng ban đầu con tôm không sống được ở xứ này khiến gia đình ông Năm Nguyên tán gia bại sản. Không nản chí, ông lại đi Cà Mau học lại kỹ thuật xử lý ao, kỹ thuật nuôi.
Mãi đến năm 1995, tức 10 năm sau đó, ông Nguyên mới trúng vụ tôm đầu tiên, tiền tỉ rủng rỉnh trong túi. Có tiền, ông Năm Nguyên lập tức xây cho mình một căn nhà lầu.
Nhiều người thấy ông Năm Nguyên làm giàu nhanh nhờ nuôi tôm nên cũng làm theo. Phong trào nuôi tôm sú ở đồng chó ngáp phát triển rất mạnh. Con tôm không phụ lòng người. Liên tiếp nhiều năm liền tôm trúng mùa, trúng giá đã giúp những nông dân nghèo khổ trước kia đổi đời.
Bí thư xã Nguyễn Hồng Thái nói toàn xã có hơn 2.000 hộ thì có tới hơn 1.200 hộ khá, giàu. Hiện chỉ còn 2,6% hộ nghèo không có đất sản xuất hoặc thuộc diện có người bệnh nan y, mất sức lao động.
Không chỉ thế, có hơn 100 tỉ phú sinh sống chủ yếu ở ấp Chủ Chọt, ấp Nhà Lầu 1 và ấp Nhà Lầu 2. Bản thân bí thư Thái cũng nuôi tôm và nằm trong danh sách tỉ phú ở địa phương. Có lẽ hiếm ở nơi nào có một “câu lạc bộ tỉ phú” như tại đồng chó ngáp Bạc Liêu.
Đa số thành viên câu lạc bộ là thanh niên chí thú làm ăn và ham học hỏi. Có thể kể ra những tỉ phú nổi tiếng xứ này như anh Nguyễn Thành Lập, Võ Văn Liêm, Lý Văn Mộng, Nguyễn Quốc Trì, Nguyễn Văn Bình, Huỳnh Văn Hội...
Cũng theo ông Thái, số người có thu nhập dưới 1 tỉ đồng/năm đếm không xuể. Sau khi bán tôm, nhiều người đã chở bao tiền qua Kiên Giang hay Cà Mau gửi ngân hàng. Một điều lạ nữa là đa số người dân ở xứ Nhà Lầu cất nhà chứ ít khi họ có mặt ở nhà.
Trong nhà thường chỉ toàn người lớn tuổi và trẻ con. Chủ nhà cất chòi lá ngoài đồng và ở đó quanh năm để chăm sóc lúa, tôm. Khi nào gia đình có đám tiệc họ mới về.
“Xứ này không có đường giao thông nên ôtô không chạy được. Tôi nghĩ nếu có đường thì có lẽ 50 - 70% hộ dân sẽ sắm ôtô. Bây giờ nhà nào cũng có vài chiếc xe máy đắt tiền chạy loanh quanh trong xóm, còn dưới sông thì có vài chiếc vỏ lãi để đi xa” - ông Thái nói.
Một điều rất đặc biệt nữa là an ninh trật tự ở đây rất tốt. Tôm cá đầy ruộng nhưng chẳng ai bắt trộm của người khác.
Công an xã cho biết mấy năm trước có xử lý một vụ đưa ra cảnh cáo trước dân. Còn gần đây không ai phản ảnh chuyện này nữa. Người dân cất căn chòi nhỏ ở vuông tôm, ao cá chủ yếu để tiện chăm sóc, thu hoạch chứ không phải để canh trộm.
Xếp hàng mua vàng Ông Võ Văn Út nói vì trúng tôm mà người dân ở Ninh Thạnh Lợi A giàu lên rất nhanh. Mấy năm trước người dân chưa quen với việc gửi tiền ngân hàng nên khi bán tôm xong thì họ đi mua vàng về làm của. Do thu hoạch tôm cùng lúc nên dân trong đồng chó ngáp chạy vỏ lãi ra chợ Ngan Dừa phải xếp hàng mua vàng. Ban đầu dân ở thị trấn Ngan Dừa thấy lạ tụ tập lại xem nhưng về sau họ cũng quen với chuyện này. Chính ông Út chứng kiến nhiều nông dân quần áo dính bùn đất vác cả bao tiền vô tiệm vàng hỏi mua một lúc mấy ký. Những năm gần đây việc giữ vàng có vẻ bất tiện nên người dân xứ Nhà Lầu chuyển sang gửi tiền ngân hàng, vừa có lãi vừa không phải hồi hộp khi giá vàng nhảy múa. |