Trở về sau gần 50 năm lạc người thân

Chiều tối 9-7, ban giám đốc, bác sĩ Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất thuộc Bộ LĐ-TB&XH (đặt tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) ở lại trung tâm trực muộn hơn mọi ngày. Chỉ ít giờ nữa người thân của nữ bệnh binh Nguyễn Thị Ân (70 tuổi), người được các bác sĩ ở đây chăm sóc từ 11 năm nay, sẽ tới làm thủ tục nhận bà Ân.

Sáng sớm 10-7, trung tâm đã cùng người nhà đưa bà Ân về quê nhà ở Đà Nẵng phụng dưỡng. Ai cũng mừng cho bà. Bởi trong số các thương, bệnh binh được chăm sóc tại trung tâm đến nay, bà là người hiếm hoi còn lại mất liên lạc với gia đình trong suốt gần 60 năm kể từ ngày bà nhập ngũ. Sức khỏe bà đã rất yếu, không còn nhận biết được xung quanh. Nhiều năm qua những người thân còn lại cũng đã cạn kiệt hy vọng tìm kiếm bà Ân. Họ tưởng bà đã hy sinh nên lập bàn thờ, cúng giỗ hằng năm. Rồi như một phép màu, thông qua những nhịp cầu từ gia đình các cựu chiến binh, bà và gia đình đã gặp lại.

Cú sốc lớn khi nhận tin gia đình hy sinh

Bà Ân sinh năm 1945, tại xã Hòa Lương, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) trong một gia đình có truyền thống tham gia hoạt động cách mạng. Từ nhỏ bà đã tham gia hoạt động du kích, thanh niên xung phong, sau đó đến tháng 11-1968 thì nhập ngũ làm hộ lý tại Bệnh xá C20 cánh Trung, mặt trận 4 Quảng Đà. Sau đó năm 1970, sức khỏe bà yếu nên được chuyển ra học tập tại Trường Văn hóa Thương binh 1 Vĩnh Phú. Bà ngày một yếu hơn khi nghe tin bố mẹ mất, anh và em gái hy sinh. Tin dữ đến, bà phát bệnh tâm thần nên được đơn vị cho phục viên và điều trị tại viện Phú Thọ.

Theo bà Nguyễn Thị Lụa, em họ bà Ân, năm 1972, khi bà Lụa tham gia cách mạng và bị thương, được chuyển tới đây điều trị có gặp bà Ân. Nhưng lúc này bà Ân rất suy sụp. Bà Ân nói với bà Lụa gia đình đã mất hết nên không về quê nữa để làm gì. Từ đó bà Lụa mất liên lạc với bà Ân. Cả dòng tộc cũng đã cố gắng đi tìm, ngóng chờ tin bà hằng ngày nhưng không thấy hồi âm.

Bà Ân trong vòng tay người thân đến đón bà tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất. Ảnh: TK

Bác sĩ hướng dẫn anh Nguyễn Nhựt, cháu bà Ân về sử dụng các loại thuốc uống hằng ngày của bà. Ảnh: NN

Sơ yếu lý lịch của bà Ân trong chiến tranh được lưu giữ tại trung tâm. Ảnh: NN

Bà Trịnh Thị Kim Anh, Phó Giám đốc trung tâm, cho biết thêm giai đoạn bà Ân khỏe nhất là hồi năm 2009-2010. Thỉnh thoảng bác sĩ có hỏi bà Ân nhắc về quê hương, bà nói quê Hòa Vang, bố mẹ tên Nhiều nhưng bà nói rất khó nghe. Sau đó sức khỏe bà Ân yếu dần, tới nay không nói được nữa. Trung tâm có hai trường hợp không có thân nhân, trong đó một người đã mất, một người là bà Ân.

“Chúng tôi rất mong những ngày tháng cuối cuộc đời bà Ân tìm lại được người thân để được an ủi phần nào dù không còn nhận biết được nữa. Vì vậy, trung tâm cũng cố gắng liên hệ với các nơi nhưng thông tin nhận được không đúng hoặc không có hồi âm. Nhưng cách đây một tháng, người thân của một bệnh nhân trong trung tâm từ ngoài Quảng Nam tìm tới đây thăm người thân. Chúng tôi đã nhờ người này chuyển thông tin về bà Ân ra ngoài đó. Như một phép màu, người này sau đó báo tin đã tìm được chính xác địa chỉ, thông tin về người thân của bà Ân tại Đà Nẵng” - bà Anh nói.

Sắp được về quê mình rồi chị à…

Ông Nguyễn Văn Ba (quê huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) sau nhiều năm thất lạc đã tìm được con của anh ông đang được điều trị tại trung tâm. Khi nhận được tin của trung tâm về trường hợp của bà Ân, ông Ba tâm niệm sẽ tìm tới tận địa chỉ trên để hỏi. May mắn, ông Ba đã gặp người thân gia đình bà Ân đang công tác tại xã Hòa Khương. Nghe tin, người này đã về thông báo trong dòng tộc. Cả thôn, xã vui mừng vì tin bà Ân còn sống.

Có mặt tại trung tâm để làm thủ tục và đưa bà Ân về quê là anh Nguyễn Nhứt (47 tuổi), con trai duy nhất của anh bà Ân và ông Nguyễn Sa, em họ bà Ân. Ông Nguyễn Sa khi gặp lại bà Ân cũng không giấu nổi niềm xúc động, liên tục nắm tay bà Ân nhắc tên hồi còn bé của hai chị em rồi nói: “Chị sắp được về quê mình rồi chị à”. Ông Sa chia sẻ: “Dù đã mấy chục năm không gặp nhưng tôi vẫn nhận ra chị, như thuở chị còn con gái ở nhà. Trong dòng tộc cử tôi vào đây để nhận chị, đưa chị về nhà. Ở quê còn nhiều người lớn tuổi cùng thời với chị. Dù hiện chị Ân không còn nhận ra nữa nhưng hình như chị cảm nhận được. Về quê rồi, cùng kể những câu chuyện xưa, gặp lại anh em bà con, hy vọng chị khỏe ra. Tôi không biết nói sao… Thay mặt gia đình cảm ơn trung tâm, cảm ơn những người đã chăm sóc chị tôi trong suốt quãng thời gian qua…”.

Đến 20 giờ ngày 9-7, ban lãnh đạo trung tâm cùng các bác sĩ nhanh chóng hoàn tất mọi thủ tục để gia đình đưa bà Ân về nhà. Các chế độ bà Ân được hưởng cũng được trung tâm giải quyết xong cho gia đình bà Ân. Ông Nguyễn Cảnh Hòa - Giám đốc trung tâm cho hay: “BS Tương sẽ được cử đi cùng xe để chăm sóc sức khỏe bà Ân cho tới khi về Quảng Nam. Bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn gia đình những điều cần lưu ý để chăm sóc bà Ân. Bà đã gắn bó với trung tâm 11 năm. Tôi cùng anh chị em trong trung tâm cũng thấy quyến luyến khi chia tay bà. Nhưng nay bà đã tìm được gia đình sau bao năm thất lạc, chúng tôi rất vui và chúc bà bình an trở về quê nhà…”.

4 giờ sáng 10-7, xe của Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất đã đưa bà Ân về Đà Nẵng. Anh Nhứt chia sẻ thêm: “Cả gia đình, bà con chòm xóm đang chờ cô Ân trở về nhà…”.

Bị tâm thần khi hay tin mất hết người thân

Có thể do cú sốc vì hay tin mất hết người thân, cộng với những biến cố khác trong giai đoạn chiến tranh ác liệt khiến bà Ân tâm thần không ổn định. Kết thúc chiến tranh, bệnh tình của bà Ân ngày một nặng hơn. Hội đồng giám định y khoa kết luận bà Ân bị tâm thần phân lập, sa sút thể trạng. Bà được chuyển qua chăm sóc, điều trị tại các nơi khác. Năm 2004, khi trung tâm ở đây được thành lập, bà là một trong số các thương, bệnh binh được chuyển từ ngoài Bắc vào. Khi tiếp nhận, bà Ân bị chứng tâm thần phân liệt, thể trạng sa sút nặng, không có khả năng ngôn ngữ, không tự chủ, không tự vệ sinh cá nhân được. Mọi việc đều phải do nhân viên y tế chăm sóc. Xét nghiệm sau đó phát hiện bà mắc bệnh tiểu đường, nhiễm chất độc da cam. Đến năm 2013, bà Ân được chẩn đoán bị nhồi máu não để lại di chứng, không đi lại, không nhận biết được và không nhớ gì nữa.

BS NGUYỄN VĂN TƯƠNG, Trưởng khoa Điều trị
thương, bệnh binh tâm thần, Trung tâm Điều dưỡng
Thương binh và Người có công Long Đất

Tôi sinh ra khi cô Ân đã nhập ngũ. Từ đó đến nay tôi không biết mặt cô. Sau khi cô Ân đi thoát ly, ông bà, bố và cô út mất, mẹ tôi bị bắt bỏ tù vì tham gia hoạt động cách mạng. Tôi còn nhỏ, sống một mình dựa vào bà con, họ hàng, đi chăn trâu để có cơm ăn. Sau này thống nhất đất nước, mẹ tôi nói phải tìm bằng được thông tin về cô Ân. Bà nội tôi cũng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi đã liên hệ nhiều nơi nhưng không có thông tin về cô. Cả gia đình đã tưởng cô hy sinh không rõ nơi chôn cất nên đã lập bàn thờ cô để thờ phụng, giỗ hằng năm. Tôi vì cuộc sống khó khăn nên hiện giờ qua Lào để làm thuê, cả gia đình đều ở quê. Khi hay tin về cô, tôi đã lập tức bỏ việc để về, mong chờ ngày vào đây đón cô về quê phụng dưỡng những ngày tháng cuối cùng.

Anh NGUYỄN NHỨT, người con duy nhất của anh bà Ân

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

 Bà Ly Sa trong cuộc vận động đồng bào dân tộc H’Mông xóa bỏ các hủ tục, trong đó có vấn nạn tảo hôn.

Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn

(PLO)- Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn là chìa khóa căn cơ để giải quyết hệ lụy là đói nghèo, trẻ em bỏ học, chất lượng dân số thấp kéo dài qua nhiều thập niên ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Ép con lấy chồng cận huyết

Ép con lấy chồng cận huyết

(PLO)- Tuổi 15, Sùng Thị Tú ở xã Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã bị chính mẹ ruột của mình ép lấy người cậu họ.
Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

(PL)- Dù đón một cái Tết xa nhà nhưng bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam tại Nam Sudan cũng tổ chức nấu bánh chưng, trang trí mai, đào rộn ràng không khí Tết.
Đến Campuchia truy tìm MH370

Đến Campuchia truy tìm MH370

(PL)- Đội tìm kiếm người Anh nói rằng họ đã may mắn “thoát chết” trong quá trình tìm kiếm bất thành và sẽ trở về Anh hôm nay.
Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

(PL)- Thiên vương điện ảnh nói sẽ tặng toàn bộ tài sản tương đương 17.000 tỉ đồng cho từ thiện vì: “Số tiền đó vốn không phải của chúng ta. Chúng ta đi vào thế giới này bằng hai bàn tay trắng và ra đi cũng như thế”.
Bán nhà, cưu mang con nuôi

Bán nhà, cưu mang con nuôi

(PL)- Hơn bốn năm nhận nuôi đứa trẻ mang căn bệnh quái ác, chị Trần Phương Lan đã đánh đổi gần như tất cả. Ngày 9-10 vừa qua, chị là một trong 10 nhân vật được UBND TP Hà Nội công nhận là “Công dân ưu tú thủ đô 2018”.
Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

(PL)- Mỹ-Anh-Pháp-Đức bàn kế hoạch đánh Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học khi tấn công tổng lực tỉnh Idlib - cứ điểm cuối cùng của phe nổi dậy.
Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

(PL)- Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, tỉ phú Jack Ma, cho biết đang dành nhiều thời gian và tài sản hơn để làm từ thiện với mong muốn thành lập một quỹ từ thiện tập trung vào giáo dục.
Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

(PL)- Trước khi gặp được những chiến binh săn đầu người, tôi đã chạm mặt nhà vua của bộ tộc Konyak trong “cung điện hoàng gia” nằm giữa hai nước Ấn Độ-Myanmar kỳ lạ, ngỡ ngàng…