Trực tiếp phiên xử phúc thẩm lần 3 “kỳ án vườn mít”

Có ba luật sư tham gia bào chữa miễn phí cho Lê Bá Mai là luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng Luật sư Người Nghèo) và luật sư Huỳnh Thế Tân (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Trực tiếp phiên xử phúc thẩm lần 3 “kỳ án vườn mít” ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu đang theo dõi phiên tòa. Ảnh: T.Hiểu

Vụ án này đã kéo dài gần 10 năm, bị cáo Mai từng hai lần bị tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình về hai tội giết người và hiếp dâm trẻ em.

Trực tiếp phiên xử phúc thẩm lần 3 “kỳ án vườn mít” ảnh 2

Bị cáo Lê Bá Mai tại phiên tòa. Ảnh: T.Hiểu

Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy hai bản án này theo kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao.

Tại phiên sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên bị cáo không phạm tội, sau đó bị cấp phúc thẩm hủy án.

Đến phiên sơ thẩm lần ba, Tòa án tỉnh Bình Phước lại tuyên bị cáo có tội nhưng thay vì tuyên tử hình bị cáo, tòa này lại tuyên mức án chung thân.

Trực tiếp phiên xử phúc thẩm lần 3 “kỳ án vườn mít” ảnh 3

Gia đình nạn nhân và các nhân chứng.  Ảnh: T.Hiểu

Bản án này bị VKS cùng cấp kháng nghị đề nghị tăng nặng hình phạt, đồng thời bị cáo tiếp tục kháng cáo kêu oan.

Với thời gian vụ án kéo dài gần 10 năm, đã tốn không biết bao nhiêu thời gian công sức cho bị hại mà cả gia đình bị cáo và cả của các cơ quan tố tụng. Đây cũng được coi là “kỳ án” trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

Đúng 8 giờ, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đều có mặt tại phiên tòa như: ông Dương Bá Tuân, chủ trang trại thuê Lê Bá Mai làm việc, gia đình nạn nhân có ông Điểu Cẩn, bà Thị Đê là cha mẹ của nạn nhân và Thị Hằng là nhân chứng.

Trực tiếp phiên xử phúc thẩm lần 3 “kỳ án vườn mít” ảnh 4

Luật sư đang nghiên cứu hồ sơ. Ảnh: T.Hiểu

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng có mặt theo dõi phiên tòa.  Với trách nhiệm trước vụ án, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, đã không quản ngại đi gần 200 km để đến nơi đã xảy ra vụ án tại huyện Hớn Quản - Bình Phước để thực địa vào ngày 13-5.

Sau khi làm thủ tục phiên tòa, chủ tọa đang đọc lại bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước.

VKS đề nghị tử hình

Ngay đầu phần xét hỏi, chủ tọa nhắc bị cáo cùng các nhân chứng bình tĩnh. Vì vụ án đã xảy ra quá lâu nên nếu nhớ và biết gì thì cứ nói rõ ràng, chi tiết. Còn nếu không nhớ thì cứ nói rằng không nhớ.

Về bị cáo  Lê Bá Mai, chủ tọa phân tích, trong 6 bản án từng có  trước đây, có một số bản án bị cáo từng khai nhận tội" .

Để chứng minh, chủ tọa đọc một số bút lục ghi lời khai của bị cáo Mai như: Vì muốn kéo dài sự sống nên bị cáo cố tình kêu oan, xin giảm nhẹ tội. Nhưng bây giờ, bị cáo biết lỗi nên thừa nhận đã giết Út.

Trả lời, bị cáo Mai nói rằng tất cả đều khai theo chỉ dẫn của CQĐT và có một thời gian xin giảm án là vì không biết kêu oan.

Trong phần hỏi các nhân chứng, Điểu Ky (anh họ nạn nhân) và Điểu Cẩn (bố nạn nhân) cho biết, vì nghe người ta nói Út đi với Mai nên khi Út mất tích đã đến chòi của Mai tìm. Tuy nhiên, khi đến Mai nói không biết.

Riêng nhân chứng Thị Hằng, khi vụ án xảy ra, Hằng  mới 9 tuổi. 

Hằng khai, sáng xảy ra vụ án thì đi mót sắn cùng với Út trong vườn ông Tuân. Khoảng 9-10 giờ thì Út lên xe cùng Mai, đi đâu không rõ. Mai chở Út trên chiếc xe máy màu xanh đen, mang theo bình xịt màu xanh, bình nước đá màu đỏ. Mai có đội nón lá. Hằng chạy theo một đoạn nhưng sau đó dừng lại vì theo không kịp. Hằng cũng khai là biết rõ đó là Mai vì từng sang nhà bạn chơi và bạn có giới thiệu đó là Mai.

Khi chủ tọa hỏi, tại thời điểm Mai chở Út đi, Hằng có nhớ Út mặc đồ màu gì không, thì Hằng nói không nhớ.

Trong phần xét hỏi bị cáo, thẩm phán Tô Chánh Trung, thành viên trong Hội đồng xét xử hỏi Mai rằng, một người tại sao không biết kêu oan như thế nào? Mình không phạm tội thì kêu oan chứ ?

Thẩm phán Phạm Công Tuấn cũng đặt vấn đề, trong những bản khai nhận tội của Mai, có những bản đều có luật sư của bị cáo tham gia, vậy những lời khai này đúng không? Mai cho biết, chỉ khai theo hồ sơ cũ và theo chỉ dẫn của CQĐT và VKS đã nói trước đó. Mai cũng đề nghị xin đối chất với VKS. 

Chủ tọa phiên tòa cũng hỏi tại sao có những chi tiết lúc bị cáo nói nhớ, lúc lại không. Mai trả lời, nếu thẩm phán hỏi chi tiết vụ án thì nhớ.

Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn, Phó viện trưởng Viện Phúc thẩm 3 hỏi: Theo bị cáo, luật sư bào chữa cho bị cáo tham gia lấy lời khai làm gì? Bị cáo không biết? Đại diện VKS cũng giải thích thêm, luật sư tham gia nhằm trách trường hợp bị ép cung…

Kiểm sát viên một lần nữa nói rằng, ghi nhận lời khai bị cáo tại tòa. Dù bị cáo khai không nhớ nhưng tất cả đều thể hiện trong hồ sơ. 

Thẩm vấn Nguyễn Văn Sinh, công an viên xã An Khương, huyện Bình Long, Bình Phước:

Ông Sinh là người được giao tiếp nhận đơn trình báo mất tích của gia đình nạn nhân. Khi ghi lời khai đầu tiên của Hằng là “một người thanh niên” mà không ghi tên Mai (sau đó mới ghi Mai) vì trước đó tôi có mâu thuẩn với ông Tuân. Nếu chưa bắt được Mai mà ghi Mai thì sợ mâu thuẫn chồng mâu thuẫn.

Trong phần luận tội,  đại diện VKS cho rằng, lời khai của bị cáo trước đây phù hợp với hiện trường vụ án như: bị cáo khai bị hại không mặc quần lót, nằm sấp úp mặt xuống hoàn toàn đúng với thực tế.

Lời khai người cùng làng với Mai là bị cáo vắng mặt vào khoảng thời gian trùng khớp với thời gian Thị Hằng nhìn thấy... Từ đó, VKS  khẳng định Mai phạm tội hiếp dâm trẻ em và giết người. Đồng thời, đại diện VKS đề nghị chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKS tăng hình phạt đối với bị cáo Mai, bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Mai.

Sau đó, VKS đề nghị mức án chung cho hai tội danh là tử hình.

Sau thời gian phiên tòa kéo dài trong suốt 6 giờ, HĐXX thông báo 14 giờ tòa tạm nghỉ, sau đó sẽ tiếp tục phần tranh luận của các luật sư.

Sau  phần luận tội của VKS, HĐXX cho biết sẽ tiếp tục phiên xét xử đến khi kết thúc phần tranh luận của các luật sư. Khi nào đến phần nghị án, HĐXX sẽ nghỉ  giải lao.

Tranh luận

Tiếp tục phiên tòa, trong phần tranh luận, luật sư Tân cho rằng, có những sai phạm cực kỳ nghiêm trọng.

Các bản khai của ông Phước có nhiều chỗ chừa lại một hai dòng dẫn đến việc điều tra viên Huấn tự ý ghi thêm là bình xịt màu xanh và bình nước đá màu đỏ.

Có bút lục thể hiện đang hỏi cung nhưng cùng thời gian lại có một bút lục khác trao trả vật chứng. Trong khi đó hai nơi này cách nhau 5 km. 

Luật sư cho rằng đây là sự dàn dựng cho đủ trong hồ sơ. Những bút lục thể hiện trong hồ sơ vụ án rất vô lý khiến người bình thường nhìn vào lại nghĩ điều tra viên có thể “đi mây về gió” ?

Sai phạm của ông Sinh được luật sư Tân phân tích theo hồ sơ. Cụ thể, không có người giám hộ trong khi lấy lời khai của cháu Hằng (là công an viên thì ông Sinh phải biết chuyện đó). Từ khi lập bút lục 54 năm 2004 thì quá trình vi phạm tố tụng bắt đầu xảy ra cho đến năm 2009. Cụ thể, đã có lời khai của nhân chứng là cháu Hằng thì cần thiết phải có những lời khai khác để phù hợp với lời khai đó. Tôi khẳng định bị cáo không phạm tội.

Luật sư Nghiêm cho rằng, đại diện VKS sử dụng lời khai của cháu Hằng, ông Điểu Ky, Điểu Cẩn và lời khai của các nhân chứng cùng làm thuê với bị cáo Mai để cho rằng các lời khai này có sự thống nhất với nhau là không phù hợp. Lời khai ban đầu của cháu Hằng là thấy một thanh niên chở Út đi. Sau đó, ông Sinh cho rằng không ghi rõ là Mai vì có sự mâu thuẫn với ông Tuân. Đây là sự sắp đặt khéo léo chứ không phải là sự thật. Đây không phải là lời khai của cháu Hằng mà là sự mong muốn của ông Sinh vì hình ảnh của Mai luôn gắn liền với bình xịt cỏ, chiếc xe máy và xô nước đá. Vì vậy, ý muốn của ông Sinh đã truyền cho các nhân chứng sau này về hình ảnh của Mai. Nếu nhận thức được việc ghi Mai sẽ dẫn đến người khác nghĩ mình trả thù cá nhân thì tại sao không từ chối lập hồ sơ ngay từ đầu.

Luật sư đề nghị HĐXX cẩn trọng trong xem xét đánh giá chứng cứ có trong vụ án này.

Đại diện VKS, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp trong đánh giá chứng cứ. Chúng tôi rất hiểu ý nghĩa của việc luật sư đưa ra ý kiến ngược lại quan điểm của chúng tôi để tránh làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.

Thứ nhất, lời khai nhân chứng Hằng lần đầu tiên do ông Sinh lập. Lời khai này luật sư cho rằng mới chỉ thể hiện một thanh niên chứ không phải Mai. Lời khai của ông Điểu Ky phù hợp với lời khai của Hằng. Trong điều tra, thông tin ban đầu vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, CQĐT không dừng lại ở thông tin ban đầu mà còn điều tra nhiều yếu tố khác. Vì vậy, không hề có mâu thuẫn giữa lời khai ban đầu và những yếu tố khác như hiện trường, nhân chứng, thực nghiệm lại hiện trường…

Lời khai của Hằng ban đầu là thanh niên nhưng Hằng trước sau như một đều khai là Mai chứ không phải ai khác. Mặt khác, nếu đi sâu vào đánh giá bút lục 54 thì thực sự bản thân các luật sư có mâu thuẫn nhau.

Lời khai của Hằng không có gì mâu thuẫn và không có sự mớm cung ở đây vì trước sau đều như một. Có sự trùng hợp cơ bản trong lời khai của các nhân chứng. Tuy nhiên cũng có một số bất nhất không phù hợp như bình xịt và thùng nước đá lúc màu này, khi màu khác. Nhưng đây là sự bất nhất không cơ bản và không quyết định đến bản chất vụ án. 

Theo đại diện VKS, một vụ án cũng như khi xem một bức tranh. Nếu nhìn từng mảnh ghép thì không thể hình dung được nội dung của bức tranh. Vì vậy, vụ án này cũng vậy, phải được đánh giá trên tổng thể sự việc chứ không nên nhìn nhận từng vụ việc một để cho rằng bị cáo không phạm tội. Không hề có sự mớm cung hay bức cung vì có sự tham gia của luật sư và VKS. VKS không thể bức cung để đưa một con người vô tội trở thành người có tội. Trách nhiệm của VKS không cho phép làm điều đó.

Sau 1 ngày xét xử, chiều tối ngày 30-8, HĐXX TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên án chung thân đối với bị cáo Lê Bá Mai.

Phan Thương - Tiến Hiểu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm