Trúng đấu giá đất 220 tỉ, hơn 1 năm chưa được cấp sổ hồng

(PLO)- Một người dân tại TP.HCM trúng đấu giá đất, đã thanh toán 220 tỉ đồng và công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá nhưng đến nay sau hơn một năm nộp hồ sơ vẫn chưa được cấp sổ hồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM, cho biết bà trúng đấu giá một khu đất, tiền đã chuyển đủ nhưng hơn một năm nay vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận (sổ hồng).

Trúng đấu giá đất 220 tỉ đồng

Cụ thể, theo bà Mai, vào tháng 4-2022 bà trúng đấu giá khu đất tại 283 (số mới 353) Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh với giá 220 tỉ đồng; buổi đấu giá do Công ty Đấu giá hợp danh VAMC tổ chức.

Ngày 20-5-2022, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM đã có quyết định về việc giao tài sản bán đấu giá. Theo đó, bà Mai được giao tài sản là quyền sử dụng đất và công trình xây dựng tại địa chỉ 283 Nơ Trang Long nói trên.

trung-dau-gia.jpg
Khu đất (khoanh tròn) mà bà Mai trúng đấu giá. Ảnh: TS

Đến ngày 8-6-2022, Cục THADS TP.HCM thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá với bà Mai tại một văn phòng công chứng ở TP.HCM.

“Tiếp đó, đến cuối tháng 7, Chi cục THADS quận Bình Thạnh có biên bản về việc giao nhận tài sản THA đối với nhà đất này cho tôi dưới sự chứng kiến của đại diện Cục THADS TP, UBND phường 13, Công an phường 13” - bà Mai nói thêm.

Bà Mai cũng cho biết ngày 12-9-2022 và nhiều lần sau đó bà đã nộp toàn bộ hồ sơ liên quan đến nhà đất nêu trên tại UBND quận Bình Thạnh, đề nghị UBND quận cấp sổ hồng.

Tuy nhiên, bà Mai cho biết đến nay UBND quận Bình Thạnh vẫn chưa cấp sổ cho bà; vụ việc kéo dài hơn 17 tháng qua (tính từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ) khiến bà Mai ảnh hưởng nặng nề về kinh tế và công việc làm ăn.

Nguồn gốc khu đất

Theo bản án của TAND Cấp cao tại TP.HCM, năm 1983, gia đình ông Trần Công Hầu có dự định xuất cảnh để chữa bệnh cho mẹ. Để được xuất cảnh, ông Trần Công Lược (cha ông Hầu) có hiến toàn bộ nhà xưởng và máy móc, thiết bị trong xưởng Công tư Hợp doanh thuộc da Bình Lợi cho Nhà nước.

Sau khi UBND quận Bình Thạnh thông báo còn nợ ngân hàng, phía bà Mai đã đến ngân hàng nộp tiền.

Theo công văn của NHNN Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM gửi ông Hầu ngày 28-4-2023, chi nhánh xác nhận đến thời điểm hiện tại, gia đình ông Hầu không còn khoản nợ vay nào tại Ngân hàng Phát triển Kỹ nghệ Việt Nam (ngân hàng chế độ cũ) và tại NHNN - Chi nhánh TP.HCM.

------------

Tôi tin tưởng khu đất đã đem ra đấu giá là không có vướng mắc gì về pháp lý nên mới tham gia nhưng đến nay, dù tôi không có lỗi gì, đã nộp đủ tiền vẫn không được thực hiện quyền lợi của mình. Thời gian càng dài thì thiệt hại của tôi càng lớn.

Tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết cho quyền lợi của tôi.

NGUYỄN THỊ TUYẾT MAI

Ngày 4-11-1983, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 380/QĐ-UB về việc chấp thuận cho ông Lược được hiến tài sản trước khi xuất cảnh.

Sau đó, Công ty Da Sài Gòn tiếp nhận toàn bộ tài sản thuộc Phân xưởng thuộc da Bình Lợi của cha ông Hầu trước đó. Tuy nhiên, do không được xuất cảnh, cha ông Hầu có làm đơn gửi đến nhiều cơ quan Đảng và Nhà nước xin lấy lại tài sản đã hiến tặng. Từ đây, tranh chấp xảy ra.

Theo UBND quận Bình Thạnh, bản án ngày 16-1-2020 của TAND TP.HCM và bản án ngày 14-8-2020 của TAND Cấp cao tại TP.HCM thể hiện về việc tranh chấp quyền sử dụng đất, bồi thường giá trị quyền sử dụng đất đã quyết định đình chỉ yêu cầu của nguyên đơn là ông Trần Công Hầu về yêu cầu buộc Công ty cổ phần (CTCP) Da Sài Gòn trả lại mặt bằng tại địa chỉ 283 (số mới 353) Nơ Trang Long.

Đồng thời chấp thuận yêu cầu của nguyên đơn, buộc CTCP Da Sài Gòn phải bồi thường cho ông Trần Công Hầu số tiền hơn 203 tỉ đồng. Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán trên, CTCP Da Sài Gòn được quyền liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xin cấp sổ hồng theo quy định.

Trường hợp CTCP Da Sài Gòn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán hoặc không thanh toán đủ số tiền bồi thường, ông Trần Công Hầu có quyền yêu cầu cơ quan THA phát mại tài sản tranh chấp là đất, nhà xưởng tại địa chỉ 283 Nơ Trang Long để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán.

Tuy nhiên, do CTCP Da Sài Gòn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nên ông Trần Công Hầu yêu cầu cơ quan THA phát mại tài sản tranh chấp là đất, nhà xưởng nêu trên.

Lúc này bà Nguyễn Thị Tuyết Mai tham gia đấu giá và là người trúng đấu giá tài sản như đã nêu trên.

Ủy ban nói về lý do chưa cấp sổ hồng

Theo ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, TP.HCM, qua kiểm tra hồ sơ lưu cho thấy ngày 22-6-2010, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM có văn bản trả lời ông Trần Công Hầu có nội dung thể hiện đơn vị này vẫn còn đang theo dõi nợ của ông Trần Công Lược (cha ông Hầu).

Trách nhiệm để kéo dài khoản nợ này thuộc về Công ty Công nghệ phẩm trước đây, sau là Công ty Da Sài Gòn - Bộ Công Thương, nay là CTCP Da Sài Gòn.

CTCP Da Sài Gòn trình bày tại bản án, Công ty Da Sài Gòn (công ty nhà nước) cổ phần hóa năm 2005, thành CTCP Da Sài Gòn. Tại thời điểm cổ phần hóa nhà xưởng, vật kiến trúc tại 283 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh đã được xác định giá trị đưa vào cổ phần hóa cho Công ty Da Sài Gòn…

Tuy nhiên, theo UBND quận Bình Thạnh, do khu đất có Quyết định 804 ngày 18-2-1998 của UBND TP về việc cho các tổ chức thuộc quận Bình Thạnh thuê đất (trong đó có Công ty Da Sài Gòn), hiện hồ sơ pháp lý chưa xác định rõ giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa đối với Công ty Da Sài Gòn và chưa làm rõ việc quản lý sử dụng đất đối với thửa đất nêu trên.

Đồng thời, theo hồ sơ Chi cục Thuế quận Bình Thạnh cung cấp, đến nay Công ty Da Sài Gòn còn nợ tiền thuê đất tại khu đất trên.

Cũng theo ông Phương, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều không đề cập đến quyết định của UBND TP về việc cho các tổ chức thuộc quận Bình Thạnh thuê đất, trong đó cho CTCP Da Sài Gòn thuê đất tại địa chỉ 283 Nơ Trang Long.

Do đó, để có cơ sở giải quyết hồ sơ cấp sổ hồng cho bà Mai theo quy định, UBND quận Bình Thạnh có các văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, NHNN Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM, Cục THADS TP.HCM và Sở TN&MT TP hỗ trợ kiểm tra có ý kiến một số nội dung liên quan nhà đất trên: Về khoản nợ liên quan đến việc cầm cố thế chấp nhà đất nêu trên; kiểm tra, có ý kiến đối với quyền sử dụng đất nêu trên có thuộc tài sản công do Bộ Công Thương quản lý hoặc thuộc diện sắp xếp lại, xử lý tài sản công hay không...

Tuy nhiên, trong số các cơ quan xin ý kiến, UBND quận vẫn chưa nhận được văn bản phúc đáp của Bộ Công Thương, Sở TN&MT TP.

“Để đảm bảo quyền lợi của người mua trúng đấu giá, UBND quận đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương, UBND TP chỉ đạo Sở TN&MT sớm có văn bản phúc đáp để có cơ sở tham mưu giải quyết cấp giấy chứng nhận nhà đất trên cho bà Mai theo quy định” - ông Phương nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm