Trung Quốc đã làm gì ở các đặc khu châu Phi?

Tính đến cuối năm 2016, Trung Quốc (TQ) đã đầu tư xây dựng 77 đặc khu kinh tế (SEZ) tại 36 quốc gia trên thế giới với tổng đầu tư ước tính hơn 24,2 tỉ USD và đạt giá trị sản xuất hơn 70,3 tỉ USD. Kinh nghiệm từ các đặc khu do TQ đầu tư tại các nước đang phát triển như châu Phi, Sri Lanka sẽ là những bài học quý giá đối với Việt Nam khi nghiên cứu mô hình này.

Trung Quốc hóa đặc khu kinh tế ở châu Phi

Kể từ năm 2006, TQ bắt đầu xuất khẩu mô hình đặc khu của mình sang các nước châu Phi khi chính phủ nước này đưa ra mục tiêu xây dựng khoảng 50 đặc khu hợp tác kinh tế và thương mại ở nước ngoài. Những đặc khu này là một phần giúp nước này thực hiện “quyền lực mềm” của mình, tức chúng không chỉ là kinh tế và thương mại mà còn có những mục tiêu chính trị.

Từ đó có bảy đặc khu được mở tại các quốc gia châu Phi là Algeria, Ai Cập, Ethiopia, Mauritius, Nigeria (hai đặc khu) và Zambia. Năm 2010, có sáu đặc khu được xây dựng trong khi đặc khu ở Algeria bị hủy bỏ do những thay đổi trong chính sách đầu tư nước ngoài của quốc gia này.

Điều đáng lưu ý là các đặc khu ở Ethiopia và Mauritius do 100% người TQ làm chủ sở hữu. Các đặc khu ở các nước còn lại thì mang hình thức hợp tác với các đối tác của nước sở tại nhưng đối tác của nước sở tại chỉ chiếm tỉ lệ sở hữu ít ỏi. Chẳng hạn, đặc khu Ogon của Nigeria thì đối tác trong nước chỉ sở hữu có 18%, đặc khu Suez của Ai Cập thì người Ai Cập chỉ sở hữu có 20%.

Như vậy, gần như tất cả đặc khu kinh tế ở châu Phi đều do người TQ nắm giữ, các đối tác trong nước nếu có tham gia thì chỉ với một tỉ lệ nhỏ mà thôi.

Theo báo cáo của McKinsey năm 2015, TQ thống trị các hạng mục thương mại từ FDI, từ giá trị hàng hóa, viện trợ đến phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài yếu tố thị trường, FDI sẵn có của TQ và thặng dư lao động, đây cũng là những quốc gia có sức ảnh hưởng chính trị nhất định, hứa hẹn sẽ không chỉ đa dạng hóa hoạt động cho các công ty TQ mà còn thúc đẩy các mục tiêu của TQ tại châu lục. Theo thống kê của chính phủ TQ, cuối năm 2011, các đặc khu trên tạo ra 4,52 tỉ USD giá trị sản xuất và đóng góp 143 triệu USD tiền thuế.

Đa số các đặc khu kinh tế Trung Quốc đầu tư ở châu Phi bị đánh giá phô trương thì nhiều, hiệu quả thì khiêm tốn. Ảnh: CHINAAFRICAPROJECT

Cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tại đặc khu kinh tế Maluti-a-Phofung. Ảnh: GCIS

Công nhân tại đặc khu kinh tế Kigali ở Cộng hòa Rwanda, một quốc gia nhỏ nằm kín trong lục địa tại vùng Hồ Lớn, Trung Đông Phi. Ảnh: NMG

Tình trạng trì trệ tại các đặc khu ở châu Phi

Tuy nhiên, các đặc khu trên vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng và kỳ vọng của các nước sở tại. Sau 12 năm trục trặc đủ đường, đặc khu Jinfei của Mauritius hiện chỉ hoàn thiện hạ tầng cơ bản với bốn công ty hoạt động. Ước tính có 107 người dân đã lâm vào cảnh khốn đốn khi phải nhường đất cho dự án. Đặc khu tại Zambia thì chỉ thu hút được một nửa doanh nghiệp theo kế hoạch, trong khi quan ngại về ô nhiễm môi trường hay mưa acid xuất hiện ngày càng nhiều.

Các đặc khu của Ai Cập và Nigeria tuy thu hút được nhiều sự chú ý và vốn đầu tư nhưng đến năm 2014 cũng chỉ đạt gần 10%-30% kế hoạch. Đặc khu của Ethiopia thậm chí còn phải thu nhỏ 60% diện tích do chủ đầu tư TQ gặp khó khăn về tài chính, trong khi dự án tại Algeria vẫn còn đang nằm trên giấy.

Theo UNDP, chính sự nhập nhằng của các bên tham gia phát triển mà đa phần đến từ các công ty TQ, vấn đề vốn cho cơ sở hạ tầng và các trở ngại trong việc kết nối với nền kinh tế địa phương đã gây ra tình trạng trên. Bên cạnh đó, các khoản vay ưu đãi từ phía TQ sẽ dễ dàng tăng thêm gánh nặng nợ cho các nước chủ nhà, nhất là trong các trường hợp SEZ dạng liên doanh, dẫn đến khả năng vỡ nợ.

Sri Lanka “gán” hải cảng để trả nợ

Vỡ nợ là trường hợp điển hình của Sri Lanka, một quốc gia châu Á. Nội chiến kết thúc năm 2009 kéo theo nhu cầu kiến thiết đất nước khẩn cấp của Sri Lanka và Bắc Kinh là nhà cung cấp viện trợ hào phóng nhất, lên đến 15 tỉ USD trong giai đoạn 2005-2017. Tính đến cuối năm 2015, Sri Lanka nợ nước ngoài lên đến 94% GDP, trong đó có 8 tỉ USD của TQ.

Tháng 9-2014, dự án thành phố cảng Colombo của Sri Lanka và TQ được khởi công với sự có mặt của lãnh đạo hai nước là ông Mahinda Rajapaksa và Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong vòng hai năm sau đó, tiến độ xây dựng liên tục bị trì hoãn do xích mích giữa nhà thầu và chính quyền địa phương khiến hải cảng này vẫn không thu hút được tàu thuyền quốc tế.

Khu vực cảng Hambantota với vốn đầu tư 1,5 tỉ USD cũng chịu tình trạng thất bại tương tự và đến cuối năm 2017 thì chính phủ Sri Lanka đã bán 80% hải cảng này cho TQ với giá 1,1 tỉ USD để giải quyết áp lực nợ. Sự hoạt động kém hiệu quả so với vốn đầu tư của hai dự án đã đóng góp không nhỏ vào số nợ nước ngoài của Sri Lanka.

Trường hợp “điển cứu” Thâm Quyến

Là biểu tượng cho mô hình đặc khu không chỉ của TQ mà là cả thế giới, Thâm Quyến có nhiều đặc điểm cá biệt để có thể thành công vang dội.

Đầu tiên là mô hình kinh tế. Dưới chủ trương đặc khu, nền kinh tế thị trường mang bản sắc chủ nghĩa xã hội TQ đã được cổ vũ phát triển mạnh mẽ tại đây trong giai đoạn TQ còn theo đuổi cơ chế bao cấp và những hệ quả nặng nề của cuộc Cách mạng văn hóa. Đây là điều kiện tối quan trọng đối với đầu tư cả trong và ngoài nước và càng cấp bách trong bối cảnh Mỹ và TQ vừa hoàn tất bình thường hóa quan hệ.

Những cơ hội mới ngày càng nhiều ở đặc khu và nhất là sự cạnh tranh công bằng, minh bạch và không tiêu cực với cả những công ty quốc doanh đã tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt. Nhưng gần 40 năm sau, với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, những hiệp định thương mại tự do đa phương, những chính sách ưu đãi của đặc khu không còn đủ tiến bộ so với mặt bằng chung của quốc gia này để có thể tạo được động lực thần kỳ như trước.

Thứ hai là vị trí chiến lược của Thâm Quyến. Các ưu đãi về tài chính, nhân công, thuế, cam kết môi trường ổn định và thậm chí là cạnh tranh giữa các chính sách ưu đãi như thời hạn thuê đất có thể lên 99 năm ở các nước Đông Nam Á, 76-80 năm ở châu Phi là chưa đủ. Thâm Quyến có vị trí đắc địa, kết nối đặc biệt với Hong Kong - một trung tâm tài chính thế giới mà bấy giờ vẫn là tô giới của Anh. Các nhà đầu tư Hong Kong cũng chính là những người rót nhiều vốn nhất cho giai đoạn phát triển ban đầu của Thâm Quyến. Chính phủ TQ cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng để tăng cường khả năng nối đặc khu này với thị trường rộng lớn toàn quốc, một điều đã được rất nhiều quốc gia áp dụng.

Thứ ba, định hướng phát triển của thành phố luôn được chú trọng và cải tiến. Từ những ngày đầu chỉ xây dựng nhà máy, gia công, sản xuất hàng tiêu dùng giá trị thấp, nay Thâm Quyến đã là trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo của TQ, chỉ đứng sau Thượng Hải và Bắc Kinh. Những nhà máy sản xuất mô hình ngày xưa đang dần đóng cửa để nhường chỗ cho các mô hình dịch vụ và tiêu dùng.

Nhưng đặc khu Thâm Quyến không chỉ màu hồng. Theo điều tra năm 2006, có đến 7 triệu trong 12 triệu dân ở Thâm Quyến là những người lao động nhập cư mà đa số là không được bảo vệ về mặt luật pháp và xã hội. Tỉ lệ chết nơi người lao động công nghiệp ở đây cũng cao và có hơn 500.000 lao động trẻ em. Theo điều tra năm 2003, có ít nhất phân nửa số công ty ở Thâm Quyến đang nợ lương người lao động và có ít nhất 1/3 công nhân TQ được trả lương thấp hơn mức tối thiểu. Tỉ lệ lao động bỏ việc là trên 10%. Vào năm 2006, giới công nhân Thâm Quyến tiến hành hơn 10.000 cuộc đình công dù không có công đoàn độc lập nào.

Tình trạng người lao động bị lạm dụng gắn liền với tình trạng tội phạm. Hiện nay, tỉ lệ tội phạm ở Thâm Quyến cao gấp chín lần Thượng Hải và đây cũng là nơi nổi tiếng về việc buôn bán phụ nữ và mại dâm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới