Ông cho rằng có những quốc gia luôn thèm khát lợi ích tài nguyên và lãnh thổ của nước ta, vì vậy luật pháp phải thiết kế sao cho “chỉ mở cửa cho bạn bè, chứ không rước giặc cướp vào nhà” và “nếu kẻ cướp giả làm bạn tốt thì phải có chế tài để đuổi chúng ra”.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
Theo ĐB Nghĩa, việc thành lập ba đặc khu khiến nước ta phải dành một vùng lãnh thổ lớn cả đất liền, vùng biển giàu tài nguyên nhất để mời gọi đầu tư. Phải dành hàng trăm ngàn tỉ đồng để làm đường sá, sân bay, bến cảng. Cùng với đó là sự ưu đãi hào phóng về tiền thuê đất, mặt nước, thuế. Rồi toàn bộ bộ máy hành chính vào cuộc, sự di dời của hàng trăm ngàn hộ dân để phục vụ cho các nhà đầu tư tại ba đặc khu...
“Câu hỏi đặt ra trong 10-50 năm tới các khoản đầu tư, sự hy sinh đó sẽ đem lại lợi ích gì, bao nhiêu và cho ai. Ngoài bài toán về kinh tế, chúng ta sẽ được và mất gì về văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng” - ĐB Nghĩa nói.
ĐB Nghĩa cũng đặc biệt nhấn mạnh lãnh thổ của ba đặc khu đều liên quan đến biển đảo với hàng chục ngàn km2 lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; liên quan chặt chẽ đến chủ quyền trên biển.
Cụ thể, Vân Đồn đến đảo Hải Nam chỉ có 200 hải lý. Vịnh Vân Phong gần với Trường Sa… vì vậy theo ông, luật phải quy định rõ việc đầu tư, khai thác các đặc khu phải tuân thủ theo Luật Biên giới, Luật Biển và Luật Tài nguyên nước.
“Tôi đề nghị phải bỏ thời hạn giao đất 99 năm. Không có một dự án đầu tư nào hiện nay cần đến thời hạn thuê đất 99 năm. Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể chuyển nhượng sau khi khai thác xong hoặc là thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất. Thời hạn này ngang với 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những nước nghèo đói, lạc hậu và hoang sơ mới cần đến” - ông nói.
Ông nhấn mạnh: “Tôi cho rằng nhận định về việc khi chúng ta tạo nhiều ưu đãi và lợi ích đan xen với các nước tại đặc khu thì sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền mới đúng một nửa.
Có những quốc gia chỉ cần lợi ích kinh tế thì họ đến và họ đi nhưng có những quốc gia luôn thèm khát lợi ích tài nguyên và lãnh thổ của nước khác thì cái họ cần không phải là lợi ích kinh tế mà là lãnh thổ. Họ sẽ di dân đến, tìm mọi cách ở lại thậm chí chi phối về chính trị, an ninh quốc phòng.
Đã có những ví dụ nhãn tiền về việc này ở chính nước ta và khu vực xung quanh nước ta. Vì vậy luật pháp của ta phải thiết kế sao cho chỉ mở cửa với bạn bè, chứ không rước kẻ cướp vào nhà. Nếu kẻ cướp giả làm bạn tốt thì phải có chế tài để đuổi chúng ra”.
ĐBQH Dương Trung Quốc
Trước đó, cùng vấn đề này, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng đề nghị phải thận trọng đối với quy định thuê đất thời hạn 99 năm. “Nhất là vấn đề địa chính trị, đặc biệt là đối với Vân Đồn, không cẩn thận sẽ là nơi để di dân” - ông nói.
ĐB Dương Trung Quốc cho hay vừa qua báo chí giới thiệu các đặc khu này với tất cả con số dự kiến sẽ thu hồi được bao nhiêu tiền từ thuế, đất… “Đây mới là con số dự kiến thôi mặc dù là nguồn lực rất lớn đối với chúng ta nhưng rất nhỏ so với thiên hạ. Người ta sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp bộ số đó để mua cả cái đảo, hải cảng, cả một vùng đất. Vì vậy cần hết sức thận trọng” - ông nói và đề nghị khi biểu quyết về dự luật này cần có biểu quyết riêng về điều luật thuê đất 99 năm.