Theo kênh Fox Business, Trung Quốc đang xem xét trả đũa các nhà máy sản xuất thiết bị viễn thông lớn của châu Âu là Nokia Corp và Ericsson AB đặt tại nước này, nếu các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nối gót Mỹ và Anh loại tập đoàn Huawei khỏi mạng 5G.
Công ty Huawei của Trung Quốc. Ảnh: J.Lekavicius/SHUTTERSTOCK
Bộ Thương mại Trung Quốc đang cân nhắc sẽ ngăn chặn các sản phẩm của Nokia và Ericsson sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc xuất khẩu sang các nước khác. Đây là biện pháp cứng rắn nhất và Bắc Kinh cho biết sẽ chỉ sử dụng nó nếu các nước châu Âu loại Huawei khỏi mạng 5G của họ.
Tuần trước, Anh đã đã ra lệnh cho các nhà mạng không dây ngừng mua thiết bị Huawei 5G trước cuối năm 2020 và loại bỏ hoàn toàn thiết bị của công ty này khỏi mạng 5G của Anh trước năm 2027.
EU không cấm Huawei, nhưng hồi tháng 1 liên minh này đã đưa ra các khuyến nghị về an ninh mạng 5G, qua đó cho phép các quốc gia thành viên được tự do quyết định có nên hạn chế sự hiện diện của Huawei hay không.
EU sẽ sớm công bố một báo cáo chi tiết về quyết định của 27 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Đức - quốc gia lớn nhất của EU - dự kiến sẽ không đưa ra quyết định cho tới đầu tháng 9.
Hôm 16-7, đáp trả động thái của Anh, Trung Quốc cho biết nước này sẽ sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, họ không đưa ra thêm bất kỳ bình luận nào về việc này.
"Hành động này của Bắc Kinh có thể gây tác dụng ngược, khiến một số công ty công nghệ nước ngoài lo sợ chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc" - ông Jim McGregor, chủ tịch tư vấn và vận hành công ty APCO Worldwide cho biết.
"Các công ty đã rất lo lắng việc bị cuốn vào các cuộc chiến địa chính trị và hiện đang cân nhắc sẽ thay đổi lại chuỗi cung ứng để đảm bảo việc vận hành kinh doanh của họ" - ông Jim nói thêm.
Nokia và Ericsson - hai công ty có trụ sở chính tại Phần Lan và Thụy Điển đều có nhà máy sản xuất và hàng ngàn nhân viên ở Trung Quốc. Vài tuần trước, Nokia đã tiến hành đánh giá chuỗi cung ứng của mình và đưa ra kế hoạch dự phòng để di chuyển các nhà máy.
Cả Nokia và Ericsson đều có thể đối phó với chính sách của Trung Quốc bằng cách chuyển sản xuất sang các nơi khác ở châu Á hoặc châu Âu hoặc Bắc Mỹ.
Các nhà sản xuất thiết bị viễn thông phương Tây bao gồm Ericsson và Nokia, cũng như các công ty nhỏ hơn, đã bắt đầu chuyển sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc vào năm ngoái vì nhiều lý do.
Lý do là vì họ muốn tránh thuế quan do chính quyền ông Trump áp lên hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc. Ngoài ra, các công ty này cũng muốn nói rõ với khách hàng, bao gồm các nhà mạng không dây và nhà cung cấp dịch vụ cáp và điện thoại cố định, rằng sản phẩm của họ không gây rủi ro bảo mật vì chúng không đến từ Trung Quốc.