Ngày 10-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này “kiên quyết ủng hộ” đề xuất sửa đổi trong Sắc lệnh Tội phạm Bỏ trốn của Hong Kong, cũng như phản bác lại các chỉ trích từ các chính phủ nước ngoài.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối các lời nói và hành động sai lầm của bất cứ lực lượng nước ngoài nào nhằm can thiệp các vấn đề lập pháp của Đặc khu Hành chính Hong Kong” – báo SCMP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo ngày 10-6.
Ông Cảnh Sảng nói Trung Quốc “không lo về ảnh hưởng của dự luật lên môi trường kinh doanh”.
Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không thuyết phục được các nước. Trong ngày 10-6, Bộ Ngoại giao Mỹ và ông Mark Field - Bộ trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của Anh lên tiếng phản đối dự luật dẫn độ của Hong Kong.
“Cuộc biểu tình hòa bình của hàng trăm ngàn người Hong Kong hôm qua rõ ràng cho thấy sự phản đối của công chúng với các đề xuất sửa đổi” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong cuộc họp báo ngày 10-6.
Người biểu tình kéo về các trụ sở chính quyền Hong Kong trong ngày biểu tình 9-6 nhằm phản đối dự luật dẫn độ. Ảnh: SCMP
Bà Ortagus nói “các điều khoản sửa đổi này có thể làm hại môi trường kinh doanh của Hong Kong và lôi các công dân chúng tôi sinh sống hay đến thăm Hong Kong và hệ thống tư pháp thất thường của Trung Quốc”.
Theo bà Ortagus, việc chính sách “một đất nước, hai hệ thống” bị tổn hại gây rủi ro cho vị thế đặc biệt lâu nay của Hong Kong trong các vấn đề quốc tế. Theo SCMP, các điều khoản sửa đổi của Sắc lệnh Tội phạm Bỏ trốn của Hong Kong sẽ là tâm điểm khi Bộ Ngoại giao Mỹ có đánh giá tiếp theo về mức độ tự trị của Hong Kong, có thể sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại và kinh tế đặc biệt mà Mỹ đang áp dụng với Hong Kong.
Dù nói rằng Mỹ “cực kỳ lo ngại” về dự luật dẫn độ nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ không kêu gọi chính quyền Hong Kong rút lại dự luật, chỉ nói “bất kỳ sửa đổi nào của Sắc lệnh Tội phạm Bỏ trốn nên được theo đuổi với sự cẩn trọng lớn”. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các lãnh đạo Hong Kong tham vấn toàn diện với các bên liên quan ở địa phương và quốc tế - những người có thể bị ảnh hưởng vì dự luật.
Trong khi đó ông Mark Field - Bộ trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của Anh lên tiếng rằng cuộc biểu tình của khoảng 1 triệu dân Hong Kong vừa rồi là một minh chứng rõ ràng của sức mạnh cảm xúc ở Hong Kong.
Cảnh sát bắn hơi cay đối phó biểu tình ở Hong Kong ngày 9-6. Ảnh: GETTY IMAGES
Ông Field lên tiếng về “tác động khủng khiếp” của dự luật đến quyền và tự do của Hong Kong: “Trên hết là nỗi sợ công dân và người sinh sống ở Hong Kong có rủi ro bị lôi kéo vào hệ thống pháp lý của Trung Quốc …”.
Ông Field cho biết “chúng tôi sẽ tiếp tục nhắc nhở các nhà chức trách Hong Kong và Trung Quốc rằng để duy trì niềm tin vào chính sách “một đất nước, hai hệ thống” thì Hong Kong cần phải được hưởng sự tự trị cấp độ cao một cách toàn diện và hệ thống luật pháp đã được quy định trong tuyên bố chung và trong Luật Cơ bản”.
Dù được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997 nhưng Hong Kong vẫn được giữ quyền tự trị và một số quyền tự do, trong đó có quyền có hệ thống tòa án riêng biệt.
Nhằm thể hiện sự thống nhất và ủng hộ người dân Hong Kong, hàng loạt cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ của Hong Kong cũng diễn ra ở một loạt TP lớn của nhiều nước, như New York (Mỹ), Vancouver (Canada), Melbourne (Úc), Tokyo (Nhật).
Ngày 30-5, các Ngoại trưởng Anh và Canada đã ra một tuyên bố chung bày tỏ lo ngại về khả năng luật dẫn độ ảnh hưởng đến công dân các nước này cũng như đến “niềm tin kinh doanh và danh tiếng quốc tế của Hong Kong”.