Mới đây, mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh được cho là Chùa Cầu có nhiều chi tiết không giống với thời điểm trước trùng tu; có tài khoản Facebook còn đặt nghi vấn “mất cắp khi bảo tồn” đối với các đĩa sứ trang trí trên mái Chùa Cầu...
PV đã gửi hình ảnh này cho lãnh đạo UBND TP Hội An và Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hoá TP - đơn vị chủ đầu tư dự án trùng tu Chùa Cầu để xác minh sự thật.
Trả lời PV, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản TP Hội An, khẳng định hình ảnh này là xuyên tạc, vu khống. Đồng thời, hai hình ảnh này không cùng một góc chụp.
Về phần đĩa dưới đuôi mái ngói, ông Ngọc cho hay đã được đánh số và tận dụng trở lại như vị trí cũ đến khoảng 80%. Hai đầu cầu chỉ thay thế một số vị trí đĩa đã mất hoàn toàn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, nghi ngờ hình ảnh đã được chỉnh sửa, không đúng thực tế.
“Khi trùng tu đều sử dụng lại các con giống cũ, những cái hư hỏng phải thay thế đều làm lại theo nguyên bản đúng 100%, không có sai lệch” - ông Sơn khẳng định.
Ông Sơn cho rằng hình ảnh này được chụp ở hai vị trí khác nhau (một tấm phía trước và một tấm bên hông Chùa Cầu), hoặc hình ảnh được chụp ở di tích khác. Như vậy, không thể so sánh với nhau.
Theo Chủ tịch UBND TP Hội An, các chi tiết con giống trên mái trước đây được quét vôi xanh. Tuy nhiên 10 năm nay không quét vôi nên đều chuyển màu đen xám.
“Khi tháo xuống nhiều cái hư hỏng phải làm lại và phải quét vôi bảo quản chứ không thể để màu đen, rêu phong như vậy. Theo thời gian thì màu xanh này sẽ phai nhạt đi và rêu phong.
Cần nói lại rêu mốc là kẻ thù của kiến trúc di sản, không có ai trùng tu mà quét lại màu rêu mốc cả, đó là làm giả, không đúng với trùng tu di tích” - ông Sơn khẳng định.
Về nghi vấn cho rằng bị mất đĩa sứ dưới đuôi phần mái Chùa Cầu, ông Sơn cho hay hầu hết các đĩa cũ đều sử dụng lại khi thực hiện trùng tu. Đây cũng không phải đĩa cổ mà từ đợt trùng tu năm 1986 mới xuất hiện.
Như PLO thông tin, sau trùng tu, đơn vị thi công tháo dỡ toàn bộ phần khung che chắn lộ ra hình ảnh Chùa Cầu mới lạ. Diện mạo mới của Chùa Cầu sau trùng tu nhận nhiều ý kiến khen – chê từ dư luận.
Nhiều người cho rằng việc trùng tu đã làm mất đi vẻ cổ kính, “trẻ hoá” Chùa Cầu – di tích có tuổi đời gần 500 năm tuổi, đã trở thành biểu tượng của Hội An.
Ngược lại, có ý kiến chuyên gia cho rằng việc trùng tu Chùa Cầu đã đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và tính chân xác của di tích.