Trước giờ tòa tuyên án vụ VN Pharma nhập thuốc giả

Trưa 30-9, HĐXX TAND TP.HCM đã tuyên bố nghị án vụ VN Pharma sau khi cho các bị cáo nói lời sau cùng. Dự kiến chiều nay (1-10), tòa sẽ tuyên án.

Trước đó công tố viên và luật sư tiếp tục phần tranh luận xoay quanh lô thuốc H-Capita là thuốc giả hay chỉ là thuốc kém chất lượng.

“Bộ Y tế đưa vụ án ra ánh sáng”

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Văn Thông (dược sĩ, người được thuê viết hồ sơ kỹ thuật thuốc) cho rằng những tài liệu, chứng cứ Bộ Y tế cung cấp cho cơ quan điều tra (CQĐT) là đúng quy định. Bởi nguồn chứng cứ của vụ án được xác định từ vật chứng, lời khai nhân chứng, kết quả giám định. Việc đoàn công tác của Bộ Y tế sang Ấn Độ xác minh tại nhà máy sản xuất lô thuốc H-Capita thể hiện được trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc đưa vụ án ra ánh sáng.

Cạnh đó luật sư còn trình bày: “Sáng nay tôi nhận được thông báo từ BV 115 thì bị cáo Thông đang bị suy tim độ hai, suy thận độ hai nên chưa thể tham gia phiên tòa. Sắp tới, các bị cáo sẽ được nói lời sau cùng, còn thân chủ của tôi thì không được thực hiện quyền của mình vì lý do sức khỏe. Vì tính nhân đạo, tôi đề nghị HĐXX thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Thông”.

Các luật sư bào chữa khác vẫn “điệp khúc” lô thuốc H-Capita là thuốc đảm bảo chất lượng được sản xuất tại một nhà máy ở Ấn Độ. Đồng thời, luật sư cho rằng Cục Quản lý dược (QLD, Bộ Y tế) là người có quyền, nghĩa vụ liên quan nên có quyền cung cấp chứng cứ để bảo vệ mình.

Bà Nguyễn Thị Hoài, đại diện Cục Quản lý dược, nói lô thuốc H-Capita chỉ là kém chất lượng, không phải thuốc giả, còn đại diện VKS khẳng định đây là thuốc giả cả về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cục QLD vẫn khăng khăng chất lượng thuốc

Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Hoài, đại diện Cục QLD Bộ Y tế, đối đáp trở lại quan điểm của VKS về việc cho rằng thuốc H-Capita là thuốc giả. Bà Hoài nói bà là thành viên của Bộ Y tế sang Ấn Độ làm việc đã kết hợp kiểm tra làm rõ nguồn gốc lô thuốc. Bà khẳng định với trách nhiệm quản lý nhà nước về dược và đặc biệt theo yêu cầu của đoàn Thanh tra Chính phủ đang thanh tra tại Bộ Y tế, bà cần làm rõ bản chất của lô thuốc H-Capita.

Trước khi tiến hành kiểm tra, Cục QLD đã có văn bản gửi phía Ấn Độ đề nghị hỗ trợ xác minh và gửi văn bản đến nhà máy Affy Parenterals (có địa chỉ ở bang Himachal Pradesh, Ấn Độ) đề nghị cung cấp hồ sơ. Và trong thời gian công tác tại Ấn Độ, đoàn công tác đã liên hệ với các cơ quan chức năng tại Ấn Độ để kiểm tra thực tế cơ sở, thu thập tài liệu liên quan đến thuốc H-Capita. Toàn bộ tài liệu đã được bốn cơ quan nước này gồm Cục QLD Ấn Độ, Phòng Thương mại Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Bộ Nội vụ Ấn Độ và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ xác minh, hợp pháp hóa lãnh sự.

Theo đó, 9.300 hộp thuốc H-Capita do nhà máy Affy sản xuất đạt tất cả tiêu chuẩn chất lượng lúc xuất xưởng và được sản xuất tại nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP/WHO. Kết quả xác minh đã được Bộ Y tế gửi đến CQĐT xem xét. Hơn nữa, theo kết luận của CQĐT ngày 6-5-2019, trên các thùng hàng thuốc H-Capita, do VN Pharma nhập về có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay Ấn Độ và có dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore. Và căn cứ các chứng cứ khác, CQĐT đã kết luận có căn cứ xác định nguồn gốc lô hàng 9.300 thuốc H-Capita là do nhà máy Affy sản xuất.

Đồng thời, quá trình xác minh nguồn gốc lô thuốc này cũng được Thanh tra Chính phủ kết luận và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Vì vậy, việc VKS không đồng ý sử dụng các tài liệu của bốn cơ quan nhà nước Ấn Độ, không sử dụng kết luận điều tra của CQĐT, Thanh tra Chính phủ là chưa đảm bảo thực tế khách quan. 

“Chất lượng thuốc H-Capita, Bộ Y tế cùng các đơn vị kiểm nghiệm thuốc quốc gia tại Hà Nội và TP.HCM đã kiểm tra chất lượng và kết luận H-Capita là kém chất lượng theo khoản 23 Điều 2 Luật Dược năm 2005. Đây là văn bản pháp lý cao nhất tại thời điểm xảy ra vụ án. Nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ giả, nhãn mác giả để kết luận H-Capita là thuốc giả là không đúng với quy định” - bà Hoài trình bày. 

Từ đó đại diện Cục QLD đề nghị HĐXX xem xét một cách khách quan bản chất sự việc. 

Kiến nghị điều tra vụ làm lộ bí mật

Đáp lại, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm không chấp nhận những tài liệu Bộ Y tế cung cấp, xác định lô thuốc H-Capita là thuốc giả về nguồn gốc, xuất xứ cũng như giả về chất lượng.

Cạnh đó, đại diện VKS cho biết ngày 27-4-2018 CQĐT nhận được tập tài liệu do ông Ngô Nhật Phương (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) cung cấp. Tài liệu này liên quan đến các công văn của Bộ Y tế, đã được hợp pháp hóa lãnh sự đóng dấu sao y bản chính. Sau đó ông Phương nộp tài liệu này cho tòa án. Trả lời trong phần thẩm vấn công khai tại tòa, ông Phương xác định những tài liệu này có được “do quan hệ cá nhân”. Theo đó, những tài liệu này thể hiện lô thuốc VN Pharma nhập về là thuốc thật, sản xuất tại Ấn Độ đạt tiêu chuẩn của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới).

Quá trình giải quyết vụ án, VKS không đưa những tài liệu này vào hồ sơ vụ án. Trong phần làm thủ tục phiên tòa, chủ tọa cũng lưu ý hồ sơ vụ án có một số tài liệu đóng dấu mật, tuyệt mật. Những người sử dụng tài liệu này phải chú ý, còn ai cố tình làm lộ bí mật sẽ bị xử lý theo quy định.

Đến ngày 20-9, Bộ Y tế có quyết định giải mật và ngày 26-9 tại tòa, Cục QLD cung cấp cho tòa và các luật sư được tiếp xúc văn bản này. 

Vậy từ ngày 27-4-2018 đến ngày 20-9-2019, ai sử dụng những tài liệu này thì phải tuân thủ những quy định về bảo mật.

Từ đó đại diện VKS nhận định đã “có dấu hiệu làm lộ bí mật, để cho cá nhân không có thẩm quyền sử dụng những thông tin mật của Bộ Y tế. VKS đề nghị HĐXX kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm làm lộ bí mật nhà nước liên quan đến vụ án”.

Đối với quan điểm bào chữa của các luật sư, đại diện VKS cũng bác bỏ, bảo lưu việc truy tố Hùng và các đồng phạm về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX thông báo tòa nghị án và sẽ tuyên án lúc 15 giờ hôm nay (1-10).

Bị cáo Hùng: “Trách nhiệm đó thuộc về bị cáo”

Trưa 30-9, 12 bị cáo trong vụ án xong phần lời nói sau cùng trước khi tòa nghị án. Bị cáo Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C, bị VKS đề nghị mức án cao nhất 20 năm tù) nói: “Cám ơn phiên tòa anh minh, khách quan nhưng bị cáo còn điều muốn nói. Cáo trạng quy kết bị cáo cung cấp giấy tờ giả cho Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch, tổng giám đốc VN Pharma) là hoàn toàn không có căn cứ, vì cái này do ông Raymundo cung cấp”. Ông Cường cho rằng mình không đồng tình khi VKS nói không biết lai lịch ông Raymundo. (Vấn đề này chủ tọa nhắc lại lời từng nói trước đó là CQĐT đã tách ra để làm rõ và điều tra sau). Cuối cùng, bị cáo Cường mong muốn HĐXX xem xét toàn diện vụ án và tuyên án đúng lý, đúng tình…

Còn cựu chủ tịch VN Pharma, bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nói bị cáo nhận thức rõ việc làm sai trái và ăn năn hối hận. “Giá như bị cáo tìm hiểu rõ pháp luật hơn thì tránh được sự sai sót. Trách nhiệm đó thuộc về bị cáo. Mong HĐXX xem xét bị cáo mức án thấp nhất để có thể sum họp gia đình, hòa đồng xã hội” - bị cáo Hùng nói.

Các bị cáo còn lại cũng trình bày về hoàn cảnh, nhân thân để mong được tòa khoan hồng. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

(PLO)- Cả 3 bị cáo trong vụ án lừa đảo liên quan ông Tô Hoài Dân ở Cà Mau đều phản cung, cho rằng mình không có chiếm đoạt của Nhà nước 7,3 tỉ đồng như cáo buộc.