Trưởng Ban Nội chính Thái Bình gây tai nạn có thoát hình sự?

Như PLO đã thông tin chiều 2-6, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã họp xem xét thi hành kỷ luật và thống nhất đề nghị cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Văn Điều (trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy).

Trước đó, vào ngày 8-5, ông Điều có hành vi điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường Trần Thủ Độ (phường Tiền Phong, TP Thái Bình) gây tai nạn làm 1 người chết, 2 người bị thương. Ngày 26-5, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra.

Cũng tại cuộc họp, một lãnh đạo tỉnh cho biết đến nay gia đình của các bị hại đều có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Điều.

Nhiều bạn đọc nêu thắc mắc, gia đình nạn nhân có đơn bãi nại như vậy thì ông Điều có thoát án hình sự vì ông này có biểu hiện say xỉn và cố thủ trong xe khi xảy ra tai nạn.

Ông Điều "cố thủ" trong xe sau khi gây tai nạn. Ảnh: Tuoitre.vn

Luật sư (LS) Nguyễn Văn Dũ, đoàn LS TP.HCM nhận định, hành vi của ông Điều có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, quy định tại Điều 260 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

Khoản 3 Điều 29 BLHS quy định: Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn TNHS.

Trường hợp này thấy rằng, hành vi của ông Điều đã thỏa mãn khoản 1 Điều 260 BLHS, đó là làm chết người (từ 1 người đến 2 người).

Tuy nhiên, chưa rõ thương tích của 2 người còn lại là bao nhiêu phần trăm, họ có đi giám định hay từ chối giám định. Trường hợp tổng tỉ lệ thương tích của 2 người không đủ 122% thì hậu quả của vụ án cũng chỉ nằm ở khoản 1 Điều 260 BLHS, thuộc loại tội phạm nghiêm trọng do vô ý.

Do đó, cùng với các tình tiết: Ông Điều đã tự nguyện bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, được đại diện các bị hại chấp nhận hòa giải, đề nghị miễn TNHS đối với ông Điều thì ông Điều có đủ điều kiện để có thể xét miễn TNHS (theo khoản 3 Điều 29 BLHS).

Cần chú ý là BLHS quy định “có thể” chứ không mặc định là được miễn TNHS. Việc quyết định có cho miễn TNHS hay không tùy thuộc vào quan điểm đánh giá toàn diện về vụ án, nhân thân của người phạm tội của cơ quan tiến hành tố tụng.

“Theo nhận định của tôi, nếu chỉ xác định vụ án thuộc khoản 1 Điều 260 BLHS và cùng với các điều kiện trên thì ông Điều có nhiều khả năng được cho miễn TNHS.”- LS Dũ nói. 

Tuy nhiên, LS Dũ cho rằng theo phản ánh của báo chí về vụ án, sau khi gây tai nạn, ông Điều có hành vi điều khiển xe chạy khỏi hiện trường. Đi được khoảng 3 km, khi bị đụng vào cổng sắt của khu công nghiệp thì mới dừng lại và ông Điều còn cố thủ trong xe cho đến khi công an đến đưa đi.

Trong trường hợp có đủ căn cứ xác định hành vi điều khiển xe bỏ chạy khỏi hiện trường của ông Điều là “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm” hoặc có căn cứ xác định tại thời điểm gây tai nạn, ông Điều có sử dụng rượu, bia thì hành vi của ông Điều lại thuộc khoản 2 Điều 260 BLHS, là loại tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý. Lúc này, ông Điều không đủ điều kiện để xét miễn TNHS.

Như vậy phải chờ kết luận điều tra xem tại thời điểm gây tai nạn ông Điều có sử dụng rượu bia hay không, vì hiện tại CQĐT chưa thông tin nội dung này. 

Thủ tục miễn TNHS ra sao?

Về thủ tục miễn TNHS, trước đây một số địa phương sau khi xác minh bước đầu thấy có đủ căn cứ miễn TNHS thì ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, theo BLTTHS 2003 và BLTTHS 2015 thì trong các căn cứ ra quyết định không khởi tố VAHS không có căn cứ “miễn TNHS”.

“Do đó, hiện nay, hầu hết các địa phương đã thay đổi cách thức, đó là vẫn khởi tố VAHS, khởi tố bị can đối với người phạm tội sau đó xét thấy đủ căn cứ thì ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 230 BLTTHS.”, LS Dũ nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm