Trưởng ban quản lý rừng chỉ đạo cấp dưới tổ chức khai thác gỗ lậu

(PLO)- Cựu trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ La Ngà đã chỉ đạo cấp dưới thuê thợ cưa vào rừng khai thác trái phép hơn 53 m3 gỗ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-5, TAND huyện Tánh Linh, Bình Thuận đã tuyên án vụ Nguyễn Trọng Kiều (cựu trưởng Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ La Ngà) cùng các đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Thuê thợ cưa vào rừng khai thác gỗ trái phép

HĐXX tuyên phạt bị cáo Kiều năm năm sáu tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng tội danh, Hồ Quang Đạo (trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Đa Mi) bị phạt ba năm sáu tháng tù; Đoàn Tiến (trạm phó Trạm bảo vệ rừng Đa Mi) năm năm tù; các bị cáo là nhân viên bảo vệ rừng gồm Trương Minh Tâm, Lê Hoàng Trí 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Bùi Phúc Lễ, Trần Văn Thành 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: PĐ

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: PĐ

Theo cáo trạng, từ tháng 12-2015 đến tháng 8-2016, các bị cáo đã tổ chức thuê thợ cưa khai thác trái phép lâm sản trong lâm phần được giao quản lý, gây thiệt hại cho tài nguyên rừng của Nhà nước với tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại là 53,44 m3, giá trị lâm sản thiệt hại theo định giá hơn 460 triệu đồng.

HĐXX cho rằng bị cáo Kiều là người cầm đầu, đề ra chủ trương và tổ chức, chỉ đạo cho Đạo cùng các nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đa Mi khai thác, vận chuyển, cất giấu gỗ trái phép trong lâm phần được giao quản lý, bảo vệ. Đạo đã tích cực thực hiện việc tổ chức khai thác gỗ trái phép, lập hồ sơ đối phó với các cơ quan chức năng.

Các bị cáo còn lại biết rõ việc khai thác gỗ trái phép (trong lâm phần được giao quản lý, bảo vệ) cho Kiều sử dụng là trái công vụ nhưng vì động cơ cá nhân nên đã tích cực làm theo sự chỉ đạo của Kiều, Đạo nên phải chịu trách nhiệm chung với vai trò là người thực hành tích cực.

Khi thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo có sự câu kết chặt chẽ, phân công trách nhiệm của từng người, từ việc chỉ đạo khai thác trái phép gỗ, thuê thợ cưa, tiếp tế, giám sát các thợ cưa, đến việc vận chuyển gỗ về cho Kiều sử dụng, gây thiệt hại về tài sản trên 200 triệu đồng.

Các bị cáo có sự câu kết chặt chẽ, phân công trách nhiệm từng người, từ việc chỉ đạo khai thác gỗ trái phép đến việc vận chuyển gỗ về cho Kiều sử dụng...

Chỉ đạo khai thác gỗ lậu cho con trai làm nhà

Trong quá trình điều tra, Kiều không thừa nhận chỉ đạo thuộc cấp tổ chức khai thác gỗ trái phép. Kiều khai rằng có nhờ Đạo mua giúp gỗ cho người anh họ và con trai làm nhà nhưng không biết nguồn gốc gỗ mà Đạo mang về BQL rừng phòng hộ La Ngà giao cho mình và cũng không trả tiền mua gỗ cho Đạo.

Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của các bị cáo là phù hợp nhau và các tài liệu khác như biên bản làm việc bàn giao quản lý gỗ vật chứng..., đủ cơ sở kết luận Kiều đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo Đạo và các nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đa Mi tổ chức thuê thợ cưa vào rừng thuộc lâm phần quản lý, bảo vệ khai thác gỗ trái phép để sử dụng cá nhân nên phải chịu trách nhiệm chính.

Bị cáo Tiến không thừa nhận hành vi thuê thợ cưa tổ chức khai thác gỗ trái phép, không biết việc các nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đa Mi tổ chức khai thác gỗ trái phép cho Kiều, mà chỉ thừa nhận tham gia bốc gỗ thu gom tang vật theo chỉ đạo của Đạo.

Tuy nhiên, đủ cơ sở kết luận: Theo sự chỉ đạo của Kiều và Đạo, Tiến đã tích cực thuê các thợ cưa vào rừng khai thác gỗ trái phép, huy động các nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đa Mi mang đồ ăn, nước uống, xăng nhớt tiếp tế, giám sát các thợ cưa và trực tiếp cưa hạ một số cây gỗ. Sau khi khai thác xong, Tiến huy động bốc, vận chuyển gỗ ra điểm tập kết, sau đó bốc lên xe vận chuyển về cho Kiều. Tiến phải chịu trách nhiệm chung trong vụ án với vai trò là người thực hành tích cực.

Được biết một phần số gỗ trên đã làm thành 16 bộ cửa, một bộ cầu thang gắn liền với nhà ở của anh họ bị cáo Kiều ở thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh; 21 bộ cửa, 15 thanh lam trang trí, một tủ bếp, một tủ trang trí, một bộ bàn ghế salon, một bộ cầu thang bằng gỗ gắn liền với nhà ở của con trai bị cáo Kiều ở quận 2, TP.HCM và một bộ bàn ghế salon đang để tại nhà ở của bị cáo Đạo tại thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh.

Kháng nghị hủy án vì sai tội danh

Đây là vụ án từng gây tranh cãi về tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ hay vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.

Cụ thể, tháng 3-2020 TAND huyện Tánh Linh xử sơ thẩm và tháng 9-2020 TAND tỉnh Bình Thuận xử phúc thẩm đều xét xử bị cáo Kiều và các đồng phạm về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, theo quy định tại Điều 175 BLHS.

Tuy nhiên, sau đó VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm, hủy hai bản án trên và được tòa cùng cấp chấp nhận. VKSND Cấp cao tại TP.HCM đánh giá các bị cáo trong vụ án là những người có chức vụ, quyền hạn, là chủ thể đặc biệt được UBND tỉnh Bình Thuận giao cho chức năng tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích lâm phần được giao, không có chức năng cho phép và tổ chức khai thác cây gỗ rừng tự nhiên.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm điều tra, truy tố các bị cáo về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là có căn cứ. Hành vi của các bị cáo là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái công vụ và gây thiệt hại cho tài nguyên rừng của Nhà nước.

Việc hai cấp tòa xét xử các bị cáo về tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng là chưa đúng các tình tiết và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm