Chiều 10-6, thông tin từ Trường đại học (ĐH) Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai), sáng nay, Trường ĐH Lạc Hồng đã tổ chức khai mạc đánh giá ngoài cấp cơ sở giáo dục lần thứ 9 của AUN-QA 3.0.
Theo thông tin của trường, đây là trường ĐH đầu tiên của Việt Nam tham gia đánh giá chất lượng cấp cơ sở giáo dục theo chuẩn AUN-QA 3.0.
Bởi đến thời điểm hiện tại, khu vực Đông Nam Á có 8 cơ sở giáo dục đạt chuẩn AUN-QA, trong đó có 3 trường ĐH của Việt Nam là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2017, Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) lần lượt ở năm 2017 và 2018.
Tuy nhiên, đến tháng 7-2023, AUN-QA đã ban hành phiên bản 3.0 với nhiều thay đổi quan trọng. Đó là giảm đánh giá từ 25 tiêu chuẩn còn 15 tiêu chuẩn và từ 111 tiêu chí còn 60 tiêu chí, với một số bổ sung tập trung vào các hoạt động của nhà trường hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Và Trường ĐH Lạc Hồng là trường đầu tiên của Việt Nam tiến hành đánh giá cấp cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn ở phiên bản mới này.
Đây cũng là kỳ đánh giá lần thứ 9 của AUN-QA 3.0. Kỳ đánh giá lần thứ 8 của họ diễn ra tại Trường ĐH Santo Tomas (Philippines).
Phát biểu tại buổi khai mạc, Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Đài, Chủ tịch hội đồng trường, Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết trường hiện đã có 10 chương trình đào tạo được đánh giá đạt bởi AUN-QA và 2 chương trình đào tạo được kiểm định bởi ABET.
Trường cũng đã áp dụng tiêu chuẩn AUN-QA 3.0 trong giai đoạn 2018-2020 và phiên bản 4.0 trong giai đoạn tiếp theo. Việc áp dụng các tiêu chuẩn AUN-QA 3.0 này giúp trường cải tiến liên tục, tạo ra môi trường học tập và giảng dạy chất lượng cao cho sinh viên.
AUN-QA là bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng được tổ chức AUN (ASEAN University Network) ban hành năm 2004. Đây là tổ chức mạng lưới các trường ĐH hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, được thành lập tháng 11-1995 bởi Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á.
Bộ tiêu chuẩn AUN-QA 3.0 bao gồm 15 tiêu chuẩn và 60 tiêu chí, tập trung vào ba lĩnh vực chính, là đảm bảo chất lượng về chiến lược, đảm bảo chất lượng hệ thống, và đảm bảo chất lượng theo chức năng.
Việc đánh giá theo bộ tiêu chuẩn này nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, khẳng định với quốc tế về sự phát triển của giáo dục ĐH Đông Nam Á, tạo ra sự liên thông và công nhận chất lượng đào tạo lẫn nhau giữa các trường ĐH trong và ngoài mạng lưới AUN.