Cụ thể, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM vừa được cấp phép đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, nâng tổng số ngành đào tạo lên 41 ngành. Năm đầu tiên, trường tuyển 50 chỉ tiêu cho ngành học này.
Theo nhà trường, chương trình đào tạo ngành này được xây dựng dựa trên cơ sở chương trình khung do Bộ GD&ĐT quy định. Các em sẽ học trong bốn năm, 142 tín chỉ. Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu về nguyên lý và kỹ năng làm việc trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng, bao gồm nguyên lý logistics và chiến lược quản lý chuỗi cung ứng, hệ thống thông tin trong chuỗi cung ứng, quản lý bán lẻ, hệ thống vận tải và hậu cần quốc tế, quản lý rủi ro và an toàn trong chuỗi cung ứng,...
Tốt nghiệp ngành học này, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí quản trị dịch vụ vận tải, kinh doanh xuất nhập khẩu, quản lý kho bãi - vận chuyển, chăm sóc khách hàng,... trong các công ty dịch vụ logistics, sản xuất - thương mại.
TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đây là ngành học theo xu hướng phát triển của thị trường, liên quan đến quá trình mua bán hàng hóa, từ khâu sản xuất cho đến tay người tiêu dùng. Và nhất là trong thời đại công nghệ và phát triển như hiện nay, quản lý chuỗi cung ứng và logistics đang ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả mọi người, nó đảm bảo hàng hóa và dịch vụ đến đúng nơi và đúng thời điểm ở khắp nơi trên thế giới một cách nhanh nhất. Do đó, ngành này được xem là một trong những ngành “hot” hiện nay vì nhu cầu lao động đang ngày một lớn.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM cũng vừa mở thêm ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng này để tuyển sinh trong năm nay.
Một giờ học của sinh viên trường ĐH Công Nghệ TP.HCM.
Trước đó, các trường như ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH RMIT… cũng mở ngành học này.
Được biết, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu lao động và thông tin thị trường lao động TP.HCM, hiện có ít nhất 300.000 doanh nghiệp trong cả nước tham gia lĩnh vực logistics, với khoảng 1,5 triệu người lao động làm nghề logistics. Trong đó, TP.HCM chiếm khoảng 40%, thu nhập ở ngành này cũng vào top cao. Từ nay đến năm 2020, các nhóm ngành kinh tế trong đó có logistics ở TP.HCM có nhu cầu đến 25.000 lao động trong khi nguồn cung cấp lao động mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.