Trường tư thục cấp 2-3 Phan Bội Châu trên đường Nguyễn Đình Chi, quận 6 được quảng cáo là “trường chất lượng cao đảm bảo 100% học sinh đậu tốt nghiệp” nhưng trong năm học 2014-2015, từ 23 học sinh ban đầu, sau Tết chỉ còn 17 em.
Không đủ học sinh để dạy, nhà trường cho lớp 8 và lớp 9 học chung. Nhưng “gộp” cả hai lớp cũng chỉ có... 8 học sinh. Vì vậy, mỗi lần giáo viên lên lớp, dạy các học sinh lớp 8 đồng thời cho bài tập để học sinh lớp 9 làm. Còn lớp 10 của trường này năm học qua cũng chỉ tuyển được 7 học sinh. Tệ hơn, lớp 11 còn 3 học sinh và lớp 12 có... 2 học sinh.
Do lớp 12 chỉ còn 2 học sinh trong khi phải thuê giáo viên để dạy nhiều môn nên từ đầu tháng 3/2015 nhà trường thông báo cho phụ huynh chuyển hai em này sang học một trường khác cũng ở quận 6.
Sáng thứ 2 chào cờ, có lúc giáo viên nhiều hơn cả học sinh. Một giáo viên dạy ở trường này cho biết, trong đời hơn 10 năm đi dạy học, chưa thấy nơi nào lại ít học sinh như trường cấp 2-3 Phan Bội Châu. Do học sinh ít, phòng thư viện, phòng giáo viên được dùng để đồ đạc hoặc trưng dụng làm phòng nội trú cho học sinh.
Hàng loạt giáo viên của trường cho biết, vì ghép lớp 8 và 9 vào một nên cũng có nhiều chuyện bi hài. “Có lần phòng giáo dục quận 6 và Sở Giáo dục- Đào tạo TPHCM về kiểm tra, lãnh đạo trường chỉ đạo cho học sinh lớp 8 nghỉ học”, một giáo viên nói.
Tệ hơn là trường THPT Phương Nam ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức không tuyển được học sinh nên đã ngừng hoạt động dạy học hơn một năm nay. Hiện nay trường do chủ đầu tư khác tiếp quản, đang thực hiện việc duy tu, sửa chữa để kịp tuyển sinh vào tháng 4/2015.
Bắt cóc bỏ dĩa
Không tuyển được học sinh mới, năm học vừa qua một số học sinh còn lại của trường Phương Nam đã bị “bán” sang trường Ngô Thời Nhiệm ở phường Phước Long A, quận 9 để tiếp tục việc học.
Ngày 3/3, một phụ huynh có con học lớp 12 ở trường cấp 2-3 Phan Bội Châu, quận 6 cũng cho biết trường này đã “đẩy” 2 học sinh lớp 12 sang trường Đào Duy Anh ở cùng quận. Lý do là “nhà trường chi trả tiền cho giáo viên không nổi”.
Trao đổi với phóng viên hôm qua 5/3, ông Trần Văn Bổn - Hiệu trưởng trường cấp 2-3 Phan Bội Châu thừa nhận có sự việc xảy ra như trên. Tuy nhiên, theo ông Bổn, mình chỉ đứng tên hiệu trưởng trên danh nghĩa còn việc tuyển giáo viên, tuyển học sinh và dạy học do ông Nguyễn Văn Huấn thực hiện vì hai bên đã có “hợp đồng” giao trường này lại cho ông Huấn.
“Mỗi tháng phía ông Huấn trích lại 20% tổng thu của nhà trường cho tôi. Mới đây khi tôi phát hiện ông Huấn tuyển giáo viên không hợp đồng, lấy học phí cao với học sinh, không đảm bảo chất lượng chuyên môn nên tôi đã không hợp tác nữa, rút lại hợp đồng”- ông Bổn cho hay. Hiện ông Bổn trực tiếp quản lý trường, khắc phục những sai phạm từ ông Huấn như trả lương cho giáo viên, trả tiền thuê mặt bằng trường do ông Huấn còn nợ...
Mặc dù sai phạm như vậy nhưng ông Lưu Hồng Uyên- trưởng phòng GD&ĐT quận 6 nói: “Việc thông tin học ghép giữa hai khối lớp với nhau, chuyển học sinh từ trường này sang trường khác… chúng tôi không hề hay biết nên sẽ kiểm tra ngay để xác minh thông tin”.
Còn ông Nguyễn Đăng Khoa cho biết, việc khó khăn của các trường ngoài công lập là không thể tránh khỏi, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo chất lượng, dạy đủ số môn, giáo viên. “Việc không dạy đủ số môn, giáo viên không hợp đồng như vậy với trường Phan Bội Châu là sai”- người này nói.
“Trường Trung học Việt Mỹ Anh có 24 học sinh, Trường THPT Phan Huy Ích có 16 học sinh, Trường THPT Đại Việt có 46 học sinh...Có trường như THPT Trần Quốc Tuấn ở quận 11 không có học sinh nào. Ngoài ra, số trường có dưới 100 học sinh đã lên đến 20 trường”- đại diện Sở GD-ĐT TPHCM thông tin.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Quản lý cơ sở ngoài công lập (thuộc Sở GD&ĐT TPHCM) cho biết, trong năm học 2013- 2014, trên địa bàn thành phố có khoảng 90 trường, trong đó, nhiều trường mỗi năm chỉ tuyển lèo tèo vài học sinh, thậm chí, có trường không tuyển được học sinh nào. “Đầu năm học 2014- 2015 vừa qua, có nhiều trường không tuyển được học sinh nên đã xin giải thể như trường Đông Du, trường Khai Trí…”, ông Khoa cho biết. Trong khi đó, về tình trạng các trường ngoài công lập đang chết yểu, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: “Nếu trường nào vẫn còn duy trì hoạt động được thì sở vẫn tạo được điều kiện cho họ làm, nhưng trường nào có quy mô quá nhỏ thì sở sẽ trao đổi, để sắp xếp lại hoạt động, đảm bảo chất lượng giáo dục”. |