Trường THPT cần được chủ động bố trí lịch học 2 buổi

Ngày 31-3, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đã thăm, làm việc với các trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh về công tác ôn tập thi THPT Quốc gia cho học sinh, khảo sát việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường nhằm định hướng cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo chương trình mới.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm việc với trường THPT Trưng Vương.

Theo báo cáo của cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương: Trường bắt đầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày từ năm học 2011-2012. Thời gian đầu, nội dung dạy học buổi hai chỉ đáp ứng yêu cầu tăng tiết dạy học một số môn trong chương trình chính khóa.

Những năm sau, bám sát văn bản số 7291/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT về Hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học và hướng dẫn của Sở GD&ĐT thành phố, trường tổ chức hoạt động giáo dục buổi 2 gồm các hoạt động dạy học chuyên đề, dạy học tự chọn, hướng nghiệp, kĩ năng sống, hoạt động trải nghiệm… Trong đó, việc dạy học tự chọn đáp ứng nhu cầu học sinh, được chọn môn học cần bổ sung thêm kiến thức kỹ năng, trường phân chia trình độ và xếp lớp, bố trí giáo viên phù hợp. Các tổ bộ môn chủ động trong thực hiện nội dung giảng dạy. Công tác tổ chức các hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp theo tinh thần tổ chức hướng nghiệp sớm và sâu, tạo cơ hội cho các em tham quan trường đại học, cơ sở đào tạo nghề, tổ chức các buổi nói chuyện định hướng ngành học… giúp các em có thêm hiểu biết thực tiễn và có định hướng tốt trong chọn nghề, ngành học.
Hiệu trưởng trường THPT Trưng Vương kiến nghị: Hướng dẫn của Sở về tổ chức hoạt động giáo dục buổi 2 bám sát chỉ đạo của Bộ. Tuy nhiên, mong muốn Bộ xem lại quy định về thời gian biểu bố trí số tiết buổi sáng và số tiết buổi chiều trong ngày; có thể quy định không quá bao nhiêu tiết trong một tuần. Như vậy, Sở sẽ chỉ đạo các trường thực hiện đồng bộ, các trường sẽ chủ động về bố trí tiết học, thời khóa biểu trong tuần, có buổi học theo thời khóa biểu môn học, có buổi dành cho học tập chuyên đề, học tập trải nghiệm, hướng nghiệp…
Đối với công tác tổ chức hoạt động giáo dục 2 buổi/ngày, theo Thứ trưởng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhu cầu học 2 buổi/ngày của xã hội rất cao, nếu áp dụng tốt sẽ đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh và giảm áp lực học tập; tuy nhiên sẽ phải đối diện với áp lực tăng cơ sở vật chất trường lớp. TP.HCM đã thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày hiệu quả, có hướng dẫn chỉ đạo các trường thực hiện và có sự chủ động trong hình thức, kế hoạch dạy học.
Đối với dự thảo chương trình phổ thông mới, Thứ trưởng chia sẻ: hiện nay chương trình dự thảo đã gửi đến các Sở Giáo dục để lấy ý kiến đóng góp. Bộ rất muốn nghe các ý kiến từ các giáo viên, tổ bộ môn, từ các giáo viên trực tiếp giảng dạy.
Các ý kiến trình bày tại buổi làm việc cho thấy, chương trình đã chưa đáp ứng được yêu cầu giảm tải, còn khá áp lực học đối với học sinh. Ở môn Hóa học, Tổ trưởng chuyên môn trường Trưng Vương có ý kiến cần tăng thời gian thực hành, giảm tải các kiến thức chưa cần thiết đối với học sinh phổ thông; đảm bảo tính liên thông của chương trình THCS và THPT, tránh việc các kiến thức đã được học ở cấp dưới lại được lên cấp trên dạy.
Ở môn Toán, tổ trưởng chuyên môn trường Trưng Vương có ý kiến cần thể hiện yêu cầu về bài toán thực tiễn và kiểm tra năng lực của học sinh; ngoài chương trình và nội dung sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực, cần cho giáo viên hình dung về việc kiểm tra đánh giá theo định hướng kiểm tra năng lực học sinh. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết ông mong muốn được tiếp tục nghe những ý kiến thắng thắn, thực tế của các thầy cô giáo. Bộ đang tiếp tục thực hiện biên soạn phần kiểm tra đánh giá. Các tổ bộ môn, trường cần ghi biên bản góp ý, gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở sẽ tập hợp các ý kiến này gửi về Bộ để tiếp thu, chỉnh sửa đổi hoàn thiện chương trình; những ý kiến phù hợp sẽ điều chỉnh ngay, có những ý kiến cần xem xét lại trong toàn bộ tổng thể mục tiêu của chương trình.
Thứ trưởng đánh giá cao kết quả tốt nghiệp THPT của Thành phố trong nhiều năm liền, sự đầu tư không chỉ cho học sinh khá, giỏi mà chú ý đến học sinh yếu, xem xét từng trường hợp học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp để tổ chức phụ đạo, bổ sung kiến thức cho các em trên tinh thần “không bỏ sót, không để một học sinh nào bị lãng quên”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm