Ngày 1-9, các địa phương đồng loạt tổ chức lễ công bố quyết định đặc xá năm 2022 của Chủ tịch nước cho các phạm nhân đủ điều kiện.
Nước mắt và niềm vui
Cầm chứng nhận đặc xá trên tay, bà Lê Thị Hằng (58 tuổi; thụ án tại trại giam Gia Trung, huyện Mang Yang, Gia Lai) nghẹn lòng, mừng đến nước mắt rưng rưng. Bà chờ ngày này đã mấy năm nay, nay mới bỏ được chiếc áo sọc, khoác cho mình chiếc áo bà ba giản dị.
Những giọt nước mắt hạnh phúc của người thân công dân sau khi được đặc xá. Ảnh: LÊ KIẾN |
“Xin lỗi và cảm ơn”
Nhận quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, chị Phạm Thị Kim Chi chia sẻ ai trong tất cả chúng ta cũng đều có những tâm tư, trăn trở ấp ủ dành cho gia đình. Hơn bốn năm chấp hành án tại trại giam Xuân Lộc, cứ mỗi sáng thức dậy, chị thường nhớ tới gương mặt ngái ngủ của các con khi bị mẹ gọi dậy đi học. Chị nhớ những bữa cơm bên gia đình, tiếng nói cười vang khắp nhà.
Chính vì vậy mà những ngày cải tạo ở trại giam, cứ tối đến nhắm mắt lại là trong đầu chị xuất hiện nhiều nỗi niềm. Chị mong thời gian trôi thật nhanh để sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình.
“Được đặc xá, tôi và các anh chị trong trại như được tiếp thêm sức mạnh chắp cánh những ước mơ và khát vọng, biến những thử thách hôm nay thành bàn đạp để chiến thắng nghịch cảnh trớ trêu, gột rửa quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Hôm nay tôi đứng đây với niềm vui mừng khôn xiết, có rất nhiều, rất nhiều điều muốn chia sẻ cùng mọi người nhưng xin gói gọn trong hai từ: “Xin lỗi và cảm ơn”” - chị Chi nói.
Dẫu rằng từ khi rời khỏi trại giam cho đến khi được gia đình, xã hội ghi nhận hoàn lương còn cách xa nhau, tuy nhiên với họ, quyết định đặc xá ví như cánh cửa hoàn lương đã được mở. Bước vào đó và sống như thế nào để thực sự trở thành người có ích cho gia đình và xã hội là do mỗi người tự quyết định.
Năm 2017, bà bị tòa kết án sáu năm sáu tháng tù giam về tội tổ chức đưa người khác ra nước ngoài trái phép. Nhắc đến chuyện cũ, nước mắt bà lại trào dâng. Bà bảo thật ra lúc đó bà không biết mình phạm tội. Do không hiểu biết pháp luật nên khi có đứa em ở Trung Quốc nói rủ thêm hai người qua đó làm việc thì bà làm theo. Sau bao ngày ở trong trại, bà nhận ra lỗi lầm và cố gắng cải tạo, mong sớm đến ngày ra tù.
“Ba đứa con tôi, giờ mỗi đứa ở một nơi. Đứa đi làm Bình Dương, đứa học đại học ở Hà Nội, còn đứa nhỏ học lớp 10. Hiện tại nhà tôi chỉ có 1 ha đất rẫy, ở trong tù cũng học được nghề làm vàng mã. Chỉ mong sau khi ra tù, chăm chỉ làm ăn kiếm ít tiền chăm lo cho con chứ không mong gì hơn nữa” - bà Hằng nói.
Cùng thân phận nữ tù, bà Nguyễn Thị Tuyết Uyên (49 tuổi, ở Tuy Hòa, Phú Yên) cũng mừng muốn khóc khi nghe tin mình được đặc xá. Bà vào tù vì tội mua bán cần sa, mức án 7,5 năm tù, đã thụ án hơn năm năm.
Kể chuyện đã qua, bà bùi ngùi nói: “Trước khi tôi vào tù, chồng tôi bị bệnh hiểm nghèo, nuôi thêm hai con nhỏ. Để có tiền chạy chữa, gia đình tôi bán hết tài sản, làm thuê nhưng nợ vẫn chồng chất. Bí bách quá tôi đã làm chuyện sai là đi buôn cần sa. Ở trong tù, tôi đã ăn năn rất nhiều, cải tạo tốt để sớm được ra ngoài. Lâu nay không chăm sóc con cái, chỉ mong bù đắp phần nào cho con, mong dạy con nên người”.
Trong ngày đặc xá tại trại giam Gia Trung, ông Nguyễn Thế Bách (65 tuổi, quê ở Bắc Ninh) là phạm nhân đặc biệt nhất bởi đây là lần thứ hai ông được đề nghị xét đặc xá.
Đứng đợi ngoài cổng trại giam, chị Nguyễn Thị Xuân (con gái ông Bách) thấy cha như vỡ òa cảm xúc, nước mắt tuôn rơi. Chị Xuân cho biết: “Khi bố tôi thụ án, gia đình tôi cứ nghĩ không gặp được bố ngoài đời, nay gặp được người vẫn còn khỏe mạnh, tôi vui mừng lắm. Năm ngoái cũng chờ tin đặc xá nhưng rồi thất vọng. Tôi ở Đắk Lắk, sang đây từ lúc 4 giờ sáng để chờ đón bố”.
Tương tự ông Bách, ông Huỳnh Long Hoàng (ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) đã không kìm được xúc động khi lao vào vòng tay của cậu con trai đã chờ ở cổng trại từ rất sớm. Cầm quyết định đặc xá rời khỏi trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), ông Hoàng nghẹn ngào nói: “Cảm xúc của tôi lúc này như con chim sổ lồng ấy, mừng vui lắm. Đảng và Nhà nước đã nhận xét đúng đắn và đã cho chúng tôi được trở về với gia đình, cộng đồng”.
Trăn trở của “người thầy tâm hồn”
Trại giam Gia Trung có quy mô 4.000 phạm nhân và đang quản lý, giáo dục cho hơn 3.000 phạm nhân. Năm nay trại có 67 trường hợp được đặc xá.
Trung tá Phan Thanh Lại, Đội trưởng Đội Giáo dục hồ sơ, cho biết trách nhiệm của cán bộ trại giam rất nặng nề, phải làm sao để cho phạm nhân nhận ra lỗi lầm và chuyên tâm cải tạo, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội. Không phải phạm nhân nào vào đây cũng tỏ ra hối cải, do đó cán bộ phải giáo dục cho họ thật chuyên tâm.
Theo Trung tá Lại, bên cạnh các biện pháp giáo dục, phải hướng dẫn họ hăng say lao động để họ biết quý trọng giá trị của mình làm ra. Đồng thời, trại còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa các phân trại với nhau… xây dựng thư viện sách cho phạm nhân.
Trước đây, lúc chưa có dịch, đơn vị cũng thường xuyên kết hợp với Tỉnh đoàn Gia Lai và một số đơn vị thực hiện nhiều chương trình về “hạt giống tâm hồn”, tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho phạm nhân. Mục tiêu là giúp họ có tâm hướng thiện và có công việc ổn định, không còn tái phạm nữa.
“Cán bộ trại giam là người thầy của tâm hồn, giúp cảm hóa phạm nhân, giáo dục những người lầm lỗi thành người lương thiện, có ích cho xã hội. Mỗi cán bộ đều phải cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu trường hợp nào đó bất cần, khó cảm hóa thì mời giám thị trại giam “ra trận”” - Trung tá Lại nói.
Chia sẻ thêm, Đại tá Đào Ngọc Sỹ, giám thị trại giam Gia Trung, cho hay: “Niềm vui của phạm nhân được đặc xá cũng chính là niềm vui của các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Chúng tôi rất hạnh phúc khi thấy những con người từng lầm lỗi nhưng trải qua quá trình giáo dục, rèn luyện đã nhận ra lỗi lầm, quyết tâm cải tạo tốt để được về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng”.
Theo Đại tá Sỹ, nhằm giúp phạm nhân sau khi chấp hành án thuận lợi hòa nhập cộng đồng, đơn vị tổ chức làm CCCD ngay trong trại. Khi họ ra ngoài, đơn vị còn hỗ trợ chi phí đi lại, áo quần mới cho họ khỏi tự ti. Đồng thời cấp các giấy chứng nhận đặc xá, chứng chỉ nghề, giấy tiêm vaccine mũi 4.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao quyết định đặc xá cho
phạm nhân
Gửi thông điệp tới các phạm nhân được đặc xá, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh đặc xá mới là bước khởi đầu trên con đường hướng thiện. “Nhưng với những gì các anh chị đã phấn đấu học tập, lao động tiến bộ tại trại giam, tôi tin các anh chị sẽ thực sự trở thành con người lương thiện, xây dựng đời sống ổn định, gia đình ấm áp và dứt khoát không tái phạm” - Phó Thủ tướng nói.
Với những phạm nhân chưa được đặc xá, Phó Thủ tướng dặn dò năm nay cần cố gắng chấp hành cải tạo tốt để sớm đủ điều kiện hưởng chính sách đặc xá, sớm đoàn tụ với gia đình.
Tại Đà Nẵng, 11 phạm nhân được trao quyết định đặc xá. Bên ngoài trại giam, nhiều người thân, gia đình của các phạm nhân được đặc xá lần này đã chờ sẵn từ trước. Những cái ôm thắm thiết giữa người vừa được tha tù và người thân cùng giọt nước mắt vì hạnh phúc.
Tương tự, ở một số tỉnh, TP như Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Gia Lai, Bình Dương, TP.HCM… lực lượng công an cũng tổ chức công bố quyết định đặc xá cho các phạm nhân đủ điều kiện.
NHÓM PV