Từ biệt giam đến pháp trường (bài cuối): Những điều bí ẩn ở pháp trường Long Bình

VÙNG ĐẤT CHẾT

Khi hỏi đường vào trường bắn Long Bình, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu ngao ngán. “Vào đó làm gì, âm khí nặng lắm, không chừng bị nhiễm bệnh chứ chẳng chơi. Tui là thổ địa ở đây mà còn không dám vào nữa là” - anh Hùng, một người lái xe ôm gần trường bắn khuyên can.

Trường bắn nằm tách biệt với khu dân cư, trên một thung lũng nhỏ được vài cây lớn che bóng mát. “Ở đây không bao giờ thấy một bóng người, dạo trước Tết chỉ có thân nhân của tử tù tìm đến. Hình như họ cũng xấu hổ khi có người thân bị tử hình” - anh Thái, nhà ở gần trường bắn, nói.

Ngôi mộ nằm ở vị trí đắc địa của nghĩa trang, dưới bóng mát một cây cổ thụ là nơi an nghỉ của Phước “tám ngón” (tên thật là Nguyễn Hữu Thành). Ngày 29-4-1996, 13 bị cáo trong băng cướp Phước “tám ngón” đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân TPHCM. Nguyễn Hữu Thành, tức Phước “tám ngón” lãnh án tử hình thứ hai (án tử hình thứ nhất Phước bị tuyên trong phiên tòa ngày 24-6-1994). Mãi đến năm 1998, Phước mới bị thi hành án tử. Gia đình hắn đã xây bia mộ khá đẹp nhưng đến nay thì ngã chỏng trơ vì thời gian.  

Từ biệt giam đến pháp trường (bài cuối): Những điều bí ẩn ở pháp trường Long Bình ảnh 1
Trung đoàn Cảnh sát cơ động từng được giao nhiệm vụ thi hành án tử

Sở dĩ hài cốt của tử tội vẫn còn nằm tại đây vì theo nhiều nguồn tin, đám đàn em của Thành từng đến đòi khai quật, đưa thân thể hắn về. Tuy nhiên, khi mở hòm ra thì mùi tử khí bốc lên nồng nặc, bọn chúng đều bỏ chạy tán loạn. Ông Ba Soan, phu trường bắn, là người sắp xếp lại thân thể của Thành và hương khói đến tận giờ.

Những thành viên cuối cùng của nghĩa trang chính là Trịnh Tiến Hoạt, quê Hà Nội và Nguyễn Thị Hòa, quê Hải Phòng. Họ tham gia một đường dây bán ma túy và bị bắt. Năm 2008, cả hai bị đưa ra pháp trường. Hôm đó, sau giờ hành quyết thì người thân của họ mới tìm được pháp trường, khóc lóc, vật vã bên nấm mộ đất rồi cúng kiếng. Sau đó, người thân của họ đã bỏ tiền xây mộ bằng xi măng khá khang trang.

Giữa những đám cỏ tranh cao cả mét, chúng tôi phải lò dò đi tìm dáng dấp trường bắn. Không khí rờn rợn bao trùm xung quanh. Ngôi mộ “đẹp” nhất ở đây là của sát thủ Nguyễn Việt Hưng (biệt danh Hưng mi-nhon, người được Hải Bánh ra lệnh bắn chết nữ quái Dung “hà”). Sau khi bắn Dung “hà”, Hưng bỏ trốn và bị bắt năm 2002 và nhận án tử cùng lúc với Năm Cam. Mộ Hưng được xây bằng xi măng, quét vôi màu xanh nước biển.

BÍ MẬT NGHỀ... TRỘM XÁC

Đến trường bắn, chúng tôi tìm kiếm mộ Năm Cam và những người khác nhưng thất bại. Bởi một vụ trộm xác khác khiến tất cả “phu” trường bắn đến giờ vẫn còn lạnh gáy đã diễn ra, đó là vụ trộm xác tử tù Năm Cam và đồng bọn: Châu Phát Lai Em, Phạm Văn Minh... vào năm 2004.

Lúc đó, ông B. là một trong chín người tham gia đưa xác Năm Cam và đồng bọn “ra ngoài”. Ông nằm dưới trướng của T. và Tỷ. Rạng sáng 3-6-2004, sau khi Năm Cam và đồng bọn bị thi hành án, T. và Tỷ đã đặt vấn đề với gia đình “ông trùm” lấy xác đem về chôn cất. Ba ngày sau, thân nhân của Năm Cam đến pháp trường để mở cửa mả thì thấy mộ của Châu Phát Lai Em cũng đã được dọn bằng phẳng.

Theo nhiều nguồn tin, xác Lai Em được đưa đến nghĩa trang Gò Dưa an táng với giá 60 triệu đồng. Đi cùng đợt với Lai Em là xác của Phạm Văn Minh (tức Minh “bu”) với giá 55 triệu đồng. Xác của Năm Cam và Nguyễn Hữu Thịnh được đưa ra khỏi pháp trường với giá 140 triệu đồng. Xác “ông trùm” được mang đi thiêu tại Biên Hòa, Đồng Nai.

Sau vụ trộm xác kinh thiên động địa, người ta mới vỡ lẽ xác một loạt tử tù “đại gia” trong các vụ án kinh tế như: Phạm Huy Phước, Lê Hữu Cảnh và Trần Quang Vinh (Tamexco) hay Tăng Minh Phụng và Phạm Nhật Hồng (Epco) cũng đã “bốc hơi” khỏi pháp trường từ trước đó.

Sau vụ trộm xác Năm Cam, nhiều đối tượng trộm xác đã bị xử lý và giã từ cái nghề kinh khủng này. Tiếp cận nhà của một vài thành viên trong nhóm, khi nghe nói về việc “giúp sức” đưa xác tử tù ra khỏi trường bắn, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu. Có người đến bây giờ vẫn khó khăn, sống gần trường bắn trong một ngôi nhà tuềnh toàng. Với họ, quá khứ đã qua và họ chỉ muốn một cuộc sống lương thiện.

Bên cạnh trường bắn bây giờ đã mọc lên một ngôi trường khang trang do Pháp đầu tư. Trường bắn đã không còn phận sự thực hiện nhiệm vụ trừng trị tử tù như trước đây nữa. Những nấm mộ mới sẽ không còn được tăng thêm qua thời gian, nhiều nấm mộ cũ đang bị cỏ tranh chen lấn, xô ngã. Chỉ một, hai năm nữa thôi, trường bắn sẽ bị cỏ tranh xóa nhòa tất cả.

Từ biệt giam đến pháp trường (bài cuối): Những điều bí ẩn ở pháp trường Long Bình ảnh 2
Lãnh đạo CATP khảo sát việc hình thành khu tử hình ân huệ tại Trại giam Bố Lá

CẤM ĐỊA TIÊM THUỐC ĐỘC VỚI ÁN TỬ

Từ 1-1-2012, tử tù không bị áp giải ra trường bắn mà bị trừng phạt bằng cách tiêm thuốc độc. Trường bắn Long Bình đã thực hiện xong “sứ mệnh” xóa sổ cái ác, và bây giờ tử tù sẽ được đưa lên tận Bình Dương để “trả nợ đời”.

Xuyên qua những cánh rừng cao su bạt ngàn, chúng tôi đến Trại giam Bố Lá trong một ngày nắng chói chang. Tọa lạc tại huyện Phú Giáo - một vùng xa của tỉnh Bình Dương nhưng vượt lên trên mọi khó khăn, cán bộ chiến sĩ của Trại giam Bố Lá luôn thể hiện tấm lòng nghĩa hiệp với hơn một nghìn phạm nhân.

Thượng tá Phan Văn Tám - Phó giám thị - cho biết, trại giam đang gấp rút xây dựng khu vực tử hình ân huệ hình thành từ một chòi canh. Cạnh đó là những ô rau muống xanh ngát một màu và những cánh rừng cao su trải dài do cán bộ chiến sĩ và phạm nhân lao động công ích hằng ngày tạo dựng nên. Như vậy, trong một thời gian không xa nữa, khi khu vực tử hình này đi vào hoạt động, xác tử tù sẽ được chôn cất cạnh đó, dưới bóng mát của những cây cao su.

Không còn những tiếng đạn thi hành án tử, tử tù sẽ được “hóa kiếp” bằng cách tiêm thuốc độc để đền tội những gì đã gây ra cho xã hội. Hẳn lúc đó họ có sám hối cũng đã quá muộn màng.

----------------------------------------------------------------------------------------

Nghệ An sẽ thực hiện việc tiêm thuốc độc đầu tiên ối với tử tù trong cả nước.
Theo nguồn tin riêng của Báo CATP, đầu tháng 6-2012, nhà thi hành án tử hình bằng thuốc độc ở Trại giam Nghệ An, là một trong năm nhà thi hành án được Bộ Công an xây dựng thí điểm (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Sơn La và Đắk Lắk) sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng đầu tiên. Thuốc tiêm đều phải nhập ngoại.

Số phạm nhân bị tuyên án tử hình sau ngày 1-7-2011 (ngày Luật thi hành án hình sự có hiệu lực) không được thi hành bằng cách bắn nữa. Nguyên nhân là do phải chờ nhập thuốc tiêm và xây dựng nhà thi hành án.    

Theo AN HÒA (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm