Ghi nhận của chúng tôi ngày 20-4 cho thấy, xung quanh khu Di tích Quốc gia hồ Hữu Tiệp đã được quây kín bạt để phục vụ cho việc tu sửa công trình. Sau khi nước trong hồ được rút hết, máy cẩu đã được đưa vào để thực hiện nạo vét bùn. Xác máy bay B52 vẫn được đặt nguyên tại vị trí cũ và sẽ được bảo dưỡng lại trong thời gian tới.
Đơn vị thi công Dự án tu bổ, tôn tạo di tích cho biết, dự án đã được thực hiện từ 3 tuần trước. Do mưa kéo dài nên việc thi công gặp nhiều khó khăn. Công việc chính của các bên thi công hiện tại là hút hết nước trong hồ và nạo vét bùn.
Xác “pháo đài bay B52”, chiếc máy bay cuối cùng bị bắn hạ ngày 27-12-1972 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng là chiếc duy nhất rơi ngay giữa lòng Hà Nội, tại hồ Hữu Tiệp gần 50 năm qua. Ảnh: MINH ANH
Trước khi tu sửa, hồ Hữu Tiệp không chỉ ô nhiễm mà nhiều hạng mục còn bị xuống cấp trầm trọng, làm ảnh hưởng tới cảnh quan chung của khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Cụ thể, tường rào của hồ bị nghiêng nứt, có chỗ bị vỡ vụn. Phần bờ kè cũng có nhiều vết nứt gây nguy hiểm đối với nhiều người dân sống xung quanh khu vực này.
Trước đó, Bộ VH-TT&DL đã có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích hồ Hữu Tiệp và mảnh xác máy bay B52 bị bắn rơi ngày 27-12-1972 (quận Ba Đình, Hà Nội).
Toàn bộ khu vực tường rào hồ Hữu Tiệp được quây kín bạt. Ảnh: MINH ANH
Bộ VH-TT&DL đề xuất các phương án thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích hồ Hữu Tiệp và mảnh xác máy bay B52 bị bắn rơi bao gồm một số nội dung như: Xây bệ đỡ, bảo quản và trưng bày tại chỗ mảnh xác máy bay B52; tôn tạo tường rào, kè xung quanh hồ (phá dỡ và xây lại 34,6m kè đá hộc; phá dỡ và xây lại 152,2m tường rào, lan can đỉnh kè, cửa, thang xuống hồ); nạo vét bùn trong lòng hồ; cải tạo, chỉnh trang tổng thể khu nhà phụ trợ 2 tầng; hạ tầng kỹ thuật.
Các công nhân đang tiến hành các hạng mục trong thi công. Ảnh: MINH ANH
Trong công văn gửi UBND TP Hà Nội, Bộ VH-TT&DL lưu ý, các đơn vị thi công cần thực hiện thận trọng việc rà phá bom mìn, kết hợp nghiên cứu khảo sát theo phương pháp khảo cổ học để chủ động đề xuất giải pháp xử lý trong trường hợp phát hiện các mảnh vỡ khác của máy bay trong khu vực lòng hồ. Nêu rõ các giải pháp định vị, liên kết mảnh xác máy bay với bệ đỡ, giải pháp bảo quản và bảo dưỡng định kỳ hiện vật trong điều kiện môi trường khu vực.
Hồ Hữu Tiệp nằm ở địa bàn phường Ngọc Hà, quận Ba Đình (Hà Nội). Đây là nơi đã ghi dấu chiến công của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không vào đêm 27-12-1972 khi một máy bay B52 của Mỹ đã bị bắn hạ, rơi xuống khu vực Ngọc Hà.