Sau giải phóng, dưới chính sách bao vây cấm vận, chính sách cải tạo công thương nghiệp gây tác động mạnh đến đời sống người dân, TP.HCM rơi vào khủng khoảng kinh tế và đời sống, cao điểm nhất là hai năm 1979-1980.
Thành phố 3,5 triệu dân sống trong cảnh lo "chạy ăn" từng bữa. Bác sỹ Đông A kể, gia đình ông, hai đứa trẻ Thiên An, Thiên Ân bắt đầu tuổi ăn tuổi lớn cũng phải ăn cơm với bo bo, bột mì như mọi người.
Lãnh đạo thành phố đã hiệu triệu mọi tầng lớp trong xã hội "tự cứu lấy mình" với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" nhằm thoát khỏi sự trói buộc của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, duy ý chí, tìm cách giải quyết bức xúc kinh tế xã hội.
GS người Bỉ Raymond Reding mô tả cuộc đời đầy xáo trộn như con quay của GS Trần Đông A đã trở thành nguồn cảm hứng để viết cuốn sách về Sài Gòn - TP.HCM ngày nay |
Và trong không khí sôi động của thời kỳ "tháo gỡ, cởi trói", gia đình GS Đông A cũng tìm cho mình một lối thoát kinh tế từ những ý tưởng bạo dạn.
Trong gia đình, vợ GS Đông A - cô Lê Thị Minh Tâm - rất khéo tay, giỏi nghệ thuật. Nhờ khéo tay, cô mau chóng học được cách làm búp bê của Nhật do người anh trai từng học ở Nhật chỉ cho.
Nắm bắt tinh thần chính sách của thời kỳ "tháo gỡ, cởi trói", bác sỹ Đông A truyền ý tưởng cho vợ làm búp bê xuất khẩu để kiếm tiền. Lúc đó TP.HCM có ý tưởng cho phép gia đình sử dụng 10 công nhân.
Ông chủ trì một hội nghị quốc tế ở Ấn Độ năm 2005 |
Tận dụng điều này, cô Tâm tổ chức nhóm thợ và bắt đầu dạy cho họ cách làm búp bê. Mỗi người học một công đoạn, người thì làm thân, người vẽ mặt, người giáp tay, giáp thân... 10 người học các công đoạn khác nhau của qui trình làm búp bê. Mỗi người lại chỉ cho con cháu của mình làm chính công đoạn đã học được.
Nên dù chỉ có 10 công nhân trên danh nghĩa nhưng có những gia đình có 10 người, học lẫn nhau nên số lao động lên đến cả trăm người. Mỗi đơn hàng đều sản xuất rất nhanh.
Rồi những con búp bê đầu tiên được đưa sang Thái Lan dán mác made in Thailand để xuất khẩu, búp bê cũng sang Liên Xô, để từ đó lại xuất khẩu sang các nước khác, lòng vòng rồi qua các nước tư bản.
GS Đông A kể nhờ làm búp bê mà kinh tế gia đình của ông được cải thiện rất nhiều. Có những đơn hàng rất lớn nhưng có khi không nhận được tiền mặt, người ta gán trả bằng cà-vạt gia đình ông cũng nhận hết rồi lo đi bán lại để lấy tiền tiêu.
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2003 cùng đoàn UB Đối ngoại QH |
Nhớ lại thời kỳ đó, ông vẫn thán phục ý tưởng bạo dạn, sáng tạo của vợ. Nhưng không phải mọi xoay sở tìm nguồn thu cho gia đình đều suôn sẻ. Những va chạm trong sản xuất khiến việc làm búp bê trở nên khó khăn, rồi tan. Vợ ông lại đi làm đủ thứ nghề khác để kiếm tiền.
Chờ đợi sóng đổi mới
Sản xuất búp bê, làm đủ nghề nhưng có nhiều lúc đời sống quá khó khăn, trong khi làm y học cũng thiếu thốn, GS Đông A kể ông đã rơi vào trạng thái phân vân.
10 năm sau giải phóng, dù có những thành tích nhất định trong khoa học, được bằng khen của Sở Y tế, có nhiều công trình khoa học, nhưng tình hình kinh tế xã hội bị ảnh hưởng cấm vận, các sai lầm trong cải tạo thương nghiệp khiến cuộc sống của ông cũng như những người dân trong thành phố lúc bấy giờ rất khó khăn.
Ông nhớ mãi cảnh phải nợ tiền đồng nghiệp để làm slide báo cáo đề tài ca mổ tim ngoài lồng ngực do ông thực hiện (ca thứ 4 của thế giới lúc bấy giờ).
Cùng nghị sĩ Mỹ |
Nhưng giữa lúc phân vân, Đông A được cử đi học chính trị trung cấp tại trường Nguyễn Văn Cừ, khóa khoa giáo đầu tiên.
Ông nói rằng, đây là giai đoạn bước ngoặt quan trọng trong nhận thức của ông chờ đợi thời kỳ đổi mới mở ra. Có những bạn học cùng lớp ông khóa đầu đó sau đều là những cán bộ chủ chốt như bà Trần Thị Trung Chiến sau này làm Bộ trưởng Y tế.
Khóa học kéo dài 3 năm, ông vừa làm vừa học và học rất nghiêm túc, tốt nghiệp với nhiều điểm 10.
"Việc đi học khiến tôi bớt băn khoăn hơn. Tiếp cận chủ nghĩa Mác bài bản, tôi thấy hứng khởi và tự nghiên cứu. Điều tôi cảm nhận được là tương lai có thể tốt hơn và chuyện đổi mới chắc là sẽ đến. Ai ngờ thật" - ông nói.
Rồi Đại hội 6 - Đại hội của cải cách đến như luồng gió mới khiến Đông A hy vọng về những kiến nghị đổi mới trong y học, đời sống của mình có triển vọng, kinh tế sẽ có những bước ngoặt thực sự, xã hội sẽ đổi khác. "Lúc đó, tôi nghiên cứu rất kỹ, gần như thuộc làu nghị quyết Đại hội 6"- ông kể.
Có một kỷ niệm thời kỳ đó là sau một buổi họp, ông về cùng một cán bộ Thành ủy trên chiếc xe Honda.
Trên đường đi, hai anh em đèo nhau trong thành phố mà không gian tối thui. Chợt vị cán bộ nói "nếu thực hiện đúng đổi mới thì thành phố này sẽ không tăm tối như thế này". Đông A càng thêm hiểu rằng, đổi mới sẽ xảy ra vì không còn con đường khác.
"Áp dụng những cái đổi mới đúng mức thì mình sẽ làm được và làm thật" - GS Đông A nói khi kể về tinh thần đổi mới của Đại hội 6 khi đó được ông đưa vào trong nghề nghiệp của mình và truyền ý tưởng cho vợ làm kinh tế.
Ít ai biết rằng, vợ GS Đông A là một trong những người xây dựng resort, kinh doanh du lịch biển từ thập niên 1990.
Trong những lần về quê Phan Thiết đưa bạn bè, đồng nghiệp nước ngoài của GS Đông A về chơi biển, cô Tâm bắt đầu để ý đến những bãi biển hoang sơ chưa có bóng dáng khách sạn, nhà hàng. Sự thích thú những người bạn nước ngoài cũng trở thành động lực để cô Tâm nghiêm túc suy nghĩ về việc đầu tư kinh doanh du lịch ở đây.
GS Đông A kể, lúc đó, họ không có nhiều tiền để kinh doanh lớn nhưng khiếu nghệ thuật của cô Tâm đã trở thành vốn lớn.
Ông nhớ mãi những ngày cùng vợ tha thẩn tìm những căn nhà hỏng ở vùng quê Phan Thiết để mua lại những cái cột gỗ cũ.
Từ nhiều thứ hoang sơ tích góp được, cô Tâm đã biến tất cả trở thành của quý trong resort ven biển tuyệt đẹp đầu tiên của mình.
Cho đến trước khi cô Tâm mất vì bạo bệnh, resort đó luôn lọt vào top những resort đẹp nhất, hấp dẫn nhất vùng biển Phan Thiết.
Dấn thân nghị trường
Với y học, trong suốt mấy chục năm qua, GS Đông A làm việc chưa một ngày ngơi nghỉ. Rời phòng mổ, ông lại đến giảng đường truyền kinh nghiệm, tri thức cho học sinh. Xen kẽ các công việc đó ông làm công tác nghiên cứu, tham gia các cuộc hội thảo quốc tế, trao đổi, giao lưu khoa học.
Ông được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động, huân chương Lao động, chiến sĩ thi đua cấp thành phố, toàn quốc... Nhưng có lẽ việc trở thành đại biểu khóa 11, 12 của TP.HCM là một nhánh rẽ thú vị trong cuộc đời sự nghiệp của ông.
Ông cùng đoàn ĐBQH tham gia quan sát bầu cử ở Phần Lan |
Tự mình làm khó mình thêm về thời gian theo cách trở thành một ông nghị, làm chính trị là quá khó rồi nhưng người ta nhìn ra ngay lý do vì sao ông lại dấn thân như vậy.
Nghị trường thực sự trở thành mảnh ghép lý tưởng cho sự cống hiến không ngừng của ông trong y học khi những kiến nghị, đóng góp trực tiếp về các luật liên quan y tế được cất lên, từ luật Hiến ghép tạng, luật Bảo hiểm y tế, luật Khám chữa bệnh.
Không chỉ y tế mà những vấn đề của thời đại trong giáo dục, khoa học, cán bộ, sử dụng nhân tài... cũng được ông theo đuổi mạnh mẽ.
GS Đông A từng thổ lộ rằng kiện toàn hệ thống luật của ngành không chỉ đảm bảo cho mối quan hệ thầy thuốc và bệnh nhân mà còn là điều kiện để thu hút các bác sĩ nước ngoài có trình độ cao vào làm việc, qua đó gián tiếp được học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, trình độ để phục vụ nhân dân...
GS Đông A cũng rất năng nổ trong hoạt động đối ngoại của QH với tư cách thành viên của UB Đối ngoại.
Trong chuyến đi Phần Lan năm 2003, ông được các nhà báo phỏng vấn sau khi tham gia quan sát bầu cử, kể cả các cuộc tranh luận của ứng cử viên nhiều đảng phái khác nhau, rồi gặp cả Thủ tướng của họ.
Trả lời báo chí Phần Lan |
Nhà báo nước bạn hỏi ông: "Tại sao VN vẫn chỉ do một đảng lãnh đạo?”. GS Đông A trả lời: "Hoàn cảnh lịch sử, chính trị và xã hội mỗi nước đều khác nhau, không thể rập khuôn cơ cấu tổ chức của nước này cho nước khác...
Đảng Cộng sản VN đã có công lãnh đạo dân tộc VN qua bao khó khăn, hy sinh và mất mát mới giành được độc lập và thống nhất đất nước, nay lại đang lãnh đạo dân tộc VN xây dựng và phát triển kinh tế trong hoàn cảnh đất nước bị tàn phá, tụt hậu rất nhiều so với các nước trong khu vực...
Dân tộc chúng tôi, gia đình nào cũng có hy sinh mất mát vì chiến tranh và chia cắt. Có được hòa bình thống nhất để xây dựng như hiện nay chúng tôi đều hiểu rất rõ do ai và nhờ ai".
Nguồn cảm hứng cho cuốn sách của "người bạn ghép gan"Raymond Reding |
Cuộc đời của GS Đông A sau này đã trở thành nguồn cảm hứng để “người bạn ghép gan”, GS người Bỉ Raymond Reding viết một cuốn sách mà trong đó ông mô tả cuộc đời đầy xáo trộn như con quay của GS Đông A trở thành nguồn cảm hứng để ông viết cuốn sách về Sài Gòn - TP.HCM ngày nay.