Từ chuyện thiếu tướng Đỗ Hữu Ca

(PLO)- Dư luận không chỉ quan tâm việc nguyên giám đốc Công an TP Hải Phòng bị tạm giữ mà còn quan tâm vì cơ quan chủ trì thực hiện các thủ tục tố tụng vụ án này là Công an tỉnh Quảng Ninh, nơi Thiếu tướng Đinh Văn Nơi vừa nhậm chức...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, thông tin thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng, bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh tạm giữ hình sự để xác minh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án hình sự đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Dư luận quan tâm không chỉ vì người bị tạm giữ hình sự là một thiếu tướng - cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng mà còn bởi cơ quan đang chủ trì thực hiện các thủ tục tố tụng vụ án này là Công an tỉnh Quảng Ninh - nơi Thiếu tướng Đinh Văn Nơi vừa nhậm chức giám đốc.

Công an khám xét nhà Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên giám đốc Công an TP Hải Phòng, thu giữ các đồ vật tài liệu

Công an khám xét nhà Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên giám đốc Công an TP Hải Phòng, thu giữ các đồ vật tài liệu

Trên mạng xã hội và cả ngoài đời, người dân bàn tán xôn xao về lý do khiến ông Ca bị tạm giữ. Tuy nhiên, cho đến lúc này thông tin chính thức mà nhiều người được biết là ông Ca bị tạm giữ hình sự để làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng.

Ông Ca liên quan tới đâu, bị cáo buộc vì có hành vi gì… còn phải chờ kết quả điều tra sắp tới. Tuy nhiên, từ sự kiện này có thể thấy việc giữ gìn đạo đức công vụ và chấp hành pháp luật của người cán bộ, đảng viên là việc phải làm cả đời chứ không phải chỉ khi còn đương chức.

Một cán bộ, quan chức về hưu rồi mà vi phạm pháp luật thì không chỉ như sai phạm của một công dân bình thường. Bởi trong mắt người dân, họ vẫn là “người nhà nước”; là một đảng viên; là kết quả của một quá trình phấn đấu, rèn luyện; là hình ảnh liên quan đến cơ quan, tổ chức hay lực lượng mà họ từng công tác.

Một quan chức, nhất là quan chức cấp cao, khi về hưu không có nghĩa là chấm hết, là đoạn tuyệt với quá khứ công vụ của họ. Không chỉ được xướng tên trong những hội nghị, hội thảo, những sự kiện tham dự mà trong mắt người dân, họ là nguyên, là cựu của cái chức vị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân từng giao phó.

Cho nên khi một cán bộ về hưu bị điều tra, truy tố, xét xử vì vi phạm pháp luật, sự phán xét của dư luận sẽ nặng nề gấp nhiều lần so với các bị can, bị cáo là “phó thường dân”. Nói như vậy để thấy dù về hưu rồi thì cựu quan chức, cựu cán bộ càng phải giữ mình nghiêm cẩn.

Và cuối cùng, việc một số quan chức dù đã về hưu, trong đó có những cán bộ cấp rất cao, bị pháp luật “sờ gáy” bởi có hành vi sai phạm thì có làm cho người dân giảm niềm tin hay không? Không hề, mà sự kiện này còn củng cố thêm niềm tin rằng: Không ai có thể một tay che trời; nếu anh làm sai thì dù từng ở vị trí, chức vụ cao đến đâu vẫn có thể một ngày bị lôi ra ánh sáng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm