Từ đề xuất thi hành sớm Luật Đất đai: Vì sao các luật thường có hiệu lực sau 1 năm kể từ ngày thông qua?

(PLO)- Không phải ngẫu nhiên mà các luật, bộ luật thường có hiệu lực sau 6 tháng, 1 năm kể từ ngày thông qua, do đó việc đề xuất cho thi hành sớm Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản cần được xem xét kỹ lưỡng.

Ngày 19-6, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024, thay vì từ ngày 1-1-2025. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại các điều từ Điều 253 đến Điều 260 của Luật Đất đai cho phép có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023 được đề xuất có hiệu lực sớm từ 1-8. Ảnh: HÀ THANH

Tính toán thời điểm Luật có hiệu lực có ý nghĩa quan trọng

Có thể thấy đây đều là những luật quan trọng, có tác động rất lớn đến đời sống của người dân, doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với đề xuất của Chính phủ, về mặt tích cực, việc sớm thi hành các luật kể trên sẽ sớm tháo gỡ các vướng mắc lâu nay, bởi đây cũng là mục tiêu khi sửa đổi luật và ai cũng mong mỏi điều này. Tuy nhiên, đó là câu chuyện lý thuyết. Làm sao để thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở một cách trơn tru trên thực tế là điều cần bàn tới.

Đặt bài toán ngược lại, nếu có thể cho thi hành sớm 3 luật trên thì vì sao các luật, Bộ luật thường quy định có hiệu lực sau 6 tháng, 1 năm hoặc hơn kể từ ngày được Quốc hội thông qua? Cần điều kiện gì để nhà làm luật có thể quyết định thay đổi “tính toán” thời điểm có hiệu lực so với ban đầu?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS Nguyễn Nhật Khanh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM, cho biết thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là thời điểm VBQPPL bắt đầu phát sinh hiệu lực trong thực tế để điều chỉnh các quan hệ xã hội mà văn bản đó quy định. Việc tính toán, dự liệu thời điểm có hiệu lực của VBQPPL có ý nghĩa quan trọng, bởi lẽ đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của VBQPPL luôn cần một khoảng thời gian hợp lý để chuẩn bị điều kiện cần thiết thi hành khi văn bản đó phát sinh hiệu lực.

Do đó, khoản 1 Điều 151 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định đối với VBQPPL của cơ quan nhà nước ở trung ương như Luật, Bộ luật…, thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần VBQPPL được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.

Đối với VBQPPL được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.

Nguyên tắc này cũng được thể hiện trong quy định về hiệu lực thi hành của một số đạo luật quan trọng được Quốc hội thông qua gần đây như: Luật Nhà ở 2023 được thông qua ngày 27-11-2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được thông qua ngày 28-11-2023, Luật Đất đai 2024 được thông qua ngày ngày 18-1-2024, nhưng quy định đến ngày 1-1-2025 thì các Luật này mới có hiệu lực thi hành.

Theo ThS Khanh, có nhiều căn cứ để tính toán thời điểm có hiệu lực của VBQPPL nhưng chủ yếu là để các cơ quan chức năng có đầy đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm tổ chức thi hành luật một cách hiệu quả nhất.

“Chẳng hạn như Chính phủ cần ban hành nghị định để quy định chi tiết các điều khoản được giao trong Luật hoặc hướng dẫn tổ chức thi hành Luật, các cơ quan chức năng có liên quan cũng có thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi Luật chính thức có hiệu lực thi hành thì có thể triển khai áp dụng một cách đồng bộ, thuận lợi và hiệu quả, tránh tình trạng Luật có hiệu lực nhưng không thể thi hành trong thực tiễn, làm giảm giá trị áp dụng của Luật”, ThS Khanh nói.

Cũng theo ông Khanh, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai là những đạo luật có tác động rất lớn đến đời sống của người dân cũng như các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Các đạo luật mới được thông qua được đánh giá đã có những thay đổi quan trọng để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thời gian qua.

Với tầm quan trọng đó, nếu trong bối cảnh Chính phủ và các cơ quan chức năng có liên quan đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tổ chức thi hành thì việc trình Quốc hội cho thi hành sớm các đạo luật này là hợp lý, đúng nguyên tắc về thời điểm có hiệu lực của VBQQPL và phù hợp với nhu cầu thực tiễn; có ý nghĩa khơi thông nguồn lực, khơi dậy tiềm năng và giá trị của thị trường nhà đất, đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của các địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Dù vậy, trường hợp chưa sẵn sàng thì "không việc gì phải vội", tránh tình huống luật đã có hiệu lực nhưng lại khó triển khai trên thực tế vì thiếu hướng dẫn - đây cũng là một "điểm nghẽn" thường gặp ở nước ta.

Điều kiện tiên quyết vấn là chuẩn bị sẵn sàng văn bản hướng dẫn

Là người thường xuyên tư vấn cũng như tham gia giảng dạy về lĩnh vực pháp lý bất động sản, luật sư Nguyễn Phước Vẹn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, ba đạo luật được đề xuất có hiệu lực sớm có rất nhiều nội dung cần có nghị định, thông tư và văn bản của địa phương hướng dẫn thì mới có thể thực thi được trên thực tế.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, đến ngày 18-6 chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành, 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa được ban hành. Đối với văn bản hướng dẫn của địa phương thì có khoảng 20 nội dung cần địa phương hướng dẫn đối với Luật Đất đai, 10 nội dung đối với Luật Nhà ở... Nhưng để địa phương hướng dẫn được thì nhiều trường hợp phải dựa trên văn bản hướng dẫn của Trung Ương..

Trong khi đó, khoản 2 Điều 154 Luật Ban hành VBQPPL 2015 khi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực thì đồng nghĩa Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 hết hiệu lực.

Đồng thời, khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành VBQPPL 2015 tiếp tục khẳng định “VBQPPL hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Như vậy, Khi Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 hết hiệu lực thì những nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn của địa phương đều hết lực.

"Chính vì vậy, không thể áp dụng những văn bản này để “chữa cháy” trong lúc chờ văn bản hướng dẫn Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được ban hành", LS Nguyễn Phước Vẹn đặt vấn đề thực tế nếu cho các đạo luật thi hành sớm mà không chuẩn bị kịp văn bản hướng dẫn.

Do đó, theo LS Vẹn, việc xem xét cho phép 3 Luật trên có hiệu lực sớm nhưng thiếu văn bản hướng dẫn, ngoài những tác động tích cực thì cũng nên cân nhắc đến việc sẽ dẫn đến việc ách tắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và địa phương trong việc triển khai, thực thi Luật trên thực tế.

Ngoài ra, đối với những trường hợp đã được giải quyết khi chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn nhưng đến khi văn bản dưới luật được ban hành hướng dẫn cách giải quyết, thành phần hồ sơ có khác so với những hồ sơ đã được giải quyết thì xử lý như thế nào, trách nhiệm thuộc về ai?

"Do đó, để cho thi hành sớm hay không, điều tiên quyết để quyết định vẫn là việc chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thi hành luật trên thực tế", LS Vẹn nêu quan điểm.

Thời gian 6 tháng, 1 năm liệu đã đủ?

Khoản 2 Điều 11 Luật Ban hành VBQPPL 2015 quy định: Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết.

Đối với quy định này, theo dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL 2015, Bộ Tư pháp cho biết quy định trên là hợp lý nhưng chưa phù hợp với thực tiễn.

Theo Bộ Tư pháp, trong quá trình soạn thảo dự án luật, hầu hết các cơ quan chủ trì soạn thảo mới chỉ dự kiến được những nội dung để đề xuất Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết. Trong khi đó, việc quyết định nội dung nào sẽ được giao quy định chi tiết lại hoàn toàn do Quốc hội xem xét, quyết định. Một số luật, pháp lệnh, nghị quyết giao Chính phủ quy định chi tiết trong thời gian rất ngắn (6 tháng đến 1 năm) trong khi nội dung giao quy định chi tiết rất khó, cần có thời gian nghiên cứu.

Có thể đây chỉ là đánh giá chung về công tác xây dựng văn bản hướng dẫn (Nghị định, thông tư...). Thế nhưng, chúng ta có quyền đặt ra câu hỏi: Liệu với tính toán ban đầu cần khoảng 1 năm sau ngày các Luật trên thông qua để chuẩn bị văn bản hướng dẫn thì việc rút ngắn thời gian có đảm bảo được số lượng cũng như chất lượng của các văn bản dưới luật?

Do đó, "cẩn trọng", "đặt chất lượng xây dựng các nghị định lên hàng đầu"... cũng là những điều mà các đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh khi cho ý kiến về nội dung này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới