Ngày 27-9, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực lý lịch tư pháp (LLTP) đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Bám sát các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị với 8 nhóm nhiệm vụ khác nhau với hàng chục công việc cụ thể.
Hội nghị này được tổ chức trực tuyến kết nối với 63 địa phương nhằm đánh giá đầy đủ, chính xác, khách quan tình hình 1 năm thực hiện Chỉ thị số 23, kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và bài học kinh nghiệm. Từ đó, đưa ra giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 23.
Về những kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 23, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Nguyễn Văn Bốn cho biết công tác cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu LLTP được thực hiện mạnh mẽ với thủ tục và thành phần hồ sơ được đơn giản hóa tối đa. Thủ tục cấp Phiếu được thực hiện trực tuyến toàn trình tại Bộ Tư pháp và các địa phương.
Việc áp dụng thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế đạt kết quả đáng khích lệ, cho thấy tín hiệu tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, tạo tiền đề để tiếp tục thí điểm cấp Phiếu trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc từ ngày 1-10-2024.
Về việc phân quyền khai thác, tra cứu Cơ sở dữ liệu LLTP, Bộ Tư pháp đã mở thử nghiệm tính năng phân quyền cho các Sở Tư pháp khai thác, tra cứu Cơ sở dữ liệu tại Trung tâm LLTP quốc gia và có văn bản hướng dẫn các Sở Tư pháp thử nghiệm tính năng phân quyền này.
Đến nay đã có 56/63 Sở Tư pháp thực hiện tra cứu, khai thác thông tin tại Cơ sở dữ liệu của Trung tâm LLTP quốc gia để cấp Phiếu LLTP với tổng số 199.685 hồ sơ.
Để nâng cao hiệu quả phân quyền, Bộ Tư pháp đã đánh giá kết quả thử nghiệm phân quyền; xây dựng Quy trình phân quyền theo hướng rút ngắn từ 3 bước còn 2 bước, Sở Tư pháp sẽ chủ động tra cứu, khai thác Cơ sở dữ liệu của Trung tâm LLTP quốc gia mà không cần Trung tâm phê duyệt từng hồ sơ.
Về triển khai thí điểm cấp Phiếu trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an rà soát xây dựng, ban hành Quy trình thực hiện thí điểm cấp Phiếu trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID; điều chỉnh, hoàn thiện Phần mềm Quản lý LLTP dùng chung của Bộ Tư pháp đáp ứng Quy trình và các yêu cầu kỹ thuật.
63 tỉnh, thành đang tích cực thực hiện kết nối Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính địa phương với Phần mềm Quản lý LLTP dùng chung của Bộ Tư pháp và Ứng dụng VneID.
Đến nay đã có 27/63 tỉnh, thành phố đã thử nghiệm thành công; 4/27 tỉnh đã hoàn thành việc quét an toàn, an ninh, bảo mật thông tin theo quy định của Bộ Công an.
Tại Hội nghị, ông Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06, Bộ Công an), cho biết thời gian tới, triển khai việc về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc, Bộ Công an đã xây dựng các hội thảo khoa học, hội nghị tập huấn, bộ tài liệu hướng dẫn triển khai thực hiện, đồng thời tham mưu Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai việc về việc mở rộng thí điểm. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tư pháp, các địa phương tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai Chỉ thị số 23 và đề xuất nhiều giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP "đúng, đủ, sạch, sống".