Trong sách học thuộc lòng của con trẻ trước 1975 về Sài Gòn có bài thơ của nhà giáo Bùi Văn Bảo (bút danh Bảo Vân, Bê Bình Phương) mở đầu bằng bốn câu: “Sài Gòn có bến Chương Dương. Có dinh Độc lập, có đường Tự Do. Phường Chợ Quán, khóm Cầu Kho. Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm”.
Người dân An Phú Đông (quận 12) mong chờ cầu, dẫu là cây cầu tạm để nối Gò Vấp và quận 12
“Con đò Thủ Thiêm” sau này trở thành bến phà Thủ Thiêm, và bây giờ những chiếc cầu Thủ Thiêm nối hai bờ Đông – Tây sông Sài Gòn đã thay thế phà Thủ Thiêm lẫn đò Thủ Thiêm. Sài Gòn đã thật sự vắng bóng phà Thủ Thiêm hơn 8 năm qua. Nhưng, Sài Gòn đâu chỉ có bến đò Thủ Thiêm, vẫn còn rất nhiều bến đò ngang trở thành bến phà đưa khách sang sông. Và những bến phà này đang dần hoá thành kỷ niệm…
Bến phà An Phú Đông phía quận Gò Vấp
Những ai thích lang thang, tìm về những điều bình dị, xưa cũ của Sài Gòn có thể tự chọn cho mình một hành trình qua những chuyến phà, vốn là những chuyến đò ngang ngày xưa như bến đò An Phú Đông, bến đò Bình Quới…
Bến đò An Phú Đông “nằm im” chờ cầu tạm
Cuối đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) rẽ tay trái vào đường Trần Bá Giao người dân sẽ đến được phà An Phú Đông. Xưa đây vốn là bến đò An Phú Đông nối phường An Phú Đông (quận 12) với phường 5 (quận gò Vấp). Hai quận cách nhau bởi sông Vàm Thuật, một nhánh nhỏ của sông Sài Gòn. Quãng sông Vàm Thuật ngay bến đò vẫn còn cả bến đò và bến phà. Bến phà để người dân sang quận 12, còn bến đò để người dân ra thăm Miếu Nổi giữa sông Vàm Thuật.
Phà An Phú Đông hoạt động từ 3 giờ 30 phút đến 23 giờ 30 phút mỗi ngày. Hàng ngày, có hàng nghìn lượt khách qua phà An Phú Đông, giá vé cho mỗi xe máy là 2.000 đồng/lượt. Tất cả lượt qua, về đều thu phía đầu bến quận 12
Vào 8-2018, UBND TP.HCM đã có văn bản đồng ý xây dựng cầu tạm An Phú Đông thay cho bến phà đang hiện hữu. Dĩ nhiên khi có cây cầu, giao thông phát triển hơn… nhưng cũng sẽ có nhiều ký ức mất đi. Ngay hiện tại, dọc con đường Vườn Lài của quận 12 khi vừa cập phà An Phú Đông là hàng loạt bảng rao bán đất.
Quãng sông Vàm Thuật nhỏ, chỉ cần phà quay đầu là đến bến bên kia
Quãng sông Vàm Thuật không lớn, chỉ cần phà quay đầu đã đến bờ bên kia. Những cây cầu cũng cần đó, nhưng… Mai này khi có cầu An Phú Đông, liệu chăng Sài Gòn có còn dễ tìm tiếng gà trưa, tiếng chó sủa khan giữa trưa nắng vàng, có hàng cau, gốc mít, gốc phượng, cây bằng lăng… nằm trĩu qua con kênh trước nhà… như dọc con đường Vườn Lài hiện nay? Có còn câu hát, “nhớ những con kênh nối hai giòng sông, nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng…”?
Người dân vẫn vào Miếu Nổi ở sông Vàm Thuật bằng đò
Bến đò Bình Quới bên kia bờ Thủ Đức
Cũng là một bến đò ngang nay thành bến phà là bến đò Bình Quới qua sông Sài Gòn. Quãng sông Sài Gòn của bến Bình Quới (quận Bình Thạnh) qua bến Linh Đông (quận Thủ Đức) rộng hơn quãng sông Vàm Thuật. Lưu lượng người qua lại cũng không nhiều bằng. Nhưng cũng như An Phú Đông, bến phà Bình Quới cũng sẽ mất khi Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa thành hiện thực. Hiện theo quy hoạch cũ đã có hệ thống năm cầu vượt sông Sài Gòn, nối Thanh Đa (quận Bình Thạnh) với quận 2 và quận Thủ Đức.
Phà Bình Quới lưu lượng giao thông ít hơn. Tiền vé đi phà được thu ở đầu bến Bình Quới với xe máy 4.000đ/lượt
Đi phà từ Thanh Đa sang Thủ Đức có thú vị không? Xin thưa, rất thú vị. Bởi quãng sông đó vẫn còn những rặng dừa nước, và đây cũng là quãng sông ngắm hoàng hôn rơi trên sông Sài Gòn đẹp yên bình.
Phà nối Bình Quới và Thủ Đức ngang sông Sài Gòn vẫn còn cảnh quê với những bụi dừa nước, dẫu xa xa nhiều dự án bất động sản nổi lên
Những bến đò ngang giờ được khai thác bằng những phà nhỏ qua sông như Bình Quới, An Phú Đông… đang làm cho Sài Gòn có những nét duyên dáng. Để người Sài Gòn vẫn có thể vui với một phần mảnh đất sông nước, rằng Sài Gòn vẫn còn đó những bến đò. Dẫu không còn tiếng vẳng nào từ quá khứ như cụ Tú Xương viết: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai. Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò”; nhưng những chuyến phà đã phần nào trở thành nhịp sống, thành ký ức vĩnh cửu trong tâm khảm nhiều người Sài Gòn.
Hoàng hôn trên sông Sài Gòn nhìn từ phà Bình Quới
TP.HCM có thể phát triển hơn nữa và vẫn có nhiều phương cách để giữ lại những câu chuyện lịch sử, văn hoá của Sài Gòn. Cầu vẫn hãy cứ xây, những bến đò vẫn giữ lại đó cho những ai muốn qua sông, muốn… luỵ đò, muốn tìm về kỷ niệm.
Bến Linh Đông, Thủ Đức
Ngoài hai bến phà lớn là Cát Lái và Bình Khánh, toàn TP.HCM hiện có 30 bến khách ngang sông (hay theo cách gọi dân dã là bến đò). Các bến tập trung tại các quận: 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức; huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ; trong đó nhiều nhất là huyện Củ Chi với bảy bến. Tất cả các bến đò đều được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cấp phép. Trong quy hoạch tương lai về mạng lưới đường thuỷ và cảng bến TP.HCM các bến đò, bến phà sẽ có cầu thay thế. |