Từ ngày 1-3, nhiều chặng bay trong nước tăng giá vé

(PLO)- Các hãng hàng không chính thức tăng giá vé máy bay nội địa từ ngày mai 1-3.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ ngày 1-3, các hãng hàng không chính thức tăng trần giá vé máy bay nội địa.

Theo Thông tư số 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, đường bay dưới 500 km giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư 17.

Cụ thể, các đường bay có khoảng cách dưới 500 km (nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội) có mức giá trần là 1.600.000 triệu đồng/vé/chiều; các đường bay khác dưới 500 km là 1.700.00 đồng/vé/chiều.

Nhiều chặng bay trong nước tăng giá vé từ ngày 1-3-2024. Video: P.ĐIỀN

Với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều. Đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều. Đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều.

Như vậy, các nhóm đường bay từ 850km đến 1.280km trở lên có mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều (tùy độ dài từng đường bay), tương ứng giá vé trần nội địa tăng trung bình 3,75% so quy định hiện hành.

Từ ngày 1-3, các hãng hàng không Việt Nam chính thức tăng giá vé
Từ ngày 1-3, các hãng hàng không Việt Nam chính thức tăng giá vé trên đường bay nội địa. Ảnh: P.ĐIỀN

Đại diện các hãng hàng không cho rằng điều chỉnh tăng giá vé lần này để các hãng hàng không bù đắp được chi phí đầu vào của hàng không bởi giá nhiên liệu trong vòng 10 năm qua tăng liên tục, chưa kể chênh lệch tỉ giá và thanh toán đều bằng USD. Bên cạnh đó, việc tăng giá vé trần sẽ giúp các hãng mở thêm nhiều dải giá cho các thời điểm mở bán vé khác nhau trên các chuyến bay.

Các đại lý phản ánh dù sau cao điểm tết nhưng vé trên nhiều chặng bay vẫn rất cao do tần suất khai thác các hãng giảm. Việc tăng giá vé trần thời điểm này có lợi cho các hãng hàng không nhưng tăng thêm chi phí cho khách hàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút.

Chị Hoàng Vi, phụ trách đại lý vé cấp 1 tại TP.HCM, cho biết qua rằm tháng Giêng nhưng vé máy bay vẫn chưa hạ nhiệt. Nhiều chặng bay từ Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội đi TP.HCM vẫn đông khách, thậm chí không còn vé.

Sau tết, các hãng hàng không trả 15 thuê ướt phục vụ khách đông giai đoạn cao điểm, đồng thời tháo dỡ động cơ dòng máy bay chủ lực A321 để bảo dưỡng theo khuyến cáo của nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney.

Đội bay giảm mạnh sau tết

Phía Vietnam Airlines cho biết hãng có 24 động cơ, tương ứng 12 máy bay nằm sân để bảo dưỡng động cơ. Tương tự, đội bay của hãng Vietjet với 105 chiếc, khai thác dòng máy bay thân hẹp A320/321 là chủ đạo. Tuy nhiên, hãng này chưa công bố số động cơ bảo dưỡng.

Việc các hãng thu hẹp đội bay do bên cho thuê đòi, cộng thêm số máy bay nằm sân để bảo dưỡng động cơ nhiều làm sụt giảm tải nhanh trên đường bay nội địa. Trong khi lượng khách đi lại vẫn cao, cung lệch cầu nên giá vé vẫn giữ mức cao.

Nguyên nhân các hãng cắt giảm hàng loạt đường bay, giảm tần suất khai thác là do tháo động cơ để bảo dưỡng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ngoài ra, do khách giảm nên các hãng điều chỉnh lịch khai thác, đưa máy bay đi bảo dưỡng và thực hiện chế độ phép cho người lao động đã làm việc xuyên tết.

.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm