Ngày 8-9, TAND tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm lần hai đã tuyên bố Đặng Thanh Tuấn (sinh năm 1999, ngụ huyện Dương Minh Châu) không phạm tội hiếp dâm trẻ em như VKS truy tố và trả tự do cho em Tuấn ngay tại tòa.
Hai đứa trẻ “yêu sớm”
Theo hồ sơ, ở gần nhà nhau nên Tuấn với em N. nảy sinh tình cảm. Tháng 7-2015, cả hai hẹn nhau vào nhà nghỉ để “khám phá về giới tính”. Sau đó, cả hai tiếp tục hẹn hò đến nhà nghỉ sau khi học bài xong. Đến ngày 9-11-2015, gia đình em N. phát hiện sự việc và tố cáo ra công an. Kết quả điều tra xác định từ ngày 25-7 đến 7-11-2015, Tuấn đã sáu lần “quan hệ” với em N.
Giữa năm 2016, TAND tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm lần đầu đã phạt Tuấn tám năm tù về tội hiếp dâm trẻ em (lúc phạm tội Tuấn mới hơn 16 tuổi). Sau đó, Tuấn và gia đình kháng cáo đề nghị xem lại độ tuổi thật của em N.
Tại phiên phúc thẩm lần đầu của TAND Cấp cao tại TP.HCM cuối năm 2016, luật sư của Tuấn cho rằng Tuấn không phạm tội vì em N. đã trên 13 tuổi. Em N. có tới hai giấy khai sinh ghi năm sinh bất nhất. Sau khi sinh, người mẹ giao em cho ông ngoại nuôi. Ông ngoại lại giao em cho một người khác nuôi và người này đã làm giấy khai sinh ghi em sinh năm 2004. Sau đó, mẹ em N. đưa em về nhà nuôi, làm lại giấy khai sinh cho em ghi sinh năm 2002… Từ đó, luật sư đề nghị cần phải giám định xương đối với em N. mới đảm bảo chính xác tuổi của em. Đồng tình, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy bản án sơ thẩm để giám định lại tuổi của nạn nhân.
Em Tuấn (thứ hai từ trái sang) cùng người nhà vui mừng vì được trắng án hiếp dâm trẻ em. Ảnh: H.YẾN
Phải áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo
Theo kết quả giám định xương, em N. có độ tuổi từ 14 năm bốn tháng đến 14 năm 10 tháng. CQĐT và VKS đều cho rằng độ tuổi 14 năm bốn tháng phù hợp với tài liệu, chứng cứ thu thập được, còn 14 năm 10 tháng thì không phù hợp. Do đó, hai cơ quan này cho rằng phải áp tuổi của em N. là 14 năm bốn tháng và như vậy tính ra lần “quan hệ” đầu tiên với Tuấn, em N. chỉ mới 12 năm chín tháng ba ngày tuổi. Vì thế, hai cơ quan xác định hành vi của Tuấn đã đủ yếu tố cấu thành tội hiếp dâm trẻ em.
Tại phiên sơ thẩm lần hai hôm qua, VKS đề nghị phạt Tuấn từ tám đến 10 năm tù. Luật sư của Tuấn phản đối, lập luận căn cứ theo kết quả giám định, nếu tính ngược lại thời điểm “quan hệ” với Tuấn thì em N. có độ tuổi từ 12 năm 10 tháng đến 13 năm bốn tháng. Do Tuấn chưa đủ 18 tuổi nên nếu áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo thì khi “quan hệ” em N. đã 13 năm bốn tháng tuổi. Khi đó, Tuấn không phạm tội hiếp dâm trẻ em cũng như tội giao cấu với trẻ em (tội giao cấu với trẻ em chủ thể phải là người đã thành niên trong khi thời điểm đó Tuấn chưa thành niên)...
Theo HĐXX, căn cứ vào tài liệu hồ sơ vụ án và theo hướng dẫn cách tính tuổi theo Thông tư liên tịch số 01/2011 thì ngày “quan hệ” đầu tiên nạn nhân đã 13 tuổi ba tháng ba ngày. Vì vậy Tuấn không phạm tội hiếp dâm trẻ em theo Điều 112 BLHS như VKS truy tố. Mặt khác, Tuấn mới hơn 16 tuổi, hai bên quan hệ tự nguyện nên Tuấn cũng không phạm tội giao cấu với trẻ em theo Điều 115 BLHS. Từ đó, HĐXX đã tuyên án như trên.
Khi sinh con, người mẹ chưa 14 tuổi Tại phiên phúc thẩm vụ án cuối năm 2016, HĐXX nhận thấy cần phải điều tra ai là thủ phạm “quan hệ” với mẹ em N. và sinh ra em lúc chị này chưa 14 tuổi để xem xét xử lý hình sự. Về nội dung này, CQĐT làm rõ: Người mẹ khai cha em N. tên là NTP, ngụ huyện Hòa Thành. Làm việc với công an, ông P. thừa nhận có quan hệ tình cảm với mẹ em N. nhưng không nhớ thời gian cụ thể, năm “quan hệ”, năm mẹ em N. mang thai… Sau khi biết tin bạn gái có thai, ông P. hứa cưới nhưng rồi cao bay xa chạy. Theo CQĐT, ông P. có hành vi quan hệ tình dục với mẹ em N. khi chị này chưa đủ 13 tuổi. Dù quan hệ đồng thuận nhưng hành vi của ông P. đã có dấu hiệu phạm tội hiếp dâm trẻ em. Đây là loại tội phạm nghiêm trọng và còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, xét quan hệ giữa hai bên diễn ra đã lâu, hai bên đều đã có gia đình riêng, cuộc sống ổn định, hạnh phúc, bản thân ông P. khi quan hệ tin lời mẹ em N. nói đã 16 tuổi cũng như chị này nay không có yêu cầu xử lý hình sự với ông P. Vì vậy, CQĐT quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông P. vì không còn gây nguy hiểm cho xã hội theo Điều 25 BLHS. Xác định tuổi của người chưa thành niên ra sao? Theo Thông tư liên tịch số 01/2011 của VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ LĐ-TB&XH, việc xác định tuổi của bị can, bị cáo chưa thành niên phải theo nguyên tắc có lợi nhất cho họ. Còn với người bị hại chưa thành niên, nếu xác định được tháng sinh cụ thể của họ nhưng không xác định được ngày sinh trong tháng đó thì lấy ngày 1 của tháng đó làm ngày sinh. Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong quý đó thì lấy ngày 1 của tháng đầu của quý đó làm ngày sinh. Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày 1 tháng Giêng hoặc ngày 1 tháng Bảy tương ứng của năm đó làm ngày sinh. Nếu xác định được năm cụ thể nhưng không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày 1 tháng Giêng của năm đó làm ngày sinh. Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định độ tuổi. |