Ngày 26-1, TAND TP Cần Thơ xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà T. (đã chết năm 2019, có các đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà) và bị đơn là anh em ông Nguyễn Thanh Sơn và ông Đ. Vụ án được đưa ra xét xử do có kháng cáo của cả nguyên đơn và bị đơn.
Phiên tòa phúc thẩm được mở sau hơn tám năm có bản án sơ thẩm. Sở dĩ vụ án bị kéo dài do trong khoảng thời gian này có nhiều cơ quan trung ương tham gia giải quyết khiếu nại, sau đó có một vụ kiện hành chính liên quan và nguyên đơn qua đời.
Tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu
Theo bản án sơ thẩm năm 2012, phía bà T. trình bày bà có phần đất diện tích hơn 4.200 m2 tại quận Ô Môn, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt sổ hồng) năm 2010. Quá trình quản lý, sử dụng, phía gia đình bà T. cho các hộ gia đình bị đơn ở nhờ trên diện tích hơn 700 m2. Trong đó, ông Sơn quản lý 445 m2, tự ý cơi nới thêm 142,5 m2, em ông Sơn quản lý 90,6 m2, ông Đ. quản lý hơn 27 m2. Phía nguyên đơn yêu cầu bị đơn tháo dỡ nhà, công trình trên đất để trả lại hơn 700 m2 đất nêu trên.
Các bị đơn trình bày nguồn gốc đất các ông sử dụng là của chị bà T. cho mẹ và bà của các ông thuê từ trước năm 1975. Khoảng năm 1979-1980 người này xuất cảnh và cũng không làm bất cứ giấy tờ gì để giao lại phần đất các ông đang sử dụng cho ai quản lý. Tuy vậy, không hiểu sao UBND quận và TP lại giải quyết cho bà T. được đứng tên trên sổ hồng cả phần đất gia đình các ông sử dụng từ đó đến nay, có đóng thuế hằng năm cho Nhà nước.
Các bị đơn không đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn và yêu cầu thu hồi sổ hồng của bà T., công nhận quyền sử dụng đất cho ông Sơn là 587,5 m2, em ông Sơn 90,6 m2 và ông Đ. hơn 27 m2.
Xử sơ thẩm vào năm 2012, TAND quận Ô Môn chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc anh em ông Sơn và ông Đ. phải trả giá trị quyền sử dụng đất cho nguyên đơn là hơn 2,8 tỉ đồng, các bị đơn được tiếp tục ổn định sử dụng nhà, đất.
Sau đó các bên đều có kháng cáo. Phía nguyên đơn yêu cầu trả lại đất. Phía bị đơn yêu cầu được công nhận quyền sử dụng đất.
Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Sơn sau khi tòa phúc thẩm tuyên án. Ảnh: NHẪN NAM
Giải quyết khiếu nại và nảy sinh một vụ án hành chính
Trước khi xử sơ thẩm năm 2012, ông Sơn đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan. Theo đó, Ban Dân nguyện - Ủy ban Quốc hội đã đi giám sát và có báo cáo kết quả giám sát dài 18 trang, phân tích kỹ về nguồn gốc đất, quá trình giải quyết vụ việc và đề xuất hướng xử lý.
Sau đó, Ban Dân nguyện có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xem xét, giải quyết lại vụ việc. Kế đó, Phó Thủ tướng giao cho Bộ TN&MT chủ trì việc giải quyết khiếu nại…
Năm 2015, Bộ TN&MT gửi công văn cho Thủ tướng, trong đó đề xuất Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Cần Thơ giải quyết theo hướng chỉ đạo UBND quận Ô Môn thu hồi sổ hồng năm 2010 của bà T.; công nhận việc hòa giải thành tranh chấp đất đai giữa gia đình bà T. và ông Đ.; công nhận cho em ông Sơn được sử dụng 90,5 m2, công nhận cho ông Sơn được quyền sử dụng 349 m2, công nhận cho gia đình bà T. được tiếp tục sử dụng 149 m2 (gia đình đang sử dụng) và 90 m2 đất do gia đình ông Sơn tự nguyện trả lại.
Cuối năm 2015, Phó Thủ tướng đồng ý với kiến nghị trên của Bộ TN&MT. Giữa năm 2016, Bộ TN&MT có văn bản hướng dẫn UBND TP Cần Thơ thực hiện việc giải quyết khiếu nại trên. Kế tiếp, UBND TP Cần Thơ ban hành quyết định, trong đó có điều khoản công nhận cho anh em ông Sơn sử dụng diện tích như trên. Từ đó, bà T. khởi kiện hành chính quyết định trên và được TAND cấp sơ, phúc thẩm chấp nhận yêu cầu, hủy nội dung công nhận trên…
Sau khi có bản án hành chính phúc thẩm thì các bên yêu cầu giải quyết phúc thẩm tiếp vụ tranh chấp đất này.
Tạm kết thúc vụ kiện
Tại tòa phúc thẩm hôm 26-1, phía nguyên đơn cho rằng vụ án đã kéo dài quá lâu nên đề nghị chia đôi phần đất ông Sơn đang sử dụng, mỗi bên được 219 m2 đất, không tính phần đất có nhà ở của em ông Sơn. Phía ông Sơn không đồng ý mà cho rằng chỉ chấp nhận như đã thỏa thuận khi có đoàn của Bộ TN&MT vào giải quyết trước đó.
Sau khi xét xử phúc thẩm, HĐXX nhận định vụ kiện kéo dài do có khiếu nại và vụ kiện hành chính. Diện tích tranh chấp hơn 700 m2 nhưng đến giai đoạn xử phúc thẩm ông Đ. đã thỏa thuận được với nguyên đơn.
Tòa nêu lại nguồn gốc đất, chính sách về quản lý đất đai qua các thời kỳ và xác định phần đất tranh chấp phía nguyên đơn không trực tiếp sử dụng. Do đó, cấp sơ thẩm buộc các bị đơn phải trả lại giá trị đất là chưa có cơ sở.
Tòa dẫn lại các thỏa thuận của các bên trong quá trình Bộ TN&MT vào giải quyết khiếu nại và cho rằng các thỏa thuận này không trái pháp luật. Từ đó, tòa phúc thẩm tuyên chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, một phần kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm, công nhận cho ông Sơn được quyền sử dụng 349 m2, em ông Sơn được công nhận quyền sử dụng 90,5 m2. Các bị đơn được quyền kê khai đăng ký cấp sổ hồng theo quy định…
Tòa Tối cao nói về lý do quyết định hành chính bị hủy
Năm 2020, TAND Tối cao có thông báo cho anh em ông Sơn về giải quyết đơn đề nghị xem xét vụ án hành chính trên theo thủ tục giám đốc thẩm.
Trong đó, TAND Tối cao cho rằng lẽ ra khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP Cần Thơ chỉ cần có quyết định giao cho UBND quận Ô Môn thu hồi sổ hồng của bà T. để điều chỉnh và cấp lại cho đúng diện tích, đúng đối tượng. Nhưng chủ tịch UBND TP lại công nhận quyền sử dụng đất cho anh em ông Sơn trong khi phần đất này đang nằm trong sổ hồng của bà T. mà giấy này chưa bị thu hồi, hủy bỏ là không đúng.
Do đó, khi bà T. khởi kiện yêu cầu hủy một phần nội dung liên quan đến nội dung công nhận quyền sử dụng đất cho anh em ông Sơn, tòa án cấp sơ và phúc thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện là đúng.
Từ đó, TAND Tối cao cho rằng không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.