Theo kết luận điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng bị đề nghị truy tố tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Cơ quan điều tra Công an TP HCM ghi nhận các yêu cầu của những bị hại mà bà Hằng sử dụng 12 kênh mạng xã hội xúc phạm danh dự, uy tín. Trong đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng yêu cầu bà Hằng cùng đồng phạm bồi thường 43 tỉ đồng cho những tổn thất mà ông phải gánh chịu; vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên đòi bồi thường tổn thất tinh thần 14,9 tỉ (nhưng sau đó Thủy Tiên phủ nhận việc này). Những cá nhân khác như ca sĩ Vy Oanh, nghệ sĩ Hoài Linh… không đề cập đến yêu cầu bồi thường mà chỉ yêu cầu bà Hằng công khai xin lỗi do phát ngôn xúc phạm trên mạng xã hội.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng yêu cầu bà Phương Hằng cùng đồng phạm bồi thường 43 tỉ đồng cho những tổn thất mà ông phải gánh chịu. |
Yêu cầu thì dễ ợt mà, bao nhiêu cũng được, nhưng đáp ứng được chừng nào thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố; yếu tố cuối cùng là giở sách luật ra mà coi, mà áp dụng. Vậy tóm lại danh dự đáng giá bao nhiêu?
Từ xa xưa, danh dự là giá trị mang theo mỗi con người, nó như bản sắc, như máu thịt. Có nhiều khái niệm khác nhau về danh dự nhưng ở mức độ thông thường, thông qua sự vận hành và thừa nhận của xã hội, chúng ta có thể thấy danh dự là sự coi trọng, đánh giá cao của dư luận xã hội đối với một người dựa trên các giá trị tinh thần, đạo đức của người đó.
Tất nhiên giá trị đó được phô diễn và đem ra cống hiến cho xã hội chứ không phải giấu kín, cất đi thì không ai biết và không có cơ hội để được thừa nhận. Và rõ ràng, giá trị ở đây hướng đến điều tốt đẹp và tránh xa điều xấu.
Khi đã có được giá trị về tinh thần và đạo đức và được xã hội công nhận thì người sở hữu giá trị đó luôn luôn gìn giữ và bảo vệ. Giá trị cá nhân được phổ quát và ảnh hưởng đến giá trị chung của xã hội, vì thế đã được pháp luật công nhận và bảo vệ, điều này được thể hiện nhiều trong nhiều quy định pháp luật khác nhau, từ đạo luật cao nhất là Hiến pháp cho đến các quy định pháp luật chuyên ngành.
Nhắc đến danh dự là nói đến nhân phẩm. Nếu danh dự là sự coi trọng, đánh giá cao của dư luận xã hội đối với một người thì nhân phẩm là giá trị làm người, Danh dự là kết quả của quá trình xây dựng và bảo vệ nhân phẩm.
Như vậy, càng về lâu dài, nhân phẩm ngày càng dày thêm thì danh dự cũng lớn lên theo, đó là cả một quá trình. Danh dự làm cho con người có tiếng tăm hơn, dòng họ gia đình được mọi người quý trọng và biết đến nhiều hơn so với những cá nhân khác.
So sánh với nhu cầu của Tháp Maslow thì danh dự có mặt ở bậc ba đến bậc năm - là bậc cao nhất. Ai cũng muốn có những mối quan hệ tốt đẹp, sợ mất đi mối quan hệ tốt đẹp đó; ai cũng muốn mình được tôn trọng, không muốn bị bài trừ; ai cũng muốn được thể hiện bản thân với những giá trị tốt đẹp và muốn được xã hội công nhận giá trị đó.
Không kiện nhưng vẫn thắng
Hẳn chúng ta còn nhớ một nhà sư tên là Furba Tamang đã bị nữ diễn viên người Nepal Miruna Maga lăng mạ, sỉ nhục tại một sự kiện đông người ở Nepal.
Qua hình ảnh dễ dàng thấy nhà sư bị lăng mạ, chửi rủa, bị tát thẳng tay. Nhà sư có kiện đòi không? Nếu kiện, nhà sư có thắng không?
Thế nhưng cuối cùng nhà sư chỉ cúi đầu xin lỗi và chọn không làm lớn chuyện. Sư không áp dụng luật trong đời mà có lẽ, sư xem luật và đời với một góc nhìn khác. Luật là Đời và Đời cũng là Luật, nhẹ tựa như mây.
Không kiện, nhưng nhà sư đã thắng tuyệt đối, đã thu phục nhân tâm tuyệt đối.
Theo diễn tiến thường tình thì nhu cầu của con người chỉ có tiến lên chứ không thể đi lùi, vậy nên người ta luôn cố công bảo vệ danh dự, Nhân phẩm, bằng mọi giá. Danh dự, Nhân phẩm và uy tín của con người là định tính, vì thế không thể đo lường hay đánh đổi được. Danh dự cũng không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chức vụ, nghề nghiệp, giới tính. Đó là sự bình đẳng vốn có của con người và được pháp luật thừa nhận.
Nhưng, thực tế một người có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng xuất chúng, có chức vụ càng cao thì uy tín, danh dự trong xã hội càng lớn. Điều này cũng là định tính và do người đời tự ám thị chứ không có cơ sở khoa học hay pháp lý nào minh chứng cho sự đo đếm này.
Trong những buổi livestream, bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người. Ảnh cắt từ clip |
Để xác định giá trị danh dự về mặt xã hội học thì phải nói lại và rộng hơn một một chút. Giá trị của danh dự là chủ quan và có thể thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào văn hóa, truyền thống và niềm tin cá nhân.
Nói chung, danh dự thường gắn liền với ý thức về nhân phẩm, sự tôn trọng và tính toàn vẹn. Nó có thể được coi là thước đo tư cách đạo đức và luân lý của một người, và thường được đánh giá cao trong nhiều xã hội.
Đối với một số cá nhân, danh dự có thể đáng để hy sinh lợi ích cá nhân hoặc thậm chí cả mạng sống của họ để duy trì danh tiếng và nâng cao giá trị của họ. Ở một số nền văn hóa nhất định, danh dự cũng có thể gắn liền với địa vị gia đình hoặc cộng đồng và có thể được coi là trách nhiệm tập thể.
Để trả lời chính xác câu hỏi danh dự đáng giá bao nhiêu cho sự việc vừa qua thì chắc chắn không thể dựa vào sự cảm tính của xã hội hay sự tự định giá của mỗi cá nhân bị hại, mà, giá của danh dự chắc chắn chỉ dựa trên cơ sở pháp luật.
Phân chia thành hai dạng sau đây: Một là, trong trường hợp có tranh chấp các bên tự thoả thuận giá trị đền bù cho danh dự bị ảnh hưởng. Nếu thoả thuận được thì một ngàn đồng hay một trăm tỷ đồng cũng là giá trị danh dự. Nó đã được ấn định và thoả thuận dựa trên sự tự nguyện, không cưỡng ép.
Trường hợp hai, các bên không thoả thuận được mà phải ra toà để xác định thì ngoài việc các bên có yêu cầu về giá trị thì cơ quan tài phán sẽ phải dựa vào luật để xác định nhằm phán quyết định lượng dựa trên cơ sở vững chắc của pháp lý.
Theo đó, ngoài dấu hiệu hình sự (nếu có) vì đã làm ảnh hưởng chung mối quan hệ xã hội thì người có hành vi vi phạm có thể bị phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy tố và nhận mức án phù hợp thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng… Giải quyết việc bồi thường, tòa án sẽ căn cứ vào các cơ sở pháp lý như Điều 9 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.
Nhìn ra thế giới, sẽ không lạ với những vụ kiện về tội phỉ báng hoặc đền bù về danh dự. Cụ thể Johnny Deep thắng kiện vợ cũ 15 triệu USD khi đòi bồi thường danh dự, Elon Musk thắng vụ kiện phỉ báng thợ lặn, ngôi sao Trung Quốc Triệu Lệ Dĩnh kiện antifan… Họ kiện và đã định giá được bằng tiền.
Chắc hẳn, chúng ta không quên cú tát gây bão của Will Smith dành cho Chris Rock vì Chris Rock trêu đùa mái tóc của Jada Pinkett Smith. Will Smith đã đánh đổi uy tín cá nhân để bảo vệ danh dự cho Jada Pinkett Smith và cho cả bản thân mình?
Cuối cùng, giá trị của danh dự là một vấn đề cá nhân hoá rất sâu sắc và bị ảnh hưởng, chi phối bởi một loạt các yếu tố như giáo dục, tôn giáo và chuẩn mực xã hội, địa lý. Một số người có thể coi trọng danh dự và cho rằng nó đáng được bảo vệ và đền bù bằng mọi giá; trong khi những người khác có thể ưu tiên các giá trị khác như tự do cá nhân hoặc cốt lõi của tầng cao hạnh phúc.