TS Trần Thăng Long (khoa Luật quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM) gửi cho Pháp Luật TP.HCM bài viết nhằm cung cấp những thông tin cần thiết.
Không có tòa án phân xử quốc gia
Trong quan hệ quốc tế, các tranh chấp giữa các quốc gia về lãnh thổ, biên giới, bảo hộ ngoại giao… không phải là hiếm. Bên cạnh các biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế bằng con đường hòa bình, các biện pháp tư pháp cũng được các quốc gia áp dụng.
Tuy nhiên, nguyên tắc chủ quyền quốc gia đã loại trừ mọi khả năng một quốc gia bị xét xử bởi một tòa án của quốc gia khác hoặc bởi một tòa án quốc tế. Nói cách khác là không thể có một cơ chế tòa án nào có thẩm quyền phân xử quốc gia cả. Ngoại lệ cho các trường hợp này là việc các quốc gia đồng ý với nhau để đưa vụ kiện ra phân xử bằng một thiết chế tòa án (chẳng hạn tòa án công lý quốc tế của Liên Hiệp Quốc).
Ông Trịnh Vĩnh Bình. Ảnh: Internet
Còn trong các tranh chấp thương mại quốc tế nói chung thì cũng không có cơ chế tòa án nào có thể phân xử quốc gia mà chỉ có thể là các cơ chế trọng tài (Arbitration).
Trọng tài khác tòa án
Trọng tài quốc tế là một cơ chế giải quyết tranh chấp phi chính phủ (non-governmental) được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực luật pháp quốc tế tư như tư pháp quốc tế, thương mại quốc tế, đầu tư… Mặc dù về tên gọi các tòa trọng tài đều được gọi chung là tòa (Court) nhưng về bản chất thì không giống như tòa án quốc tế.
Cơ chế trọng tài có mấy điểm sau:
Thứ nhất, cần có sự phân biệt giữa khái niệm "Tổ chức trọng tài" và "Hội đồng trọng tài". Tổ chức trọng tài là cơ quan giám sát và quản lý hoạt động giải quyết tranh chấp, lưu giữ danh sách trọng tài viên và quan trọng là ban hành quy tắc tố tụng trọng tài. Thông thường các tổ chức trọng tài uy tín được thành lập trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp của một quốc gia nào đó (Chamber of Commerce and Industry), chẳng hạn như Tòa Trọng tài quốc tế của ICC (International Chamber of Commerce).
Tòa Trọng tài (Tribunal) là những hội đồng cụ thể có chức năng giải quyết tranh chấp một khi các bên tranh chấp chọn lựa tòa trọng tài đó để giải quyết.
Thứ hai, trọng tài thương mại quốc tế thường có hai loại là trọng tài theo vụ việc (ad hoc) và trọng tài thường trực (permanent). Các bên tranh chấp có thể chọn lựa một trong hai cơ chế này.
Nếu chọn lựa trọng tài ad hoc, hội đồng trọng tài (tribunal) có thể gồm một trọng tài viên (sole arbitrator) hoặc ba trọng tài viên. Các bên có quyền tự do chọn lựa luật áp dụng, quy tắc tố tụng, thời gian và địa điểm giải quyết tranh chấp.
Nếu chọn trọng tài thường trực thì sẽ sử dụng quy tắc tố tụng của cơ quan trọng tài đó. Ví dụ cơ chế và quy tắc tố tụng của giải quyết tranh chấp về đầu tư giữa các quốc gia và công dân quốc gia khác ICSID, Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế La Haye, trung tâm trọng tài thuộc Phòng Thương mại Stockholm (SCC), Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Úc (ACICA), Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC). Đồng thời, các bên sẽ chọn lựa các trọng tài viên từ danh sách trọng tài viên do tổ chức trọng tài lưu giữ.
Giải quyết nhiều loại tranh chấp
Thứ ba, cơ sở pháp lý của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là các điều khoản về trọng tài được quy định trong hợp đồng hoặc hiệp định quốc tế giữa các quốc gia liên quan. Ngay cả không có những quy định như vậy thì khi xảy ra tranh chấp, các bên cũng có thể đi đến thỏa thuận đồng ý giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Chẳng hạn, theo Điều 9 Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Việt Nam và Hà Lan năm 1994 thì các tranh chấp giữa một bên ký kết với công dân của bên ký kết kia thì nếu có thể sẽ được giải quyết bằng hòa giải. Nếu tranh chấp đó không được giải quyết theo khoản 1 điều này thì vụ tranh chấp sẽ được đưa ra Tòa án trọng tài Ad-hoc (khi một bên đề nghị). Tòa trọng tài này được thành lập theo thỏa thuận đặc biệt hoặc theo quy tắc trọng tài của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại quốc tế.
Thứ tư, về thẩm quyền, các tòa trọng tài giải quyết các tranh chấp giữa thể nhân, pháp nhân với nhau. Tòa trọng tài có thể giải quyết tranh chấp giữa thể nhân, pháp nhân với nhà nước, như các tranh chấp về đầu tư. Tuy nhiên điều này đòi hỏi quốc gia phải từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp của mình và được thể hiện minh thị trong hợp đồng hay hiệp định đầu tư quốc tế. Trường hợp này, tòa trọng tài chỉ có thể giải quyết những vấn đề liên quan đến thương mại và đầu tư mà phần lớn là về đối xử công bằng, thỏa đáng với nhà đầu tư, về việc áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc hoặc về các biện pháp truất hữu.
Tòa trọng tài cũng có thể giải quyết các tranh chấp giữa nhà nước với nhà nước như tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển 1982. Nhưng điều kiện tiên quyết là các quốc gia cần phải đồng ý chấp nhận và trao cho tòa thẩm quyền phân xử vụ kiện của mình. Thậm chí vẫn có khả năng vụ kiện được phân xử mà không có sự có mặt của một bên tranh chấp với lý do khả năng chấp nhận vụ kiện đã được xác định từ trước, chẳng hạn như vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc.