Đủ kiểu xây nhà trái phép ở Hóc Môn - Bài 2

Tự xưng nguyên thanh tra xây dựng ra giá xây nhà không phép

“Chỉ cần có khách tìm đến mua đất hay nhà là những “cò” môi giới sẽ nhanh chóng tiếp cận. Họ đảm bảo khách cứ mua đất là được bảo kê xây nhà, ai tin lời là lãnh đủ, tiền mất tật mang” - một người dân ở Hóc Môn tiết lộ với PVPháp Luật TP.HCM.

Những tiết lộ từ “cò”

Để tìm hiểu, chúng tôi đóng vai người có nhu cầu mua đất xây nhà tại Hóc Môn và được nhiều người giới thiệu đến gặp bà B., khoảng 60 tuổi, là “cò” môi giới nhà, đất có tiếng tại xã Xuân Thới Thượng.

Trưa 29-10, bà B. đón chúng tôi tại một cây xăng trên đường Phan Văn Hớn. Sau khi giới thiệu nhiều lô đất trống và nhà xây sẵn trên địa bàn huyện, bà B. dẫn chúng tôi đến xem một lô đất tại ấp 7, xã Xuân Thới Thượng của ông Nguyễn Văn Ngh. Điều đáng nói là ngay cạnh lô đất này là hai lô khác, trên đó có hai căn nhà đã bị chính quyền địa phương tháo dỡ vì xây dựng không phép.

bà B. tư vấn hai miếng kia có người mua rồi, đang chuẩn bị xây cất tiếp. Miếng còn lại rất đẹp, bán nhanh giá 850 triệu đồng. diện tích đất là ngang hơn 4 m, dài hơn 16 m.

Khi chúng tôi nói lô đất này là đất trồng cây lâu năm, không được phép xây dựng thì bà B. liên tục trấn an. Bà B. cho biết đây là đất trồng cây lâu năm nhưng lo lên thổ cư được và có người đã lo lên rồi. “Mấy con yên tâm, ở đây người ta làm nhiều lắm. Con mua đi, cô giới thiệu cho mấy người đảm bảo việc xây dựng, hồi trước là 70-80 triệu đồng/căn nhưng giờ chắc phải 120 triệu đồng” - bà nói.

Bà B. tiếp tục dẫn chúng tôi đến xem một khu nhà ở ấp 2, xã Xuân Thới Thượng. Tại đây bà B. giới thiệu chúng tôi cho một “cò” môi giới khác tên T., khoảng 50 tuổi. Ông T. dẫn chúng tôi và cả bà B. đến xem một căn nhà rộng hơn 30 m2 trong dãy nhà khoảng 10 căn ngay chỗ ông đang ở.

Theo ông T., một căn nhà ở đây có giá hơn 1,2 tỉ đồng, mua bán qua vi bằng và bao không tranh chấp, không bị chính quyền tháo dỡ. “Nhà này móng cứng lắm, tường riêng chứ không phải liền kề. Không có giấy phép xây dựng nhưng chung chi nên mới được xây. Nguyên dãy xây năm năm rồi, không ai đập đâu” - ông T. nói thẳng.

Một ngôi nhà trái phép bị cưỡng chế tháo dỡ ở Hóc Môn (ảnh trên). “Cò” và những người tự xưng cán bộ nhà nước “bảo kê” xây nhà trái phép ở Hóc Môn (ảnh dưới). Ảnh: KC - TS

Ra giá làm sổ hồng

Thấy chúng tôi vẫn lo lắng khi mua nhà xây không phép, bà B. liền gọi điện thoại cho một người mà bà nói tên là Tân và giới thiệu Tân là cán bộ công an. Để tăng tính thuyết phục, bà B. đã đưa điện thoại cho chúng tôi nói chuyện trực tiếp với Tân.

Theo Tân, đất muốn xây dựng được thì phải ra sổ hồng nhưng phải làm trong tháng 5-2020 đổ lại vì sau đó một sếp sẽ chuyển công tác, không làm được nữa. “Ra sổ hồng phải tốn 140 triệu đồng, trong vòng năm tháng sẽ ra được. Bên anh lấy trước 50%, khi nào ra biên nhận, ký tên sẽ lấy nốt phần còn lại” - Tân nói.

Ngay chiều 29-10, chúng tôi gặp Tân và được Tân dắt tới một quán cà phê trên quốc lộ 22 gặp một người xưng là Thọ. Thọ tự xưng là cựu cán bộ Phòng TN&MT Hóc Môn và cựu thanh tra xây dựng huyện. Theo Thọ, lô đất mà Tân giới thiệu mua bán chỉ có giấy tay nên khó “binh”, nếu đất có giấy tờ riêng thì làm vô tư. “Nếu lên thổ cư thì cũng được nhưng không dám chắc vì giờ người dân thưa kiện tùm lum. Ngay sát đó, anh cũng vừa lo được cho ông B. lên thổ cư, ra sổ hồng với giá 140 triệu đồng” - Thọ cho biết.

Trong thời gian tiếp xúc, Thọ luôn khoe mình có mối quan hệ thân thiết với các lãnh đạo huyện và đã lo được cho rất nhiều trường hợp. Thọ khẳng định khi anh ta đã lo thì không sợ bị cưỡng chế vì xây không phép. “Trước mình làm Phòng Tài nguyên, giờ ra ngoài làm kinh doanh. Trước nữa mình làm thanh tra xây dựng quận 12, rồi huyện Hóc Môn. Mình mà ở Hóc Môn thì phải làm cỡ trưởng phòng TN&MT là bình thường. Mình còn mạnh hơn mấy anh em ở ủy ban huyện, mấy anh em toàn phải nhờ ngược lại mình” - Thọ tự giới thiệu “tiểu sử” bản thân.

Ngoài ra, Thọ còn rao bán một lô đất khác có diện tích gần 70 m2 gần đó với giá 1,7 tỉ đồng. Theo Thọ, lô đất trên chưa có sổ nhưng bao sẽ ra sổ, chưa lên thổ cư nhưng vẫn xây dựng được, quan trọng là chịu chi tiền.

“Anh viết cho giấy bao xây không đập luôn”

Ngày 30-10, Tân lại hẹn gặp chúng tôi tại trước UBND xã Xuân Thới Sơn để tiếp tục dẫn đi xem nhiều lô đất giá rẻ nhưng sẽ lo xây dựng được. “Nãy anh mới đi đám chung với lãnh đạo xã đây. Xưa anh làm ở công an huyện rồi chuyển về đây, hiện thì về huyện làm lại rồi” - Tân vừa nói vừa chỉ tay về phía UBND xã.

Sau đó Tân dẫn chúng tôi đến một lô đất có diện tích 60 m2 tại ấp 4, xã Xuân Thới Sơn và ra giá 870 triệu đồng nhưng giảm 20 triệu đồng. Theo Tân, đất này có sổ chung, đất trồng cây lâu năm. “Thích thì đặt cọc 200 triệu đồng, anh viết cho cái giấy bao xây không đập luôn, cái này ra sổ được nha” - Tân khẳng định.

Để chúng tôi tin tưởng, Tân lý giải Thọ rất có tiếng nói với các sếp địa phương. “Một khi anh Thọ nói thì không ai dám chống lại. Ở Hóc Môn, anh Thọ chỉ làm giấy những vụ khó nhất mà khi biết là đất của sếp Thọ thì không ai dám đụng đến hoặc xử lý”.

Trong suốt thời gian dài chúng tôi tiếp xúc với Tân và Thọ, cả hai người này đều cho biết xã Xuân Thới Thượng đang là điểm nóng về xây dựng, rất khó để có thể xây dựng không phép. Tuy nhiên, chỉ có Thọ và Tân có thể làm được vì “có mối quan hệ gần gũi với lãnh đạo xã, huyện”.

Để xác minh Tân và Thọ có phải là cán bộ công an và cựu cán bộ Phòng TN&MT Hóc Môn như họ tự xưng hay không, chúng tôi đã gửi hình ảnh Tân và Thọ cho lãnh đạo UBND huyện để xác minh.

Đến cuối ngày 19-11, theo một lãnh đạo huyện Hóc Môn, kết quả xác minh ban đầu cho thấy việc Tân và Thọ hứa hẹn bảo kê xây dựng nhà trái phép là lừa đảo, người dân không nên tin để tránh tiền mất tật mang. “Huyện sẽ mời những người này lên làm việc để răn đe, củng cố hồ sơ và xử lý nếu có cơ sở” - lãnh đạo huyện Hóc Môn cho biết.

Còn ông Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Xuân Thới Thượng, thì khẳng định: “Không có việc cán bộ bắt tay với “cò” bảo kê xây nhà không phép. Nếu có đối tượng nào tự nhận có mối quan hệ với các lãnh đạo cơ quan nhà nước mồi chài xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn thì tôi mong muốn cơ quan công an vào cuộc điều tra, xử lý”.

“Bao” sổ hồng, “bao” xây không phép, xử lý thế nào?

Theo luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, đối với những người tự xưng là cán bộ công an, cựu cán bộ Phòng TN&MT để tạo niềm tin cho người mua nhà không phép thì dựa vào kết quả xác minh của cơ quan có thẩm quyền có thể sẽ xác định họ vi phạm thuộc các trường hợp sau:

Một là nếu những người này mạo danh nhằm tạo sự tin tưởng, như một thủ đoạn lừa dối nhằm chiếm đoạt tiền của người mua nhà thì có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai là nếu những người này sau khi nhận tiền thực hiện làm giả, sử dụng giấy tờ giả để hợp thức hóa hồ sơ nhằm qua mặt cơ quan nhà nước thì có thể bị xem xét về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Ba là nếu sau khi nhận tiền của người mua nhà, những người này làm trung gian móc nối bảo kê công trình xây dựng trái phép, dùng khoản tiền trên đi lo lót, hối lộ, câu kết với cán bộ cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ để cố ý làm trái quy định về điều kiện, quy trình cấp giấy chứng nhận, giấy phép… thì có thể bị truy cứu về hành vi đưa hối lộ. Đặc biệt, các cán bộ phụ trách giải quyết hồ sơ nếu có hành vi nhận hối lộ, câu kết bảo kê công trình xây dựng trái phép thì có thể bị xem xét, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội nhận hối lộ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... 

“Chung chi” nhưng nhà vẫn bị tháo dỡ

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Y. vừa bị UBND xã Xuân Thới Thượng yêu cầu tháo dỡ vì xây dựng không phép trên đất trồng cây lâu năm.

Theo lời bà Y., bà cùng chồng con từ quê vào lập nghiệp, dành dụm chút tiền mua đất của ông Ngh. (nằm sát lô đất mà bà B. giới thiệu với chúng tôi ở trên - PV). “Chúng tôi ở quê vào, gom chút tiền rồi dựng tạm nhà lá để có chỗ ra vào. Nghe người ta nói lo được vì khu này nhà nào cũng vậy, tôi đã bỏ ra 15 triệu đồng đưa họ. Lo xong cũng dựng lên được căn nhà vách lá, mái lá và khung sắt nhưng UBND xã liên tục xuống bắt buộc chúng tôi tháo dỡ. Tôi rất sợ nên đã tháo dỡ, giờ cả gia đình phải sống trong cái chòi tạm” - bà Y. kể.

Ông Lê Đình Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, cho biết nhà lá của bà Y. và nhà tạm của ông Ngh. được dựng trên đất nông nghiệp. Chính quyền địa phương xử lý những trường hợp này theo đơn khiếu kiện của người dân và vận động bà Y. tự tháo dỡ phần xây không phép trên đất nông nghiệp.

“Có người mua đất nông nghiệp của ông Ngh. và xây dựng kiên cố thì bị xử lý nên họ mới gửi đơn khiếu kiện những vi phạm trong phần đất bà y. mua của ông Ngh. xã xử lý theo đơn khiếu kiện của người dân trên cơ sở vận động, theo đúng quy định pháp luật” - ông Thịnh nói.

CƯỜNG-SANG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm