Từ xung phong bắt cướp đến hậu quả không ngờ

Trong việc truy bắt đối tượng phạm pháp quả tang cần quan tâm một số vấn đề mấu chốt. Trước hết, phải bảo đảm an toàn cho bản thân và những người khác, kể cả đối tượng bị truy đuổi. Việc mất mát một tài sản lớn là không ai muốn nhưng an toàn tính mạng của con người còn quan trọng hơn.

Việc sử dụng xe cộ hay phương tiện, vật dụng khác làm tổn thương nghiêm trọng đến đối tượng phạm pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Như trường hợp trên, ô tô rõ ràng là nguồn nguy hiểm cao. Nếu bắt trộm bằng những hung khí như dao, búa, gậy… hoặc nhiều người truy đuổi một người thì khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra những người liên quan khó mà giải thích là mình phòng vệ chính đáng.

Với một số hành vi phạm pháp quả tang, dù rất đáng lên án nhưng xét cho cùng kẻ phạm pháp không hẳn đã là tội phạm, ví dụ lần đầu trộm tài sản có giá trị chưa đến 2 triệu đồng. Nhiều người bức xúc với việc trộm chó nhưng nếu vì mất 1-2 con chó mà ra tay đánh chết hoặc gây tàn phế kẻ trộm thì đó là sự ra tay quá mức, xét cả lý và tình.

Thực tế có một số cá nhân mang tư tưởng phán quan, tự cho là mình hành hiệp trượng nghĩa nhưng về hành vi lại không bảo đảm ý nghĩa đó. Nếu chỉ nghe tiếng kêu đã nhảy vào đánh đấm quyết liệt một người đang chạy thì có thể nhầm to. Bản thân mỗi người phải thực sự tôn trọng tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người khác, không tùy tiện gây thương tích cho ai, đó mới là bảo vệ pháp luật thực sự.

Những lý giải trên đây không phải là sự thỏa hiệp hay e dè trước bọn tội phạm mà thực chất là phải ứng xử trước hành vi phạm pháp một cách phù hợp quy định của pháp luật hơn, tôn trọng các quyền cá nhân hơn. Ví dụ có thể truy đuổi nhưng phải bảo đảm an toàn cho mọi người, có thể tấn công nhưng phải giữ chừng mực và mục đích chỉ là khuất phục người bỏ chạy, chống cự. Ngoài ra có thể thực hiện nhiều biện pháp khác như ghi lại hình ảnh để làm bằng chứng, cung cấp thông tin mình biết cho cơ quan chức năng… Kết hợp hiểu biết pháp luật với sự nhiệt tình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thì kết quả đạt được mới thực sự tích cực.

• Việc bắt người phạm tội quả tang đối với người dân là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Do đó, người truy bắt người phạm tội quả tang cần cân nhắc, so sánh giữa một bên là giá trị tài sản bị chiếm đoạt và một bên là tính mạng, sức khỏe của người phạm tội quả tang.

Luật sư NGUYỄN MINH THUẬNĐoàn Luật sư TP.HCM

• Mọi công dân đều có quyền truy bắt tội phạm. Trong trường hợp cụ thể cần phân tích hành vi truy đuổi có vượt quá mức cần thiết hay không. Nếu vượt quá mức cần thiết thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự của người đuổi bắt sẽ dựa trên hậu quả xảy ra.

 Ông VÕ VĂN THÊMPhó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm