Ngày 16-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ việc các đối tượng đứng sau “bảo kê”, đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 3-2017.
Thủ tướng cũng yêu cầu bộ trưởng Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng trước ngày 20-3 về việc thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.
Lập chuyên án điều tra, Bộ Công an vào cuộc
Ngay trong chiều cùng ngày, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an tập trung điều tra làm rõ thông tin về việc chủ tịch tỉnh Bắc Ninh và một số lãnh đạo sở, ngành tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa sau khi quyết định dừng dự án nạo vét luồng kết hợp tận thu cát sỏi trên sông Cầu.
Thông tin tại buổi họp báo của UBND tỉnh Bắc Ninh, chiều 16-3, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Long khẳng định có việc nhắn tin đe dọa lãnh đạo tỉnh và cán bộ ban ngành của một số sở, ngành. Nguyên do dẫn đến sự đe dọa trên, theo ông Long, là bởi sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh trước tình trạng khai thác cát.
Ông Long cũng cho biết công an đã nhanh chóng tiếp cận các tin nhắn đe dọa do lãnh đạo chuyển giao. “Chúng tôi đã thành lập chuyên án để điều tra, tinh thần là xử lý nghiêm minh” - đại diện Công an tỉnh Bắc Ninh nói. Tuy nhiên, khi báo chí đề nghị cho biết thêm về nội dung các tin nhắn đe dọa thì ông Long cho hay “do tính chất nghiệp vụ nên không thể tiết lộ”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành, chuyện lợi dụng khai thác cát trái phép ở các con sông của tỉnh này, như sông Cầu, diễn ra công khai, phức tạp khiến nhân dân rất bức xúc, phản ánh lên chính quyền. Tại địa bàn đã từng xảy ra một vụ người dân đốt tàu của kẻ trộm cát.
“Mới đây, ngày 10-3, Công an huyện Lương Tài mới bắt được bốn tàu, việc bắt rất khó khăn vì các đối tượng hoạt động lén lút. Nếu chính quyền không quyết liệt, việc khai thác cát trộm sẽ ảnh hưởng rất lớn. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là sẽ quyết liệt xử lý tình trạng này” - ông Thành nói.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh (trái), khẳng định có việc nhắn tin đe dọa lãnh đạo tỉnh và cán bộ ban ngành của một số sở, ngành. Ảnh: TUYẾN PHAN
“Xung đột” giữa Bắc Ninh và Cục Đường thủy nội địa
Trả lời Pháp Luật TP.HCM ngày 16-3, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho hay cục này đã có văn bản đề nghị nhà đầu tư thực hiện tái triển khai thi công dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu (Bắc Ninh - Bắc Giang) nhưng chỉ thi công khi tỉnh Bắc Ninh đồng ý. Dự án này vốn khởi động từ năm 2014 nhưng đến năm 2016 thì bị dừng do chính quyền Bắc Ninh không ủng hộ.
Về cơ sở tái làm dự án này, ông Giang cho hay xuất phát từ việc đầu năm 2017 bộ trưởng Bộ GTVT nhận được đơn kiến nghị của hơn 10 người dân với mong muốn khơi thông luồng lạch trên sông Cầu vì các tàu hay bị mắc cạn. Xác định đây là vấn đề khẩn cấp và nhằm mục đích để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ GTVT có chỉ đạo đơn vị chủ trì phối hợp với các địa phương khảo sát lại đoạn sông trên để có căn cứ tiến hành khởi động lại dự án. “Việc khảo sát có đại diện UBND tỉnh, công an, UBND huyện Quế Võ (Bắc Ninh) và các đơn vị liên quan. Kết quả khảo sát cho thấy có ba trong số bốn đoạn cạn thuộc dự án trên địa bàn xã Phù Lãng (Quế Võ) chưa đạt chuẩn tắc theo thiết kế. Khối lượng nạo vét để đạt chuẩn cần khoảng 6.180 m3” - ông Giang cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Giang, đến đầu tháng 3-2017, nhà đầu tư dự án (Công ty Cổ phần Trục vớt luồng Hạ Lưu) đã có đề nghị cho dừng thực hiện dự án. Đến ngày 8-3, Cục Đường thủy nội địa có văn bản thống nhất với nhà đầu tư tạm dừng dự án.
Thế nhưng hầu hết các thông tin ông Giang nói trên đây đều bị bác bỏ tại cuộc họp báo của tỉnh Bắc Ninh. Chánh Văn phòng UBND tỉnh này, ông Trịnh Hữu Hùng, cho biết đến chiều 16-3 tỉnh này chưa nhận bất kỳ công văn nào của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về việc dừng dự án trên.
Ông Hùng cũng cho rằng sông Cầu không có điểm cạn nào như Cục trưởng Hoàng Hồng Giang nói. Theo ông Hùng, kết quả khảo sát đo đạc mà Cục Đường thủy nội địa tiến hành không được gửi về cho Bắc Ninh. Vì thế từ ngày 16-2, Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành kiểm tra, đo đạc ba vị trí được xác định là các đoạn cạn trên sông Cầu. Kết quả cho thấy “chiều sâu mực nước đo được tại các vị trí này đều đảm bảo cho các phương tiện giao thông vận tải thủy hoạt động bình thường. Tỉnh Bắc Ninh cam kết nếu tàu đi mắc cạn thì tỉnh sẽ chịu kinh phí để đưa tàu ra” - ông Hùng khẳng định.
Bờ sông bị sạt lở nặng, dân Bắc Ninh bức xúc PV chúng tôi đã có mặt tại đoạn sông Cầu chảy qua địa phận huyện Quế Võ (Bắc Ninh) mà theo UBND tỉnh Bắc Ninh đây là đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc hút cát. Theo quan sát của chúng tôi, tại đây nhiều vị trí bờ sông đã bị sạt lở, chính quyền địa phương đã phải xây dựng kè đá thành từng đoạn dài. Một số đoạn phần chân đê đã bị sạt gần hết. UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay đơn vị này đã phải chi khoảng 30 tỉ đồng để khắc phục hậu quả do hoạt động khai thác cát trái phép.
Nhiều người dân trong khu vực rất bức xúc về tình trạng các tàu hút cát hoành hành khu vực này. “Các tàu hoạt động cả đêm và ngày. Dù hút bên kia (phần thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang) thì bên này vẫn bị ảnh hưởng. Nếu cứ tiếp diễn khoảng vài tháng nữa, phần chân đê có thể sẽ bị sạt rất nặng” - một người dân cho hay. Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh Trịnh Hữu Hùng cũng cho hay huyện Quế Võ hiện có 20-25 tàu hoạt động, riêng xã Quế Tân có 13-23 tàu ở địa bàn giáp ranh tỉnh Bắc Giang. Các tàu này đều nằm trong dự án khơi thông đường thủy và cho rằng Bắc Giang cấp phép nên đã cắm vòi xuống sông Cầu hút cát, gây bất bình cho người dân. “UBND tỉnh Bắc Ninh thành lập tổ công tác ngăn chặn việc hút cát trên với 84 người, trực cả ngày và đêm ở chín xã trên địa bàn huyện Quế Võ” - ông Hùng thông tin. |