Mỗi cá nhân nên lựa chọn cuộc sống của mình như thế nào ? Đó là một trong những câu hỏi được đặt ra tại buổi ra mắt cuốn sách “Bụng lửa” của nhà văn người Mỹ J. C. Michaels ngày 27-8.
Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, giành được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Nautilus Book Awards – giải thưởng lớn của Mỹ trao cho những tác phẩm “tạo sự khác biệt và truyền cảm hứng”.
Ngay từ tựa đề của cuốn sách, tác giả đã đưa ra một thông điệp: “Cuốn sách dành tặng những người luôn tự hỏi liệu mình có thể sống một cuộc đời khác biệt”.
“Bụng Lửa” có nhân vật là chú cóc cùng tên luôn ấp ủ ước mơ được phiêu lưu khám phá thế giới xung quanh, hay nhân vật chính của tác phẩm là cô bé mới lớn Caroline với bao băn khoăn về bản thân, sự tò mò về tương lai phía trước…
Cuốn sách tưởng như dành cho trẻ em, tuổi mới lớn nhưng cũng hướng đến các bậc phụ huynh với góc nhìn mới, giúp họ hiểu thêm về thế giới tâm hồn phức tạp của con cái bước vào tuổi mới lớn. Và hơn hết, “Bụng Lửa” đặt ra những câu hỏi muôn thuở về ý nghĩa tồn tại của mỗi con người trên Trái Đất: “Tôi là ai?”, “Tôi có thể biết được điều gì?”, “Tôi nên sống như thế nào?”, “Tôi sẽ làm gì trước sự thất bại và do dự khi biết được rằng, cuộc đời tôi rất có thể là do chính tôi tạo dựng và trải nghiệm chứ không phải ai khác?”, “Con người là gì khi không có ước mơ và ý chí tự do?”…
Dịch giả Hoàng Thị Thùy và Nhà văn Mỹ J. C. Michaels chia sẻ tại buổi ra mắt.
Có mặt tại buổi ra mắt sách, nhà văn người Mỹ J. C. Michaels đã nhận được nhiều câu hỏi từ phía độc giả. Một độc giả 14 tuổi đặt câu hỏi cho ông liên quan đến lời đề tựa, theo đó độc giả này nêu vấn đề: Nên sống bình thường hay khác biệt.
Nhà văn J. C. Michaels trả lời, trong câu chuyện nhân vật chính là con cóc đã nghĩ nó có hai sự lựa chọn. Một là sống trong một cái bể và ngày nào cũng có người đến cho ăn dế và sống cảm thấy rất thoải mái. Hai là trốn ra ngoài và sống một cuộc sống rất hoang dã. Nhưng mà đó thật ra chưa phải là suy nghĩ hoàn toàn đúng đắn, bởi ngoài những cái đó ra còn có một sự lựa chọn khác, lựa chọn đó là gì con cóc phải tìm được giải quyết vấn đề của nó. Và người đọc cũng phải tự khám phá ra câu chuyện của mình ở cuối truyện.
Dịch giả của cuốn sách Hoàng Thị Thùy cũng chia sẻ thêm về vấn đề sự áp đặt của bố mẹ lên con cái. Theo đó, chị cho rằng văn hóa gia đình ở Việt Nam vẫn là con cái nghe theo lời bố mẹ, sự giao tiếp không có sự bình đẳng, tự do và thoải mái như một số quốc gia khác, nguyên nhân có thể do đại từ nhân xưng.
“Cả hai bên (bố mẹ và con cái – PV) cần phải học lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Sự giao tiếp hay sự ảnh hưởng cần phải hai chiều”, dịch giả Hoàng Thị Thùy cho biết.
"Bụng Lửa” là tác phẩm hòa quyện giữa văn chương và triết học. Tác phẩm khép lại với một kết thúc mở, bởi “Không ai biết toàn bộ câu chuyện, nhưng đôi khi chúng ta thấy được vài dấu vết của câu chuyện ấy trên cuộc đời mình. Và trong một phút ngắn ngủi, chúng ta hiểu được ý nghĩa của sự tồn tại”, đó cũng là thông điệp mà Bụng Lửa nhắn nhủ tới người đọc.