Trong ngày mở cửa khánh thành đã có 6.000 người đến xếp hàng thắp nhang thành kính trước các di tượng danh nhân.
Công trình có quy mô rộng hơn 5 ha do doanh nhân Đặng Phước Thành (Chủ tịch HĐQT Vinasun Corp) xây dựng tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Công trình được thiết kế phần lớn bằng gỗ, theo phong cách kiến trúc nhà rường, mang đậm dấu ấn triều Nguyễn. Có 125 nhân vật lịch sử có công khai mở, bảo vệ, tạo nên những giá trị cho đất phương Nam được tôn vinh, thờ tự nơi đây. Việc lựa chọn các nhân vật lịch sử đưa vào không gian này do các nhà nghiên cứu sử học đảm nhận và cố vấn.
Những người được nhân dân thờ phượng
Cố vấn chính cho công trình là nhà sử học Dương Trung Quốc (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) và nhà báo Nguyễn Hạnh (Phó Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay). Ông Nguyễn Hạnh cho biết ban cố vấn đã làm việc từ tháng 4-2014 đến nay, đã chọn ra 125 nhân vật lịch sử có công khai mở, gìn giữ, bảo vệ và làm rạng danh đất phương Nam. Tiêu biểu nhất có 21 nhân vật có công khai mở bờ cõi đã được Công ty Mỹ thuật Trung ương phác thảo và đúc tượng đồng được đưa vào thờ tự tại Nam Phương Linh Từ. Ví dụ như chúa Nguyễn Phước Nguyên, người có tầm nhìn chiến lược gây dựng nên những cơ sở đầu tiên của cư dân Việt trên đất Nam Bộ; vua Quang Trung, vua Gia Long, tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt, đại thần Nguyễn Tri Phương,… Nhưng người làm rạng danh đất phương Nam có Tiến sĩ khai khoa Nam Bộ Phan Thanh Giản, nhà từ điển học Huỳnh Tịnh Của, nhà giáo Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, nhà bác học Trương Vĩnh Ký, nhà văn Hồ Biểu Chánh, nhà công nghiệp Trương Văn Bền, nhà thơ Đông Hồ, nghệ sĩ Năm Phỉ, Trần Hữu Trang…
Khách tham quan quần thể Nam Phương Linh Từ. Ảnh: G.MINH
Ban cố vấn đã đưa ra nhiều tiêu chí khoa học để lựa chọn các bậc danh nhân để đưa vào không gian thờ tự, trong đó có một tiêu chí quan trọng là những bậc tiền nhân này đã được nhân dân thờ tự từ lâu. Ông Hạnh chia sẻ: “Có những nhân vật trước đây có nhiều đánh giá khác biệt nhưng ban cố vấn đã xem xét nghiêm túc và dựa vào cơ sở lòng dân. Ví dụ như nhân vật Nguyễn Văn Tồn, lịch sử ít nhắc tới nhưng thực ra ông có công rất lớn trong cuộc giữ gìn biên giới phía Tây Nam. Ông giữ chức thống chế điều ba quân, ở Trà Vinh có đền thờ của ông. Ban cố vấn đã đề xuất đưa ông vào thờ tự cùng với các nhân vật có công khai mở, đúng với vai trò lịch sử của ông”.
Nơi hành hương tâm linh phương Nam
Về việc vua Quang Trung Nguyễn Huệ và vua Gia Long Nguyễn Ánh được thờ cùng một không gian, ông Dương Trung Quốc bày tỏ: “Đã có nhiều triều đại nối tiếp nhau xây dựng nên mảnh đất này. Vua Quang Trung và vua Gia Long có sự đối địch nhau trong một thời kỳ lịch sử. Nhưng nhìn vào quá trình phát triển của đất nước thì sẽ thấy mỗi nhân vật, mỗi triều đại có một đóng góp riêng. Vua Quang Trung làm nên cuộc khởi nghĩa nông dân, thực hiện sứ mệnh chấm dứt tình trạng cát cứ Đàng Trong và Đàng Ngoài, củng số sự thống nhất đất nước bằng việc đánh tan cuộc xâm lược của quân Xiêm ở phía Nam và đánh bại sự chiếm đóng của giặc Thanh phía Bắc.
Sau khi nhà Tây Sơn suy thoái thì nhà Nguyễn lên nắm quyền, vua Gia Long có cầu viện triều đình của Pháp. Chúng ta thường nói tới điều này là “cõng rắn cắn gà nhà”, nó là một sai lầm rất lớn. Phải nói công bằng là khi cầm quyền lực trong tay, vua Gia Long đã có nhiều đóng góp cho việc củng cố chủ quyền mảnh đất phương Nam. Vua đã thực thi xác tín chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, nhất là ở Hoàng Sa”.
Công trình ban đầu chỉ có ý định dành làm nơi thờ tự cho dòng họ Đặng Việt Nam nhưng sau khi tham khảo ý kiến rất nghiêm cẩn từ nhiều phía và với thành tâm của mình, ông Đặng Phước Thành mong muốn biến thành đền tưởng niệm những nhân vật lịch sử có công khai phá, giữ gìn vùng đất phương Nam và những người làm rạng danh đất phương Nam từ buổi đầu đến năm 1975.
Ông Dương Trung Quốc nói: “Đây là một không gian tâm linh, vượt lên ý nghĩa là công trình của một dòng họ, mọi người có thể đến để thể hiện tâm tư, tình cảm của mình theo đạo lý uống nước nhớ nguồn. Trên thực tế, có không ít phủ đường của một gia tộc trở thành di tích của một quốc gia, công trình của một làng xã trở thành di sản chung của cả nước”.
Vấn đề còn lại là của những nhà quản lý văn hóa cần tạo điều kiện cho nó phát triển lành mạnh, hạn chế các yếu tố mê tín. Ông Quốc cho rằng một doanh nhân đã bỏ ra số tiền không nhỏ để làm nên một kiến trúc văn hóa tưởng nhớ các bậc tiền nhân của mảnh đất phương Nam là một điều rất đáng ghi nhận. “Vì vậy, Nam Phương Linh Từ có thể sẽ trở thành một điểm đến tâm linh của con người phương Nam nói riêng và người dân cả nước”.
Trong ngày khánh thành, tại đây đã khai mạc hai cuộc triển lãm lớn mang tên: Hoàng Sa và Trường Sa - Biển đảo của Việt Nam và hình ảnh Nam Bộ và Đồng Tháp xưa.
Nam Phương Linh Từ sẽ mở cửa hằng tuần vào hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật để đón tiếpkhách thập phương đến tham quan và bái vọng những người mở cõi, những lãnh tụ khởi nghĩa, danh nhân văn hóa, những sĩ phu, chí sĩ…
Là một người con của vùng sông nước Cửu Long, gần 40 năm trước, khi phải rời xa quê hương Long Hưng, Lấp Vò, Đồng Tháp đi lập nghiệp phương xa, trong tôi luôn tâm nguyện rằng: Khi có điều kiện sẽ trở về quê nhà cố gắng làm được việc gì đó vừa có ích cho dòng tộc và quê hương, cho hiện tại và mai sau. Nhờ hồng phúc của tổ tiên phù hộ độ trì được ăn nên làm ra, tôi muốn thể hiện lòng kính trọng, tri ân các bậc tiền nhân họ Đặng và các dòng họ khác đã vì quốc thái dân an, xã tắc đời đời hưng thịnh, đất nước thăng hoa nên tôi phát tâm công đức xây dựng đền thờ Nam Phương Linh Từ... Doanh nhân ĐẶNG PHƯỚC THÀNH, người đầu tư xây dựng công trình
Bìa sách Một số nhân vật lịch sử đất phương Nam với ảnh toàn cảnh Nam phương Linh Từ. 300 tỉ đồng là tổng kinh phí xây dựng Nam Phương Linh Từ. Ban cố vấn công trình đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học và bước đầu đã chọn ra 125 nhân vật lịch sử đất phương Nam (đã in thành sách) để thờ phụng tại đây. Trong đó có: - Lĩnh vực thời khai hoang, mở cõi có 21 nhân vật. - Lĩnh vực giữ gìn, bảo vệ có 62 nhân vật. - Lĩnh vực làm rạng danh có 42 nhân vật. |