Năm 1966, HLV Karl Heinz Weigang dù chỉ là một ông giáo chưa có bằng bóng đá chuyên nghiệp nhưng đã dẫn dắt đội tuyển miền Nam Việt Nam đoạt HCV Merdeka. 29 năm sau, ông trở lại và dẫn dắt đội tuyển Việt Nam lần đầu vượt qua vòng đấu bảng và vào đến chung kết đoạt HCB SEA Games 1995 tại Chiang Mai.
Điểm nhấn của người khai phá
Cả hai sự kiện trên đều là cột mốc lớn của bóng đá Việt Nam gắn với cái tên Karl Heinz Weigang. Đáng đề cập là ông luôn là người khai phá những rào cản của bóng đá Việt Nam trong những thời kỳ khó khăn nhất.
Điểm nhấn lớn nhất là năm 1995 ông đến với bóng đá Việt Nam sau hai kỳ SEA Games không qua nổi vòng bảng dưới thời HLV nội cùng những trì trệ của làng bóng Việt. Nhận việc chưa bao lâu nhưng ông đã nắm thông tin về bóng đá Việt Nam rất chắc qua các học trò của ông ở đội tuyển miền Nam trước đây như Nguyễn Ngọc Thanh, Phạm Huỳnh Tam Lang, Hồ Thanh Cang, Nguyễn Văn Mộng, Võ Bá Hùng, Đỗ Cẩu… Và trên cơ sở đó ông đã “làm lại” một đội tuyển với việc làm tức thời là vá những lỗ thủng mà các đời HLV nội trước đó không thể làm được.
HLV trưởng đội tuyển Việt Nam bây giờ là Nguyễn Hữu Thắng, năm 1995 cũng là một trong những phát hiện của ông Weigang. Thắng là cầu thủ trẻ duy nhất của SL Nghệ An lên khoác áo đội tuyển và lấy chỗ đá chính thức. Thương học trò trẻ thi đấu hết mình nhưng ông Weigang cũng thưởng, phạt rất khắt khe, điển hình là Tiger Cup 1998 ông từng “nhốt riêng” các cầu thủ thi đấu không hết mình làm ảnh hưởng đến các đồng đội, đến tập thể.
Thời ông Weigang nói cầu thủ đá hay, có chiến thuật tốt thì không hẳn nhưng điều khác biệt mà ông thầy người Đức này làm được là tạo nên một tập thể hết lòng và luôn lăn xả khi thi đấu. Ông nhận ra điểm yếu của các cầu thủ Việt Nam trong thi đấu quốc tế, sự tự ti của họ trước những đối thủ nước ngoài nên đã lên lịch tập huấn châu Âu gần 20 trận trước SEA Games để khắc phục. Ông thấy bóng đá Việt Nam ngại ngần trước Malaysia, đối thủ đầu tiên tại SEA Games 18 (1995) nên ông đã “vẽ” ra câu chuyện ngồi ăn sáng với doanh nhân Malaysia rồi nghe ông này nói: “Việt Nam mà cũng có bóng đá, có đội tuyển hả?” để khơi lên sự tự ái của các tuyển thủ Việt Nam. Kết quả là ngay trận đầu với Malaysia các học trò ông đã đánh bại đối thủ đáng ngại này 2-0, mở đầu chiến dịch HCB SEA Games.
Học trò Hữu Thắng cùng các đồng đội tung hô thầy Weigang tại SEA Games 18 (1995) ở Chiang Mai. Ảnh: TƯ LIỆU
HLV Weigang và Trần Minh Chiến khi cầu thủ này vừa đoạt giải Vua phá lưới mùa bóng 1995. Ảnh: TƯ LIỆU
Bậc thầy về tâm lý và giải quyết sự cố
Nói như tuyển thủ Trần Minh Chiến lúc bấy giờ thì Weigang là một bậc thầy về tâm lý, đặc biệt là luôn biết khơi dậy sự tự tin lẫn tinh thần máu lửa nơi đội tuyển. Rõ nhất là trận chung kết SEA Games 1995 với chủ nhà Thái Lan. Khi ban tổ chức không cho xe đội tuyển Việt Nam vào trong sân mà chỉ cho xe đội tuyển Thái Lan được vào thì ông lệnh cho các tuyển thủ Việt Nam ngồi yên trên xe. Sau đó ông bước xuống xô đổ hàng rào chắn và lệnh cho tài xế lái xe vào y như đội tuyển Thái Lan. Hành động đó của ông khiến toàn đội tuyển Việt Nam lên tinh thần khi bước vào sân Chiang Mai đá trận chung kết. Hay việc một CĐV Việt Nam cầm cờ chạy dưới đường piste bị bảo vệ sân Chiang Mai ngăn lại và tịch thu cờ, lập tức ông lao ra giật lá cờ trên tay người bảo vệ, trao lại cho CĐV Việt Nam và quát to: “Tại sao các CĐV Thái Lan cầm cờ chạy được trên đường piste mà CĐV Việt Nam cầm cờ chạy lại bị ngăn cản?”. Hành động đấy của ông không chỉ tiếp sức cho cầu thủ trên sân mà cả khán giả trên khán đài quên đi sự mệt mỏi, sức ép trên sân đối phương.
Năm 1996, khi đội tuyển Việt Nam dự Tiger Cup tại Singapore trong tình trạng xào xáo nội bộ “ngoài phá, trong bất hòa” thì chính ông Weigang là người đã giúp đội tuyển vượt qua những rào cản lục đục nội bộ để tìm đích đến là thành tích HCĐ. Thậm chí ông sẵn sàng chỉ mặt những cầu thủ làm phản, thi đấu không tích cực, sẵn sàng mua vé máy bay đuổi họ về nước rồi ngồi lại với Trưởng đoàn Tô Hiền để giải quyết sự cố. Sau đó thì chính những cầu thủ phạm lỗi lầm đã đái công chuộc tội để đội tuyển vượt đi và vào đến bán kết đoạt HCĐ. Điều mà những nhà chuyên môn cho rằng với một đội tuyển nhiều bất hòa lẫn khúc mắc cùng nội bộ trong rối ngoài từa lưa như thế mà ông vẫn đưa con thuyền đội tuyển về đích, tạo nên niềm vui lớn nơi người hâm mộ là điều cực khó và đáng ghi nhận về cách xử lý.
Ngày 13-6, khi hay tin ông Weigang qua đời, chúng tôi trao đổi với nhiều cựu tuyển thủ gắn bó với ông trong những năm 1995-1997 như Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Minh Chiến, Công Minh, Quốc Cường… thì ai cũng tiếc nuối và nhớ đến người thầy đáng kính đã gắn bó với bóng đá Việt Nam qua những cột mốc đáng nhớ trong giai đoạn khó khăn nhất…
Thương tiếc ông, thương tiếc một người thầy khai phá cho bóng đá Việt Nam với những điểm nhấn đi vào lịch sử…
HLV Karl Heinz Weigang bắt đầu nghiệp HLV từ năm 1964, dẫn dắt đội tuyển Sri Lanka. Ông có 53 năm hành nghề HLV, dẫn dắt nhiều CLB, nhiều đội tuyển như đội tuyển Mali, đội tuyển Ghana, đội tuyển Malaysia, đội tuyển Gabon, đội tuyển Việt Nam. Thành công nhất với ông là giai đoạn từ năm 1979 đến 1982 khi giúp đội tuyển Malaysia vô địch SEA Games hai lần liên tiếp: năm 1977 và 1979. Thậm chí ông còn giúp đội bóng này giành vé dự vòng chung kết Olympic Moscow 1980 sau khi vượt qua Indonesia, Philippines, Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, Malaysia tẩy chay Olympic và không tham dự. Năm 1996, Ban Chấp hành VFF khóa II từng bỏ phiếu sa thải ông trước Tiger Cup 1996 nhưng ông đã biến nỗi đau này qua việc đưa đội tuyển Việt Nam đoạt HCĐ, đồng thời vạch trần lại âm mưu chém tướng trước trận đánh lớn khiến những nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam phải xấu hổ xem lại sự xấu xa của mình… |