VĨNH BIỆT CỰU DANH THỦ NGUYỄN NGỌC THANH

‘Anh về với Sáu Rạng, với Tam Lang...’

Ông từng nói khi sinh thời: “Thế hệ chúng tôi sẽ nằm xuống nhưng những kỷ vật đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam này sẽ còn mãi mãi. Và tôi muốn dâng hiến những kỷ vật đấy để các thế hệ nhìn vào và nhớ mãi…”.

Sau những tháng ngày bạo bệnh sau cơn tai biến, cựu danh thủ Nguyễn Ngọc Thanh đã qua đời ở tuổi 80. Từ bên Mỹ, cầu thủ đàn em Võ Thành Sơn hay tin đã gửi những lời chia sẻ thật cảm động: “Anh Thanh là một tấm gương sáng về sự khổ luyện và tấm lòng với các cầu thủ đàn em, với các học trò… Hơn tháng trước tôi đến thăm anh, anh không nói được nhưng ánh mắt sáng ngời nhìn tôi và chảy nước mắt. Vẫn biết là số phận và tuổi tác không thể tránh được nhưng vẫn cứ thấy tiếc và hụt hẫng khi anh Thanh ra đi…”.

Cựu danh thủ Nguyễn Ngọc Thanh là người ít ỏi còn sót lại trong danh sách những tuyển thủ tham dự SEAP Games 1959 và đoạt HCV sau chiến thắng oanh liệt trước Malaysia, Thái Lan và Myanmar. Ông cũng là người từng nâng cao cúp vàng Merdeka 1966 và là thế hệ đàn anh của Tam Lang, Võ Bá Hùng, Võ Thành Sơn, Hồ Thanh Cang, Nguyễn Văn Mộng…

 
Nguyễn Ngọc Thanh (hàng đứng, thứ tư từ trái qua) trong thành phần tham dự Merdeka 1966. Ảnh: TƯ LIỆU

Nguyễn Ngọc Thanh là tiền vệ không thể thay thế trong đội tuyển miền Nam giai đoạn những năm 1957-1966. Ông không sở hữu thân hình hộ pháp, không chơi bóng bằng sức mạnh nhưng bù lại nổi tiếng là cầu thủ thông minh, có kỹ thuật và đặc biệt là sức bền dẻo dai. Sau này bí quyết để tích lũy được sức bền đã được ông bật mí đó là những buổi chạy trường lực do tự ông soạn giáo án và lộ trình khi chạy từ sân Tao Đàn đến Nhà máy nước Thủ Đức rồi trở về. Ông từng kể: “Tôi biết phải có sức bền mới thi đấu tốt được, đặc biệt là thi đấu ở hàng tiền vệ nên ngày nào tôi cũng kiên trì chạy bộ vài chục cây số bất kể nắng mưa. Có hôm trời mưa tầm tã tôi cũng một mình chạy theo lộ trình từ sân vườn ông Thượng đến Nhà máy nước Thủ Đức rồi mới chịu nghỉ…”.

Ấn tượng nhất trong đời cầu thủ của ông Thanh là chuyến thi đấu SEAP Games 1959 mà toàn đội không có nhiều tiền nên phải thuê xe đò chạy từ Sài Gòn qua Phnom Penh rồi sau đó lại chạy tiếp đến Bangkok. Ông từng kể: “Xe đò hồi đó đâu có tiện nghi. Chỗ ngồi thì anh em cầu thủ ai cũng chân dài nhưng phải ngồi co ro cùng với hành lý. Đến Bangkok có người không xuống xe được phải khiêng xuống. Thế mà hôm sau lại ra sân tập và thi đấu rất nhiệt tình quên cả cái mệt mỏi sau chặng đường quá dài…”.

Liên tục tám năm từ 1959 đến 1966, tiền vệ Nguyễn Ngọc Thanh luôn có mặt trong thành phần đội tuyển miền Nam tham dự các giải quốc tế lớn gây tiếng vang trong khu vực. Khi ấy ông cùng với cố danh thủ Đỗ Thới Vinh đã hình thành cặp tiền vệ nổi tiếng của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn chinh phục bóng đá khu vực. Nếu Đỗ Thới Vinh có những biệt tài đi bóng lắt léo và đầy ngẫu hứng như những vũ điệu làm say lòng người thì Nguyễn Ngọc Thanh cần cù có mặt khắp mọi nơi và được xem là lá phổi của đội. Chính ông đã làm phong phú cho lối đá hoa mỹ của Đỗ Thới Vinh trong công việc của người đồng hành và sẵn sàng can thiệp vào điểm nóng.

Các cựu tuyển thủ kể lại ông Nguyễn Ngọc Thanh nổi tiếng là cầu thủ nhỏ con nhưng dẻo dai nhờ thể lực tuyệt vời. Ông được các HLV trong nước và cả nước ngoài (khi tham gia đội tuyển châu Á) khen ngợi là chạy không biết mệt. Ông chơi bóng không cầu kỳ nhưng rất thực dụng nhờ lối chơi đầu óc và tầm quan sát rộng.

Thời hoàng kim, ông Nguyễn Ngọc Thanh được mời tham gia trong thành phần đội tuyển châu Á tham dự trận đấu danh dự với CLB Fulham của Anh năm 1966.

Trong số các cựu danh thủ, ông Thanh là người chịu học hỏi và có ngoại ngữ nên được giới thiệu tham gia lớp học FIFA tại Nhật và ông đã vượt qua khóa đào tạo đấy để trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận tấm bằng FIFA.

2-3 năm trước khi ông còn khỏe thì vào những dịp cuối năm, khi chi hội cựu cầu thủ TP.HCM tổ chức những ngày hội “Uống nước nhớ nguồn” và những “Cây mùa xuân” chung vui ngày cuối năm cùng các cựu danh thủ thì bao giờ ông Nguyễn Ngọc Thanh cũng lịch lãm tham dự cùng mọi người và chia sẻ, góp ý nhiều điều. Bẵng đi vài năm nay mọi người không thấy ông bởi tuổi tác và lần bị tai biến rồi nằm liệt giường. Thế nhưng anh em đồng nghiệp hay giới bóng đá đến thăm thì ông đều biết qua ánh mắt sáng ngời và nụ cười trên môi cùng cái miệng mấp máy như muốn nói đôi điều.

Ông nằm xuống để lại nhiều tiếc nuối. Hôm qua, các cựu tuyển thủ đến khóc thương ông và chia sẻ bên linh cữu những lời thật cảm động: “Anh Thanh đi thanh thản nhé! Về bên đấy gặp anh Sáu Rạng, anh Tam Lang và các anh em từng rạng danh cho bóng đá Việt Nam…”.

Chuyện bật mí về thầy Weigang

 “Là thầy sống với cầu thủ cần phải có cái tình. Tôi ấn tượng với ông thầy Weigang khi làm thầy săn sóc cho từng cầu thủ cho đến lúc gặp lại nhau sau vài chục năm sau, ông vẫn quan tâm giúp đỡ nhiều người gặp khó khăn. Tôi còn nhớ ngay sau Tiger Cup 1996 khi về Việt Nam, ông từng tâm sự với tôi sự kiện bốn cầu thủ bán độ và hỏi tôi cách giải quyết. Tôi có nói với thầy: “Tùy thầy nhưng tôi nghĩ thầy sẽ không triệt đường sống của họ mà chỉ muốn đánh đòn thật đau để họ nên người thôi đúng không?”. Ông gật gù nhìn tôi cười rồi nói anh nghĩ giống tôi nghĩ”. (Chuyện do chính ông Nguyễn Ngọc Thanh kể lại với tác giả năm 2009 khi cùng thực hiện phóng sự Ký ức vàng bóng đá Việt Nam)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm