Ngày 6-9, HĐND TP.HCM tổ chức hội nghị giám sát thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM trên địa bàn quận 8.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì buổi giám sát.
Kiến nghị bổ sung số lượng công chức
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận 8, cho biết sau khi thực hiện Nghị quyết 131/2020, bộ máy cơ quan chuyên môn của quận đã tinh gọn hơn. Số lượng cấp phó trung bình không quá hai người/cơ quan; giảm lực lượng cán bộ chuyên trách HĐND quận, phường.
Hội nghị giám sát việc thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM trên địa bàn quận 8. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Số lượng người hoạt động không chuyên trách làm việc tại phường loại I không quá 14 người cho 13 chức danh (trước đây là 22 người cho 21 chức danh). Tính đến tháng 8-2022, quận 8 có 85 cơ quan, đơn vị với tổng số cán bộ, công chức, viên chức là 3.443 người.2
Theo ông Sang, khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị, trách nhiệm, áp lực công việc của các cơ quan chuyên môn và UBND 16 phường ngày càng lớn. Điều này đặt ra vấn đề phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tuy nhiên chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách vẫn chưa có nhiều thay đổi so với trước đây.
“Bên cạnh những hiệu quả tích cực từ việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị như tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách,… quận gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong nhiều lĩnh vực như chính sách về tài chính, ngân sách, đầu tư công,…” - ông Sang cho biết.
Từ đó ông Sang kiến nghị UBND TP đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh, bổ sung thêm công chức, người hoạt động không chuyên trách cho các phường phù hợp quy mô dân số từng địa phương.
Tuyển công chức cần cân nhắc nhiều yếu tố
Trước vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và số lượng viên chức của UBND quận, phường, không nhất thiết phải giữ nguyên vị trí việc làm như hiện tại mà quan trọng là đề án vị trí việc làm của từng quận, phường cần có sự sắp xếp, bố trí phù hợp để cán bộ có thể đảm nhận công việc được giao.
“Ngày trước một việc nhiều người làm, bây giờ một người làm nhiều việc. Chúng ta cứ than thu nhập thấp nhưng biên chế cứ nở ra, thì làm sao có thu nhập tốt? Vì vậy, đề án vị trí việc làm của quận, phường và từng phòng ban rất quan trọng” - bà Lệ nói.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Theo bà Lệ, một cán bộ, công chức có thể đảm đương nhiều vị trí việc làm thì mới có thể tinh giảm được số lượng biên chế như được giao. Tuy nhiên cũng đừng vì tiết kiệm biên chế mà gò ép cán bộ không đủ điều kiện và trình độ chuyên môn phải đảm đương nhiều công việc.
Công tác cán bộ là yếu tố rất quan trọng, việc xây dựng bộ máy là quyết định cho sự thành công của một địa phương, đơn vị. Vì vậy, địa phương cần tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ.
“Tôi đề nghị Sở Nội vụ tham mưu cho UBND TP thành lập hội đồng thi tuyển công chức, viên chức. Chúng ta cần rà soát, nghiên cứu, đối chiếu với các quy định về tiêu chí. Tiêu chí khung là cần thiết nhưng cũng cần phù hợp với tình hình thực tiễn của TP. Điều này giúp một công chức khi được tuyển có thể vào vị trí và làm việc được ngay” - Chủ tịch HĐND TP.HCM đánh giá.
Bà Lệ đưa ra dẫn chứng, khi tiếp xúc với nhiều công chức, viên chức trẻ tại các ban ngành mới biết nhiều người có hộ khẩu ở tỉnh xa, khi trúng tuyển ở TP.HCM, họ gặp nhiều khó khăn về sinh hoạt phí và tiền nhà. Mức lương khi mới vào làm không đủ chi trả cho các chi phí sinh hoạt ở TP.
Vì vậy, Sở Nội vụ cần nghiên cứu thêm để đảm bảo quyền lợi của công chức, viên chức.
“Tôi nghĩ bây giờ chúng ta cần tiêu chí chung, đó là khung nhưng cũng cần có tiêu chí phụ. Tìm ra những người có chuyên môn, đủ điều kiện vào làm là điều kiện cần. Tuy nhiên có những người không đăng ký dự tuyển do mức thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy cần linh hoạt tuyển theo tiêu chí phụ” - bà Lệ kiến nghị.