Tuyển sinh đại học 2019: Cửa hẹp vào khối trường đặc thù

Đến thời điểm này, hầu hết các trường ở khối công an, quân đội, tòa án... đã có kế hoạch tuyển sinh chính thức cho năm 2019. Nhìn chung, nội dung và cách thức tuyển sinh của các đơn vị này vẫn tương tự những năm trước. Tuy nhiên, để siết đầu vào và tránh sai sót đáng tiếc, các khối trường này đã có nhiều điều chỉnh về điểm số, sức khỏe, hình thể.... khiến không ít thí sinh lo lắng về cơ hội trúng tuyển.

Giảm trường, thêm tiêu chí khắt khe

Theo thông tin từ Bộ Công an, dự kiến trong năm 2019, các trường CAND sẽ tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu, trong đó hệ đại học có 1.200 chỉ tiêu và hệ trung cấp là 300 chỉ tiêu…

Cục Đào tạo (thuộc Bộ Công an) cho biết công tác tuyển sinh sẽ được thực hiện như năm 2018. Tuy nhiên, có một số nội dung điều chỉnh về tiêu chuẩn sức khỏe, học lực, chính trị, phương thức tuyển sinh.

Cụ thể, về tiêu chuẩn sức khỏe, thí sinh tham gia xét tuyển phải có chỉ số BMI (tính cân nặng chia bình phương chiều cao) từ 17,9 đối với nam, 18,02 đối với nữ. Những thí sinh bị cận thị được đăng ký dự tuyển vào các trường công an phải cam kết chữa trị khỏi khi trúng tuyển. Còn những thí sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus viêm gan B (phân loại sức khỏe đạt loại 3) không thuộc đối tượng xét tuyển.

Đặc biệt, năm nay bộ này dự kiến tiếp tục thu hẹp tuyển sinh từ bảy đơn vị xuống còn ba đơn vị là Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân và Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy. Hai trường là ĐH An ninh nhân dân và ĐH Cảnh sát nhân dân dự kiến không có chỉ tiêu nào. Hai trường khác là ĐH Kỹ thuật - Hậu cần CAND và Học viện Chính trị CAND cũng đã dừng tuyển từ năm 2018.

Năm 2019, 18 trường trong quân đội sẽ tuyển sinh hơn 5.500 chỉ tiêu và vẫn theo phương án sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Tuy nhiên, Trung tướng, GS-TS Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), cho biết năm nay sẽ có một điều chỉnh về quy định trên cơ thể thí sinh là không có hình xăm, chữ xăm. Trước đây quy định này chỉ dừng lại ở những hình xăm mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực, gây phản cảm. “Nếu em nào có mà vẫn giữ nguyện vọng vào các trường quân đội thì ban tuyển sinh cũng lưu ý các em cần có kế hoạch xóa bỏ, nếu còn thì không được dự tuyển” - Trung tướng Phúc nhấn mạnh.

Ngoài ra, để tránh sai sót đáng tiếc, từ năm 2019 Bộ Quốc phòng sẽ khám phúc tra sức khỏe sau 10 ngày kể từ ngày thí sinh nhập học (theo thời gian quy định trong giấy báo nhập học). Các trường phải thông báo kết luận về phân loại tiêu chuẩn sức khỏe đến thí sinh đã nhập học biết. Những trường hợp thí sinh không đủ tiêu chuẩn sức khỏe sẽ bị trả về địa phương.

Các tân sinh viên làm thủ tục nhập học vào Học viện Tòa án, Hà Nội. (Ảnh do học viện cung cấp)

Giới hạn cân nặng vào Học viện Tòa án

Mặc dù không phải các trường đặc thù như công an, quân đội nhưng Học viện Tòa án (Hà Nội) khi tuyển sinh còn yêu cầu nữ phải cao từ 1,55 m, nặng 45-60 kg và nam cao từ 1,60 m, nặng 48-80 kg. Điều này ngay lập tức gây tranh cãi trong dư luận những ngày qua.

Được biết năm 2019, Học viện Tòa án dự kiến tuyển sinh tối đa 360 chỉ tiêu ngành luật trên toàn quốc. Thông báo có nội dung trên do Phó Chánh án, TS Nguyễn Trí Tuệ ký. 

Đáng nói, học viện cũng sẽ thực hiện hậu kiểm đối với thí sinh trúng tuyển vào trường. Nếu em nào không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì không được trúng tuyển.

Ngoài ra, thí sinh đủ điều kiện xét tuyển vào học viện phải qua sơ tuyển để xác nhận không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật, không nói ngọng, nói lắp, không mắc bệnh kinh niên, mạn tính…

Trả lời báo chí về tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng này, TS Lê Hữu Du, Trưởng phòng Đào tạo và Khảo thí của học viện này, cho biết tiêu chuẩn này đã được học viện áp dụng mấy năm qua, từ khi bắt đầu tuyển sinh bậc đại học.

Theo ông Du, trong công việc của một thẩm phán rất áp lực, đòi hỏi phải có sự hài hòa về khả năng chuyên môn, tiêu chuẩn đạo đức, chính trị, tiêu chuẩn sức khỏe, thể trạng đặc thù mới có thể đáp ứng được công việc. Hơn nữa, khi tuyên một bản án luôn bắt đầu là “Nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…” nên đặt ra tiêu chuẩn như vậy để đảm bảo thực hiện công việc đặc biệt này tốt hơn, hiệu quả hơn.

Cũng theo ông Du, tiêu chuẩn này những năm qua học viện áp dụng chưa gặp bất ổn nào với nữ khi tuyển sinh đầu vào. Riêng với nam, học viện đã nhận được những phản ánh nên năm 2019 này đã điều chỉnh tăng mức ký lên 48-80 kg, thay vì 45-75 kg như mọi năm.

Ủng hộ nhưng cần đúng luật

Ông Võ Văn Thêm, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM, tỏ ra rất ủng hộ việc đưa ra tiêu chí chiều cao và cân nặng khi tuyển sinh vào Học viện Tòa án. Bởi lẽ với chiều cao và cân nặng mà Học viện Tòa án đưa ra không phải là quá khắt khe, phù hợp với chiều cao trung bình của giới trẻ người Việt Nam hiện nay.

Hơn nữa, có thể mục tiêu của học viện là đào tạo ra các thẩm phán... nên theo ông Thêm, chốn công đường là nơi uy nghiêm, mọi thứ phải được chỉn chu. Ngay cả bàn ghế của quan tòa cũng được thiết kế cố định theo tiêu chuẩn của ngành tòa án đưa ra. Do đó, nếu một thẩm phán quá thấp hoặc quá béo thì khi ngồi vào ghế sẽ rất khó khăn, gây phản cảm, mất đi sự nghiêm minh chốn công đường.

Chánh án của một TAND quận ở TP.HCM cũng cho rằng việc đặt ra tiêu chí và ngoại hình là cần thiết. Tuy nhiên, không phải cứ bước chân vào Học viện Tòa án là buộc sau này các sinh viên ra trường sẽ làm thẩm phán. Do đó, vị này băn khoăn: “TAND Tối cao căn cứ vào đâu để đặt ra tiêu chí này? Ngay cả Điều 36 Luật Cán bộ, công chức cũng không quy định cụ thể về chiều cao, cân nặng khi tuyển dụng công chức. Không thể nào anh đào tạo người cho ngành mình mà có quyền tự đặt ra tiêu chí cho riêng ngành mình, tất cả đều phải dựa vào quy định của luật pháp”.

NGÂN NGA ghi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm