Thiếu Ali Mabkhout rõ ràng đã ảnh hưởng lên cách chơi, cụ thể là sức tấn công của UAE quá nhiều. Đá thế UAE thua Việt Nam 0-1 quả là điều còn may mắn cho thầy trò Van Marwijk.
Tiến Linh ghi bàn duy nhất giúp Việt Nam vươn lên ngôi đầu bảng G.
May mắn hơn khi tại Bukit Jalil, Malaysia đã đánh bại Thái Lan nêu “dìm” đội đầu bảng xuống, Việt Nam tạm thời vươn lên. Nó dễ chịu hơn cho UAE, còn nếu như cả Việt Nam và Thái Lan đều thắng trận thì áp lực lên UAE, lên Mawijk rất lớn và họ rất dễ bị loại khỏi cuộc đua ngôi đầu bảng ngay ở giai đoạn 2 này.
Và cũng chính Tiến Linh đã khiến UAE phải chơi thiếu người hơn 50 phút khi Khalifa bị đuổi do phạm lỗi.
UAE thiếu Ali Mabkhout như "hổ không nanh vuốt". Phía trên Jaber già cỗi, nặng nề, ít di chuyển, có lẽ chỉ chờ xử lý bóng giàu kinh nghiệm tại chỗ mà thôi. Cùng với đó là một Omar Abdulrahman vốn rất hay nhưng vài năm nay chấn thương hành hạ liên tục nên nhát chân và chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Abdulrahman khi thì xông lên nơi tuyến đầu hỗ trợ cho Jaber khi thì lùi sâu về tìm bóng rồi chơi vai trò nhạc trưởng. Nó quá vất vả cho cầu thủ vừa trở lại sau chuỗi ngày chấn thương liên tục.
Hôm nay Quang Hải có tình huống sút phạt trực tiếp... dội hàng rào.
Rõ ràng nhìn vào UAE khi vắng Mabkhout thì họ chông chênh quá, đội hình già nua, không thấy nhân tố nào xuất sắc, gây đột biến, lối chơi cũng nhạt nhòa, không rõ ràng, con người thực thi đấu pháp cũng không đậm nét.
Sau Asian Cup 2019, HLV Zaccheroni đưa UAE vào bán kết rồi cũng chưa hài lòng giới lãnh đạo UAE nên phải ra đi.
UAE mời Marwijk quyết đưa UAE đến World Cup Qatar 2022 nhưng đội hình của họ không có con người giỏi, đá không có lối ra khi vắng một nhân vật Ali Mabkhout.
May mà UAE chỉ thua Việt Nam 0-1, lẽ ra họ còn thua nhiều nữa. Và cũng may Thái Lan thất bại ở Malaysia nên UAE vẫn tiếp tục hy vọng bám đuổi. Nếu như Thái Lan mà cùng thắng với Việt Nam đêm 14-11 thì UAE có thể bị hai đại diện Đông Nam Á “kẹp” và “ép” cho "ra rìa" khỏi cuộc đua.