Thông tin từ TAND TP.HCM, mới đây Công ty Uber B.V đã rút đơn kiện hành chính Cục Thuế TP.HCM về truy thu 53 tỉ đồng tiền thuế. Từ đó, tòa đã ra quyết định đình chỉ vụ kiện này.
Theo hồ sơ, khoảng một năm về trước, Cục Thuế đã có quyết định truy thu và phạt vì nợ thuế đối với Uber B.V với tổng số tiền 66,68 tỉ đồng. Sau một thời gian có quyết định của Cục Thuế, Uber đã đóng một khoản 13 tỉ đồng và vẫn còn nợ hơn 53 tỉ đồng. Cục Thuế khi đó đã ra quyết định cưỡng chế tài khoản của Uber. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã không đồng tình với Cục Thuế TP.HCM nên đã khiếu nại lên Bộ Tài chính và sau đó khởi kiện ra tòa.
Đến ngày 29-12-2017, Cục Thuế đã nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP.HCM. Theo đó, xét yêu cầu của phía khởi kiện, tòa cho rằng cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm đình chỉ việc thi hành quyết định cưỡng chế tài khoản Uber B.V. là cần thiết để ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Tháng 1-2018, tòa lại có quyết định đình chỉ vụ kiện của Uber đối với Cục Thuế do Uber lúc ấy chưa đủ tư cách pháp lý. Đến cuối tháng 3-2018, công ty này có đơn khởi kiện lại Cục Thuế. Và trong quá trình tòa đang xem xét vụ kiện thì đầu tháng 4-2018, Uber Đông Nam Á đã được sáp nhập vào Grab.
Tháng 6-2018, giữa hai bên lại tiếp tục tham gia đối thoại tại tòa về vụ án. Nhưng việc đối thoại bất thành và dự tính TAND TP phải mở phiên tòa xét xử vụ kiện và ra phán quyết. Tuy nhiên nay phía khởi kiện Uber lại rút đơn như trên.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Cục Thuế cho rằng việc truy thu từ Uber B.V 66,68 tỉ đồng thuế là đúng. Uber B.V không đơn thuần cung cấp dịch vụ công nghệ mà trực tiếp điều hành, tiến hành toàn bộ hoạt động kinh doanh vận tải như trực tiếp phân công, bố trí lái xe, tự quyết định giá cả từng thời điểm, quyết định toàn bộ chính sách giảm giá cước vận chuyển, các chương trình khuyến mãi, nhận tiền thanh toán của khách hàng sau đó định kỳ hằng tuần mới thanh toán lại tiền cho các đối tác.
Việc Cục Thuế ban hành quyết định xử lý truy thu thuế vì Uber B.V không khấu trừ thuế với các tài xế từ năm 2014 đến tháng 9-2016 đúng theo quy định. Trong khi Uber B.V cho rằng Uber chỉ cung cấp dịch vụ thông qua ứng dụng điện thoại cho các tài xế để kết nối giữa tài xế và khách hàng. Các tài xế trực tiếp kinh doanh vận tải còn Uber B.V không kinh doanh vận tải mà chỉ thu hộ tiền vận chuyển. Sau đó Uber B.V giữ lại phần của mình được hưởng như thỏa thuận với các tại xế rồi chuyển số tiền còn lại cho các tài xế. Vì vậy việc Cục Thuế TP.HCM truy thu số tiền thuế không hợp lý.