PGS-TS NGUYỄN HỮU ĐỨC, ĐH Y DƯỢC TP.HCM:

Uống thuốc không toa có nguy cơ mất mạng!

Thuốc tại các nhà thuốc có hai loại: thuốc không cần kê và thuốc phải kê đơn. Thuốc không cần kê đơn trị những rối loạn cơ thể thông thường như sốt, ho, tiêu chảy, nôn ói, dị ứng… Tuy nhiên, cần phải có dược sĩ đại học hướng dẫn liều uống.

Loại thứ hai là nhóm thuốc uống bắt buộc phải kê toa thì giữa liều điều trị và liều độc có khoảng cách rất hẹp, nếu dùng sai một tí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, các loại thuốc này cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ, dùng đúng cách, đủ liều lượng và thời gian. Chẳng hạn dùng thuốc kháng sinh tùy tiện, không qua kê đơn của bác sĩ có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, gây tiêu chảy, nhiễm độc gan, sụn, thận và hệ thần kinh trung ương. Nếu nặng có thể gây tử vong.

Đối với trẻ em, nếu uống kháng sinh quá liều có thể gây hại cho xương và răng, nặng có thể bị điếc. Đối với người bệnh nếu dùng kháng sinh có nhiều chất Chloramphenicol có thể gây suy tủy, thai nhi có thể bị dị tật… Nhiều trường hợp tử vong do nhiễm độc khi tự ý dùng thuốc đã được phản ánh trên thông tin đại chúng. Nhưng tác hại lớn hơn của việc mua bán kháng sinh vô tội vạ như hiện nay sẽ gây ra hiện tượng lờn thuốc (kháng thuốc), rất nguy hiểm!

Đối với người dùng thuốc, để hạn chế sự lờn thuốc, chỉ có cách là sử dụng thuốc khi thật cần thiết, theo sự hướng dẫn của thầy thuốc, không lạm dụng và không sử dụng bừa bãi thuốc.

Thực trạng hiện nay là nhiều nhà thuốc không có dược sĩ, người bán thuốc không đủ trình độ. Có những thuốc phải kê đơn thì bán luôn, lại không chỉ dẫn cho bệnh nhân. Về nguyên tắc điều này là không đúng và còn gây nguy hiểm nữa!

ThS Đỗ Văn Dũng,Phó Tổng Thư ký Hội Dược học TP.HCM:

Lạm dụng thuốc dễ bị hội chứng Parkinson

phản ứng có hại của thuốc xếp thứ 4-6 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ. Từ năm 2004 đến 2006, các sai sót trong điều trị ở nước này đã làm cho hơn 238.000 trường hợp tử vong và chi phí chăm sóc y tế lên đến 8,8 tỉ đôla. Ở Đức, chi phí y tế do tác hại của thuốc gây ra là 588 triệu đôla/năm, ở Anh là 847 triệu đôla/năm.

Theo dữ liệu cảnh giác dược trên thế giới mới đây cho thấy, từ năm 1964 đến 2011 có 161 trường hợp bị mắc hội chứng Parkinson do sử dụng một số thuốc, trong đó người ta tìm thấy có vài ca có sử dụng Trimethazidine (Vastarel). Riêng tại Pháp, từ năm 1993 đến 2009 ghi nhận 21.000 trường hợp bị tác dụng phụ do thuốc, 150 trường hợp có tác dụng phụ Parkinson.

HUYỀN VI-DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới