Út “trọc” nói nhờ người viết hộ hồ sơ Đảng vì ít học, chữ xấu

Tại tòa hôm nay, sau phần bào chữa của các luật sư, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) được HĐXX cho lên bục khai báo để tự bào chữa.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại tòa. Ảnh TTXVN

Mở đầu, bị cáo này cho hay theo thói quen bình thường thì đi đâu gặp lãnh đạo hoặc người này, người kia cũng sẽ đưa anh em đi cùng để sau này thuận tiện trong công việc. Đối với Trần Văn Lâm (cựu giám đốc chi nhánh Bình Dương Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng) cũng vậy, bị cáo có nói Lâm đi cùng tới gặp ông Lê Thanh Cung (Chủ tịch tỉnh Bình Dương). Cuộc gặp cũng chỉ kéo dài trong vài phút.

“Tất cả việc khác bị cáo hoàn toàn không biết gì hết, chỉ có khi sự việc xong, Lâm nói trên chi nhánh Bình Dương có xảy ra sự việc nhập xăng dầu không đúng chất lượng nên chi cục quản lý thị trường có kiểm tra hành chính và kiểm điểm giám đốc chi nhánh rồi” - bị cáo nói.

Út “trọc” cũng cho rằng bản thân là nông dân, học hành và ở với anh trong TP.HCM nên sống tình cảm gắn bó. Khi làm (mua bằng giả - PV), bị cáo không biết gì hết, nghe anh em xã hội nói như vậy thì nghĩ đơn giản như ở quê.

Tới khi ủy ban kiểm tra vào, bị cáo mới biết và đây là lỗi vô ý chứ không phải cố ý. Kể từ năm 2005, bị cáo đã không tiếp tục sử dụng bằng giả.

“Bị cáo là nông dân, học hành ít, gia đình nghèo khổ. Cũng cố gắng học nhưng vì chuyện nọ, chuyện kia. Về khai đảng viên, bị cáo chữ xấu nên phải nhờ người khác viết hộ, anh em cũng chỉ đạo ghi nhiều văn bản này kia bị cáo ký nhưng nghĩ chuyện xảy ra rồi thì bị cáo chấp nhận chịu trách nhiệm chứ không từ chối. Chỉ mong HĐXX xem xét tình tiết đó để thông cảm cho bị cáo” - Út “trọc” trình bày.

Bị cáo này cũng phủ nhận thông tin cho rằng mình chỉ đạo mọi hoạt động tại Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng. Bị cáo mong HĐXX, VKS xem xét bởi bản thân không có quyền lợi ích gì riêng ở công ty. Trong tám năm làm việc, bị cáo làm không “lấy một cắc nào tiền rút ra từ tài khoản của Công ty Thái Sơn để xài cho cá nhân”.

Đinh Ngọc Hệ cũng tự bào chữa rằng bản thân không có trình độ, năng lực điều hành hạn chế về sổ sách nên mới phải thuê giám đốc. Ban giám đốc điều hành phải tự chủ động, quyết định, làm việc chứ bây giờ tất cả quy chụp hết cho bị cáo là vô lý.

“Mong HĐXX xem xét, hỗ trợ cho bị cáo, những gì thuộc trách nhiệm người đứng đầu bị cáo xin chấp nhận” - Út “trọc” trình bày.

Giao xe cho "quý ông, quý bà"

Trước đó, trong phần tranh tụng, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cũng trả lời nhiều câu hỏi của luật sư (LS) liên quan đến tội danh mình bị truy tố.

Bị cáo Hệ khẳng định Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng không cho thuê bất cứ xe biển đỏ nào. Đối với hai xe biển 80A, công ty có cho Công ty Bia Đông Bắc thuê vì có cổ phần bên đó, có ký hợp đồng vận tải vì mục đích sản xuất kinh doanh, đối ngoại. Tiền mua xe đều là tiền vốn của các cá nhân và cổ đông của Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Bộ Quốc phòng, hoàn toàn không có tiền của Tổng Công ty Thái Sơn.

Bị cáo cũng khai rằng mặc dù Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng có 38 xe biển xanh, biển quân sự nhưng trong đó đã có tới năm xe là container hoạt động sản xuất kinh doanh; còn văn phòng công ty cổ phần có năm xe, văn phòng ở Hà Nội cũng có năm xe.

Theo bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng không bàn giao xe cho các đối tượng, nếu có thì cũng giao cho những người có thân nhân tốt hoặc là “quý ông, quý bà”.

“Trong tất cả xe đăng ký biển xanh, biển đỏ, Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng không gây điều tiếng gì, không làm mất uy tín cho Tổng Công ty Thái Sơn. Quá trình hoạt động cũng chấp hành luật giao thông đường bộ, đúng pháp luật, không chở hàng cấm” - bị cáo Út “trọc” khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm