“Tôi mua nhà đã được nhà nước cấp giấy chủ quyền, tại sao cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) lại kê biên nhà của tôi để thi hành cho bản án mà chả liên quan gì tới tôi?”.
“Để tránh tình trạng người phải THA không còn tài sản để đảm bảo THA, nhà nước cho anh cái quyền được yêu cầu toà ngăn chặn, sao anh làm? Chính anh đã từ bỏ quyền lợi của mình thì chả có lý do gì Chấp hành viên phải đi kiện các anh ra toà ?”…
Đó là những vấn đề được đưa ra tranh cãi sôi nổi tại buổi “Hội thảo khoa học về tài sản trong BLDS 2015 và ảnh hưởng của nó đến các quy định khác của pháp luật Việt Nam” do Khoa Luật Dân sự (ĐH Luật TP.HCM) tổ chức sáng nay (26-4)..
Chấp hành viên lấy tư cách gì để đi khởi kiện?
Theo TS Nguyễn Văn Tiến (ĐH Luật TP.HCM): Điều 74 Luật THADS quy định, quá trình Chấp hành viên (CHV) kê biên tài sản của người phải THA, trong trường hợp tài sản không đủ để THA thì phải kê biên tài sản chung với người khác. Nếu như có xảy ra tranh chấp về tài sản hoặc xác định chưa đúng về sở hữu chung thì các bên khởi kiện ra toà. Trong trường hợp người phải THA và người được THA không chịu kiện thì CHV đi kiện, tức là người có quyền lợi trong bản án lại từ chối quyền của mình. Mục đích của việc Chấp hành viên đi kiện là tránh để tình trạng án bị tồn đọng, kéo dài.
Vậy CHV phải đi khởi kiện đã thoả đáng chưa?
Theo Điều 186 và Điều 187 BLTTDS 2015, hầu hết các chủ thể khởi kiện vì lợi ích chung đều là các tổ chức và cơ quan, riêng trong hôn nhân gia đình ngoài tổ chức (Hội Phụ nữ) và cơ quan còn có cá nhân. Còn Điều 74 Luật THADS lại yêu cầu CHV đi kiện yêu cầu toà án xác định tài sản chung của người phải THA đối với người khác. Vậy lúc này CHV đi kiện với mục đích gì? Nếu bảo vệ quyền lợi của người khác thì có vẻ chưa ổn, mà bảo vệ lợi ích nhà nước và công cộng cũng chưa thoả đáng.
TS Nguyễn Văn Tiến: Chấp hành viên khởi kiện với tư cách gì? Ảnh: NGÂN NGA
“Nếu CHV đi kiện thì với tư cách cá nhân hay là đại diện cho cơ quan THA? Theo tôi tới tư cách cá nhân cũng không phải, vì luật quy định chỉ có CHV-người đang tổ chức THA mới được đi kiện. Còn với tư cách đại diện cho cơ quan THA cũng không phải vì ở đây chỉ định đích danh CHV”, TS Tiến nói.
Trên thực tế, có trường hợp CHV kiện yêu cầu toà xác định về sở hữu chung của các đương sự thì phải có căn cứ để chứng minh. Trong khi đó CHV không có giấy tờ gì thì chứng minh bằng cách nào?
Từ những vô lý trên, TS Nguyễn Văn Tiến kiến nghị: “Nên quy định cơ quan THA chỉ đi khởi kiện đối với những vụ án liên quan đến thi hành các khoản nợ nộp cho ngân sách nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích công cộng. Còn đối với lợi ích cá nhân thì người được THA phải tự mình đi kiện. Bởi thi hành bản án là để phục vụ cho người được THA trong khi đó họ lại từ chối quyền của mình mà bắt CHV đi kiện là hơi vô lý”.
Uỷ ban còn không biết làm sao dân biết?
Ngoài ra, TS Lê Vĩnh Châu cũng cho rằng, hiện nay nhiều người dân hoang mang khi tích cóp cả đời mới mua được căn nhà nhưng đùng một cái lại bị cơ quan THA đến kê biên. Người mua nhà, đất không được nhà nước thông báo cho biết rằng người bán tài sản đang có nghĩa vụ phải THA cho một hay nhiều bản án khác nhau.
Nhiều quan điểm cho rằng bên bán và bên mua tài sản chưa đăng bộ sang tên, mới chỉ qua công chứng thì theo quy định của Luật đất đai, thửa đất đó vẫn thuộc quyền sở hữu của người bán.
Trước đây, cơ quan THA dựa vào thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC và hiện nay là Nghị định 62/2015/NĐ-CP để cho rằng sau khi bản án có hiệu lực pháp luật mà người phải THA chuyển giao tài sản mua bán, sang nhượng, tặng cho… tài sản của mình cho người khác, không dùng vào nghĩa vụ THA mà lại không còn tài sản khác đủ để thực hiện nghĩa vụ THA thì tài sản ấy cũng là đối tượng bị kê biên.
Như vậy người mua tài sản ngay tình thì được pháp luật bảo vệ ra sao?
Nhiều ý kiến cho rằng CHV kê biên như thế là không được: “Làm sao tôi biết được người bán có phải nhằm mục đích tẩu tán tài sản để trốn thi hành cho bản án khác không? Chính UBND cũng không biết nên mới cấp giấy chủ quyền cho tôi. Vậy không lý do gì mà CHV lại kê biên nhà của tôi được”.
TS Lê Vĩnh Châu: Cần xem xét trách nhiệm bồi thường của Chấp hành viên. Ảnh: NGÂN NGA
Một đại biểu khác nêu quan điểm: “Tôi trả tiền mua và làm đúng các yêu cầu mà nhà nước quy định như đăng bộ, đóng thuế nhưng vẫn bị kê biên. Đành rằng phải bảo vệ người được THA nhưng không vì thế mà xâm phạm tới quyền lợi của người khác được. Bởi lẽ, trong quá trình khởi kiện, người khởi kiện có quyền yêu cầu toà án áp dụng biện pháp ngăn chặn nhưng do họ đã không thực hiện quyền đó mới dẫn tới trường hợp người phải THA tẩu tán tài sản, do đó nhà nước đừng có bao biện quá. Cả đời họ mới mua được căn nhà, đùng cái bị phát mãi kê biên!”.
Cũng theo TS Lê Vĩnh Châu tại Điều 44 Luật THADS quy định: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay”. Nếu người phải THA chuyển dịch tài sản sau thời điểm hết thời hạn tự nguyện thi hành là do lỗi của Chấp hành viên. Lý do: đã không tiến hành xác minh kịp thời để thực hiện các thủ tục nghiệp vụ tiếp theo (như kê biên tài sản), ảnh hưởng đến quyền lợi của người được THA cũng như người mua ngay tình thì phải xem xét đến trách nhiệm bồi thường của Chấp hành viên.