Ủy ban rút quyết định bị kiện, tòa xử sao?

Mới đây, TAND quận 9 (TP.HCM) đã tuyên bác yêu cầu kiện của vợ chồng ông T. đề nghị hủy bỏ quyết định điều chỉnh diện tích đất của UBND quận 9. Theo HĐXX, do trước khi đưa vụ án ra xét xử, ủy ban quận đã ban hành quyết định khác thu hồi và hủy bỏ quyết định điều chỉnh diện tích đất trên nên tòa bác yêu cầu...

Bác do đối tượng kiện không còn

Theo hồ sơ, năm 2005, vợ chồng ông T. bị một người khác tranh chấp vì cho rằng ủy ban quận 9 cấp luôn 32,5 m2 phần diện tích lối đi chung của hai nhà cho vợ chồng ông T., đề nghị quận phải chỉnh sửa nội dung này. Ba năm sau, ủy ban quận đã ra quyết định tách phần đất tranh chấp trên ra khỏi phần diện tích đã cấp cho vợ chồng ông T. Không đồng ý, vợ chồng ông T. liền khiếu nại. Sau khi bị bác đơn, vợ chồng ông khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy quyết định trên.

Trong quá trình TAND quận 9 thụ lý, chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, ngày 14-6, Ủy ban quận 9 ban hành quyết định mới thu hồi, hủy bỏ quyết định bị kiện.

Xử sơ thẩm ngày 29-6, TAND quận 9 đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông T. Theo HĐXX, hiện tại quyết định bị kiện không còn hiệu lực thi hành, đối tượng khởi kiện của vụ án không còn tồn tại nên không cần phải tiếp tục xem xét hủy bỏ đối với hai quyết định này. Do vậy, yêu cầu của vợ chồng ông T. là không có cơ sở xem xét nên không được chấp nhận.

Ủy ban rút quyết định bị kiện, tòa xử sao? ảnh 1

Phải xem xét cả hai quyết định

TS Nguyễn Thị Thương Huyền (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích vụ kiện được giải quyết trước ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực nên áp dụng Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2006) và các văn bản hướng dẫn thi hành để giải quyết. Theo Nghị quyết số 04 (ngày 4-8-2006) của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, trong trường hợp người bị kiện hủy bỏ quyết định bị kiện thì tòa phải căn cứ vào ý chí của người khởi kiện để quyết định có tiếp tục đưa vụ án ra xét xử hay không. Nếu vợ chồng ông T. đồng ý với việc ủy ban ra quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định bị kiện và rút đơn thì tòa phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Nếu vợ chồng ông T. không rút đơn khởi kiện thì tòa phải tiếp tục đưa vụ án ra xét xử theo hướng xem xét tính hợp pháp của quyết định bị kiện cũng như quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định bị kiện để chấp nhận hay bác yêu cầu khởi kiện. Như vậy, việc TAND quận 9 bác đơn khởi kiện với lý do đối tượng khởi kiện không còn là không đúng quy định pháp luật.

Ngược lại, một số luật sư và thẩm phán TAND TP.HCM bảo tòa quận 9 xử đúng. Vợ chồng ông T. chỉ yêu cầu tòa tuyên hủy quyết định tách phần đất tranh chấp. Quyết định này lại bị thu hồi, hủy bỏ trước khi tòa xử nên đối tượng khởi kiện không còn. Vợ chồng ông T. cũng không có yêu cầu nào khác thì tòa đâu còn cách nào ngoài việc bác yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông T...

Nêu yêu cầu tuyên bố quyết định là trái luật

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của TS Nguyễn Thị Thương Huyền, trường hợp này tòa đã xử sai. Bởi Nghị quyết 04 đã hướng dẫn khá cụ thể trường hợp này và nội dung như TS Huyền phân tích.

Vấn đề này tôi có ý kiến thêm, thực tế hiện nay nhiều người khởi kiện thường yêu cầu tòa tuyên hủy quyết định hành chính... Do vậy, nếu người bị kiện ra quyết định hủy bỏ hoặc sửa đổi quyết định bị kiện thì người khởi kiện thường hay lúng túng. Để tạo thuận lợi cho việc xét xử, khi gặp những trường hợp như vậy, các tòa cần hướng dẫn cho người khởi kiện thay đổi yêu cầu khởi kiện thành yêu cầu tuyên bố quyết định bị kiện là trái pháp luật. Với yêu cầu như trên sẽ ngăn ngừa được tình trạng cơ quan hành chính tiếp tục ban hành văn bản khác để đối phó nhưng lại có nội dung tương tự văn bản đã bị khởi kiện...

ThS Dương Hoán, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm