Và tôi vẫn muốn quay lại - Hội An

(PLO)- Tôi mong Hội An không khắt khe trong ứng xử với khách để hình ảnh thân thiện, chân tình, ấm cúng của phố Hội hàng trăm năm nay được tiếp nối.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Mùa hè hơn 15 năm trước, lần đầu tôi đến Hội An. Đó cũng là lần đầu tiên một con bé sinh viên năm hai có thể chắt bóp từ tiền dạy kèm, nhuận bút của mình và tự thưởng cho mình một chuyến du lịch tới một miền đất lạ. Hội An là điểm đến đầu tiên trong những kỷ niệm “phượt” đẹp đẽ của tôi. Tôi còn quay lại phố Hội 5, 6 lần sau đó.

Hội An đầu những năm 2000 không phụ lòng khách lạ. Một phố thị đẹp từ cảnh quan đến hồn cốt. Ở bất cứ khung cảnh nào của Hội An cũng đẹp như tranh, mà còn ấn tượng hơn tranh vì mang theo những chuyện phố, chuyện người. Nhớ kỷ niệm nhỏ xíu, mỗi khi ghé hàng quán ở khu du lịch, tôi thường cẩn thận hỏi giá trước. Cô bạn thân đi cùng là người Quy Nhơn, bảo: “Ở đây không cần hỏi giá đâu Hương ơi, vì không ai nói thách cả”. Chúng tôi ghé gánh chè mè, bà chủ mời khách ăn thêm vài món quà bánh nhỏ nhỏ, nước chè và trái cây tráng miệng, với nhiều câu chuyện thú vị về phố cổ. Xong đứng dậy tính tiền, bà chỉ nhận đúng số tiền rất nhỏ của hai bát chè mè, tạm biệt khách với lời hẹn gặp lại và nụ cười hiền, tươi.

Hội An đẹp không chỉ vì cảnh sắc, với tôi, còn vì những chân tình ban sơ ấy.

Hội An những ngày gần đây nổi lên vụ việc MC người mẫu Giáng My bị chỉ trích ngồi lên nóc nhà cổ. Tấm ảnh nằm trong loạt ảnh xuất hiện trên nhiều trang báo điện tử, mạng xã hội từ trưa 14-5. Hình ảnh người mẫu ngồi tạo dáng ngay trên mái ngói nhà cổ, trong khu vực 1 - khu vực bảo tồn nghiêm ngặt đã khiến dư luận “nổi sóng”.

Tuần qua, TP Hội An đã yêu cầu gỡ bỏ hình ảnh hoa hậu Giáng My ngồi trên nóc một ngôi nhà cổ. Ảnh: Facebook
Tuần qua, TP Hội An đã yêu cầu gỡ bỏ hình ảnh hoa hậu Giáng My ngồi trên nóc một ngôi nhà cổ. Ảnh: Facebook

Bức ảnh đã được gỡ xuống, dù theo chủ quán cà phê, nơi có bối cảnh chụp hình, giải thích thực tế chỗ ngồi của Giáng My chỉ là mô hình ống khói, nhiều khách ghé quán đều có thể chụp hình kỷ niệm chứ hoàn toàn không phải mái nhà cổ cần bảo tồn. Tuy vậy trên không ít trang mạng, câu chuyện này vẫn tiếp tục gây bão với những lời chỉ trích trước và sau khi chính quyền thành phố yêu cầu gỡ bức ảnh.

Từ trước đến nay, một số khách đến Hội An chọn mái ngói phố cổ để tạo dáng, chính quyền thành phố Hội An đều rốt ráo quan tâm, xử lí vì việc chụp hình không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng kết cấu nhà cổ, mất an toàn với du khách mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng di sản. Việc nhắc nhở du khách không có những hành vi ảnh hưởng tới nét đẹp phố cổ là điều nên làm nhưng cách thực hiện rốt ráo thái quá của chính quyền (phát biểu trên nhiều phương tiện truyền thông, thể hiện thái độ gay gắt…), cách thể hiện thái độ khó chịu của không ít người đang nhận mình là người Hội An trên các trang mạng để phán xét người khác “vô văn hoá” chỉ vì một hình ảnh, một hành động không đẹp… đang vô tình khiến Hội An ít nhiều mất đi sự thân thiện trong nét đẹp phố cổ từ xưa đến nay vẫn xây dựng, giữ gìn.

* * * * *

Một nhà báo chia sẻ trên Facebook mình câu chuyện ăn hai bát phở hương vị dở ở Hội An hết 170.000 đồng và pass wifi chỉ được cho sau khi ăn xong xuất bill tính tiền. (Lúc này du khách chỉ ra khỏi quán chứ ngồi lại sử dụng wifi làm gì?). Câu chuyện anh bạn gặp cách đây 4 năm. Tôi không nghĩ anh có ác ý gì với Hội An, khi anh cũng là một người thẳng thắn xứ Quảng. Câu chuyện chia sẻ lại cũng vẫn còn giá trị nguyên đó, về những trải nghiệm không vui ở một điểm đến vốn dĩ xây dựng hình ảnh thân thiện, dễ mến trong lòng du khách.

Điều đáng nói, sau khi câu chuyện chia sẻ trên Facebook, nhiều người nhân danh người phố Hội vào phản hồi với giọng điệu khó chịu. Cũng như rất nhiều vụ việc không hay xảy ra ở Hội An trước đó, cho dù khách cố ý hay vô tình mắc lỗi thì đều bị không ít “gạch đá” của những người tự xưng chủ nhà ném theo trên cõi mạng. Cả khi khách xin lỗi vẫn không bỏ qua.

Một trong những nét đẹp văn hoá Việt là trọng khách. “Khách đến nhà không gà thì vịt”, đến cả trong bài học xưa, ông bà vẫn dạy con cái: “vợ chồng trọng nhau như khách”… Những khắt khe, gay gắt mà lãnh đạo, cùng một số không ít người tự nhận mình là người Hội An ứng xử với khách có nguy cơ làm mất dần đi hình ảnh thân thiện, chân tình, ấm cúng mà phố Hội hàng trăm năm nay đã có và vẫn giữ.

Tôi chỉ là một du khách đã đến Hội An hơn 5 lần, và chắc chắn sẽ còn quay lại nhiều lần. Vì tôi tin rằng, dưới những mái nhà phố cổ vẫn còn những gánh hàng rong không chặt chém, vẫn có những người chị người bà mang theo hồn cốt phố cổ bên gánh chè, gánh bánh, những cô thợ may gửi gắm tình yêu nghề qua từng đường kim mũi chỉ những bộ áo lụa…

Từ những người bé nhỏ ấy vẫn giữ nét đẹp phố Hội theo cách rất tự nhiên của họ thì không lí gì chỉ vì những bình luận có phần gay gắt trên mạng mà không muốn quay lại một nơi mình đã mến yêu.

Chỉ mong những người dân phố Hội, những người được sống giữa một không gian di sản đẹp vì sự tinh tế, lặng trầm, nhẹ nhàng như những mái ngói, những con đường… vì yêu phố mà xây dựng từ lời nói, hành vi, để phố Hội sẽ là điểm đến không chỉ một lần của nhiều du khích bè bạn trong và ngoài nước, hôm nay và cả mai sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm